Thị trường chứng khoán Việt Nam: Chinh phục những đỉnh cao mới giữa mùa đại dịch
08:49 21/06/2021
“Thăng hoa” có lẽ là tính từ chính xác nhất để nói về mức tăng trưởng của VN-Index trong năm 2021.
Chốt phiên giao dịch 18/6, VN-Index tiếp tục chinh phục mốc đỉnh cao mới khi đạt 1.377,77 điểm, tăng 1,31% so với mức giá tham chiếu, và là mức cao nhất trong lịch sử. Theo dữ liệu từ StockQ, VN-Index tăng 29,3% trong 6 tháng vừa qua, nằm trong top 3 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới.
Đà tăng trưởng của VN-Index đã vượt qua nỗi sợ “Sell in May, go away”, thậm chí còn hơn cả sự mong đợi của giới chuyên gia, giới đầu tư. Thậm chí, có người còn cho rằng chiến lược giao dịch tốt nhất thời điểm hiện tại là “Bán là thua, mua là thắng”.
Cùng với mức tăng trưởng của chỉ số, quy mô giao dịch cũng tăng theo. Tính riêng tháng 5/2021, giá trị giao dịch bình quân đạt 26.178 tỷ đồng/phiên, tăng 16% so với tháng kế trước. Tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 21.214 tỷ đồng/phiên, tăng 185,9% so với bình quân năm trước. Đặc biệt, giá giá trị giao dịch HOSE trong ngày 4/6 đạt đến 31.308 tỷ đồng, vươn lên thứ 2 trong khu vực ASEAN, và vượt Singapore dù tổng giá trị vốn hóa HOSE (5,1 triệu tỷ đồng) chưa bằng 1/3.
Động lực chính tăng trưởng của chỉ số là sự nhập cuộc mạnh mẽ của dòng tiền F0. Trong riêng tháng 5/2021, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 113.674 tài khoản chứng khoán – đây là con số kỷ lục từ trước tới nay. Lũy kế 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 480.490 tài khoản chứng khoán, vượt 20% số lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020. Tới cuối tháng 5, số tài khoản chứng khoán trên thị trường Việt Nam ở mức hơn 3,25 triệu tài khoản, tương đương 3,2% tổng dân số.
Điểm trừ duy nhất là khối ngoại trong tháng 5/2020 đã bán ròng 11.687 tỷ đồng và bán ròng 25.685 tỷ đồng trong 12 tháng vừa qua (tính từ tháng 6/2020). Dù vậy, tác động của nhóm này lên VN-Index không đáng kể khi gần 87% thanh khoản của thị trường do vốn nội (cụ thể là các nhà đầu tư cá nhân cân hết).
Một thống kê từ dữ liệu của FiinGroup cho thấy, vào tháng 3/2021, khi nhà đầu tư nước ngoài, tự doanh và nhà đầu tư tổ chức đều bán ròng, thì các nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng tới 19.800 tỷ đồng. Nếu tính từ tháng 7/2020, khối nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng gần 34.000 tỷ đồng.
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam thông tin, tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, trong khi đó TTCK liên tục tăng trưởng, không chỉ các nhà đầu tư cá nhân, thậm chí nhiều doanh nghiệp cũng rút tiền khỏi ngân hàng và đầu tư chứng khoán.
Cùng với đó, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết rất khả quan. Theo đó, trong quý I/2021, tổng lợi nhuận của các công ty niêm yết trên ba sàn (HOSE, HNX, UPCOM) tăng mạnh 80,7% so với cùng kỳ, hồi phục đáng kể so với mức giảm 25,9% trong quý I/2020. Thậm chí, lợi nhuận quý I/2021 còn cao hơn 49% so với mức trước dịch Covid-19 (tức quý I/2019).
Mặt khác, hầu hết TTCK thế giới đã tăng điểm và hồi phục tích cực cũng góp phần hỗ trợ cho đà tăng của TTCK trong nước.
Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2021?
Dù VN-Index liên tục phá đỉnh trong thời gian qua, nhưng hệ số giá/lợi nhuận (P/E) của VN-Index tính theo lợi nhuận 4 quý gần nhất hiện là 18,55 lần. Con số này cao hơn kể từ đầu năm 2019 nhưng vẫn thấp hơn so với giai đoạn “uptrend” gần nhất là 2017 – 2019. VN-Index vẫn ở vùng định giá hấp dẫn so với các thị trường lân cận như P/E của chỉ số SET của Thái Lan là 29,6 lần, JCI của Indonesia là 29,0 lần và PSEi của Philippines là 26,9 lần.
Do đó, hầu hết các chuyên gia, công ty chứng khoán nhìn nhận thị trường vẫn sẽ tiếp tục diễn biến tích cực trong nửa cuối năm 2021.
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận, trong trường hợp dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân nhập cuộc mạnh mẽ vào thị trường như hồi cuối năm 2020, đầu năm 2021, đó có thể là kịch bản lạc quan nhất khi VN-Index đạt 1.700 điểm, P/E 22 lần. Dù vậy, chúng tôi đánh giá xác suất rơi vào trường hợp này chỉ là 25%
CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đánh giá trong kịch bản dòng tiền từ các Quỹ ngoại quay trở lại đồng thời các nhà đầu tư mới trong nước tiếp tục tham gia vào thị trường. Diễn biến về việc lây nhiễm mới không quá tiêu cực và làn sóng COVID thứ 4 được đẩy lùi, VN-Index có thể duy trì đà tăng và hướng về ngưỡng 1.400 điểm.
Ở kịch bản thứ hai, BSC dự báo VN-Index có thể dao động tích lũy trong khu vực 1.270-1.350 điểm nếu diễn biến thị trường thế giới bước vào giai đoạn đi ngang, dịch bệnh trong nước chưa được kiểm soát hoàn toàn và khối ngoại duy trì trạng thái rút ròng vốn.
BSC cho rằng, TTCK Việt Nam trong thời gian tới sẽ được hỗ trợ bởi một số thông tin như: Tiếp tục giải ngân đầu tư công và chính sách tiền tệ nới lỏng hạn chế ảnh hưởng tiêu cực dịch COVID-19 và hỗ trợ tăng trưởng; bộ máy lãnh đạo mới đẩy nhanh việc hoạch định và ban hành các chính sách mới; và các ETFs, FTSE, VNM, MSCI công bố điều chỉnh và thực hiện cơ cấu danh mục.
Trung tâm phân tích của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo VN-Index vượt 1.400 điểm trong năm 2021, vào dao động quanh ngưỡng này trong năm 2022. SSI Research cũng cho biết, so với khu vực, các cổ phiếu chứng khoán của Việt Nam đang giao dịch với P/E và P/B quá khứ tương ứng là 13,9x và 1,6x, thấp hơn khá nhiều. Do đó, cổ phiếu chứng khoán niêm yết Việt Nam có mức giá hấp dẫn và hợp lý để đầu tư dài hạn.
Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam đánh giá thị trường đang trong giai đoạn nước rút để tiến nhanh đến cột mốc mới tại 1.400 điểm. Bối cảnh vĩ mô trong và ngoài nước tương đối ổn định, cùng với việc các nhà đầu tư nước ngoài đang quay lại nhập cuộc chơi sẽ là những yếu tố khác ủng hộ cho kịch bản này. Dù vậy, công ty này vẫn để ngỏ khả năng thị trường xuất hiện những phiên điều chỉnh khi áp lực chốt lời đang ngày gia tăng, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã tăng mạnh trong thời gian qua.
CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá, mặc dù thị trường đã tăng mạnh kể từ đầu năm 2021, tỷ lệ P/E của chỉ số VN-Index ở mức 18,2 lần tại thời điểm cuối tháng 5. VCSC cho rằng, lượng lớn NĐT trong nước tham gia vào thị trường sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường chứng khoán trong ngắn hạn. VCSC cũng cho rằng, việc dịch COVID-19 tái bùng phát trong thời gian gần đây – dẫn đến việc áp dụng một loạt các biện pháp giãn cách tại TP. HCM và nhiều tỉnh/thành khác – có khả năng tác động tiêu cực đến các nhóm ngành như Bán lẻ, Vận tải và Khách sạn nghỉ dưỡng trong tháng 6.
Với MBS, đơn vị này đánh giá cao triển vọng tăng trưởng kinh tế phục hồi nhờ việc tái mở cửa kinh tế cùng với các biện pháp hỗ trợ bổ sung, đã thúc đẩy các nhà đầu tư quay lại với nhóm cổ phiếu mang tính chu kỳ và được hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế. Chẳng hạn như lĩnh vực năng lượng với các cổ phiếu dầu khí, lĩnh vực dịch vụ tài chính như chứng khoán, ngân hàng,… hoặc nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ xu hướng tăng của thị trường hàng hóa như: cổ phiếu thép, cao su,…hoặc nhóm cổ phiếu được hưởng lợi khi nền kinh tế mở cửa nền kinh tế như: cổ phiếu hàng không, cổ phiếu du lịch, khách sạn…