Sàn thương mại điện tử có thể bị ảnh hưởng tiêu cực vì quy định phải kê khai và nộp thuế hộ người bán
09:25 21/06/2021
Tại Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính mới ban hành đã quy định sàn thương mại điện tử (TMĐT) phải khai và nộp thuế thay cá nhân kinh doanh trên sàn. Về quy định này, đại diện VECOM cho rằng, chưa khả thi và có thể gây nhiều tác động tiêu cực đối với hoạt động kinh doanh của các sàn thương mại điện tử.
Theo thống kê từ các sàn thương mại điện tử (TMĐT), mỗi ngày trung bình có 3,5 triệu giao dịch được thực hiện trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam. Giá trị giao dịch ngày một lớn nhưng được thực hiện tại không gian "ảo" nên nhiều người buôn bán trên sàn thương mại điện tử có doanh thu tốt vẫn đứng ngoài nghĩa vụ thuế.
Nhằm tránh thất thu thuế trong lĩnh vực này, thay vì để cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử tự giác kê khai và nộp thuế như trước, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 40 quyết định để cho cơ quan thuế sẽ chuyển trách nhiệm này sang các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada, Sendo...
Theo đó, từ tháng 8 năm nay, từng bước theo lộ trình, các sàn thương mại điện tử sẽ phải kê khai thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn.
Trước quy định này, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đại diện cho 500 hội viên bao gồm các sàn thương mại điện tử lớn nhất trên thị trường đã có văn bản góp ý gửi lên Bộ Tài chính, trong đó bày tỏ nhiều quan ngại về tính khả thi của quy định mới cũng như nguy cơ gây tác động tiêu cực lên thị trường thương mại điện tử.
Trong văn bản góp ý, VECOM cho rằng, sàn giao dịch thương mại điện tử không phải là đơn vị "trả thu nhập", mà chỉ cung cấp hạ tầng công nghệ để kết nối người bán và người mua, vì vậy không thuộc đối tượng có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ thuế thu nhập của người bán theo Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Đánh giá tổng thể, VECOM cho rằng quy định mới có thể làm tăng gánh nặng quản trị và chi phí vận hành của doanh nghiệp.
"Việc làm xáo trộn hoạt động kinh doanh thương mại điện tử sẽ ảnh hưởng đến việc Nhà nước đang khuyến khích đưa sản phẩm lên bán trực tuyến. Khó khăn hiện nay liên quan đến việc hệ thống đáp ứng như thế nào, lộ trình triển khai ra sao, đòi hỏi phải xây dựng cả một quy trình, cơ chế. Bên cạnh đó, chúng ta phải làm thí điểm từng bước, sau đó áp dụng trên diện rộng", ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch VECOM, cho hay.
Đồng quan điểm, đại diện một số sàn như Chotot, Batdongsan.com.vn cho biết, họ không tham gia trực tiếp vào giao dịch mua bán... chỉ đóng vai trò là nơi để người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ. Do vậy, các sàn này không thể kiểm soát cũng như không có thông tin về doanh thu, tài khoản ngân hàng, căn cước công dân, mã số thuế, địa chỉ người bán.
Cùng với đó, câu chuyện kê khai, thu thuế hộ cho cá nhân còn khiến các sàn lo ngại vì sẽ phải đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng như xây dựng phần mềm hỗ trợ xác định doanh thu của nhà bán, phân loại doanh thu chịu thuế và thuế suất tương ứng với loại hoạt động kinh doanh, tính toán số thuế cần phải nộp... Ngoài ra, việc này còn phát sinh thêm đội ngũ nhân sự có chuyên môn về thuế để thực hiện nhiều khâu liên quan.
Các chi phí phát sinh liên quan đến các công việc kê khai, nộp thuế hộ này sẽ tạo gánh nặng tài chính, nhân sự và kỹ thuật lớn cho các sàn. Chưa kể số lượng người bán hàng trên các sàn có độ dao động rất lớn, số lượng nhà bán hàng mới hay nhà bán hàng dịch chuyển từ sàn này qua sàn khác nhiều. Điều này cũng sẽ dẫn đến khó khăn cho các sàn trong việc thực hiện các thủ tục và quản lý hoạt động kê khai, nộp thuế thay.
Bà Nguyễn Thị Hương Giang, Giám đốc tài chính Công ty Shopee cũng đưa ra kiến nghị ngành thuế cần có hướng dẫn để phân biệt rõ giữa cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh, do sàn giao dịch thương mại điện tử chỉ kê khai và nộp thuế thay cá nhân kinh doanh. Việc phân định rõ sẽ giúp các sàn nâng cấp ứng dụng và triển khai đúng theo tinh thần của Thông tư 40 và ngành thuế cũng cần tính toán lại lộ trình và thời gian triển khai cho phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, đại diện các sàn thương mại điện tử lo lắng, từ nay đến khi Thông tư 40 có hiệu lực ngày 1/8, đây là khoảng thời gian quá ngắn để các sàn có thể kịp chuẩn bị hệ thống cho việc thu thập dữ liệu và báo cáo theo yêu cầu của cơ quan thuế.
Trước đó ngày 15/6, Tổng cục Thuế đã tổ chức một cuộc họp với sự tham gia của đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, các sàn thương mại điện tử như Lazada, Sendo, Shopee, Tiki, Voso (Viettel Post), Postmart (Vietnam Post), Chotot… và các bên liên quan để trao đổi về nội dung mới của Thông tư 40.
Theo quy định mới nhất tại Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, các sàn TMĐT phải kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh. Sàn giao dịch TMĐT căn cứ doanh thu, các khoản thu khác mà cá nhân kinh doanh trên sàn nhận được, bao gồm khoản nhận qua đơn vị vận chuyển - COD, các hình thức trung gian thanh toán... để xác định doanh thu kê khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh.
Thông tư 40 có hiệu lực từ 1/8 nhưng việc khấu trừ thuế tại các sàn TMĐT, theo cơ quan thuế, có thể giãn, theo lộ trình, để các sàn TMĐT có thêm thời gian chuẩn bị. Theo quy định, cá nhân kinh doanh có thu nhập năm từ 100 triệu đồng trở lên sẽ phải nộp thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân. Mức thuế áp dụng cho cá nhân bán buôn, bán lẻ các loại hàng hóa (trừ giá trị hàng hóa đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng) là 1,5% tính trên doanh thu, gồm 1% thuế suất GTGT và 0,5% thuế thu nhập cá nhân. Nếu chưa khai thuế thay, nộp thuế thay được cho cá nhân, sàn TMĐT phải cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân thông qua sàn cho cơ quan thuế.