Sunday, 24/11/2024

PvcomBank “lỗ” 500 tỷ năm 2020: Không hạch toán đúng quy định kéo dài nhiều năm

22:35 14/06/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online PVcombank đã bị công ty kiểm toán cho rằng lẽ ra lỗ gần 500 tỷ đồng. Đáng ngạc nhiên ở chỗ, tình trạng hạch toán không đúng quy định kéo dài trong nhiều năm qua. Vì vậy báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 của Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam – PvcomBank đang gây xôn xao dư luận vì báo cáo đã nêu lên tình trạng lãi giả, lỗ thật của PvcomBank.

Lẽ ra đã lỗ gần 500 tỷ đồng năm 2020

Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC, đơn vị thực hiện kiểm toán tại Pvcombank khẳng định nếu hạch toán đúng quy định hiện hành, tổng lợi nhuận trước thuế của PVcomBank năm 2020 sẽ giảm trên 569 tỷ đồng, tương ứng lỗ gần 500 tỷ đồng.

Cụ thể, AASC đã đưa ra loạt ý kiến ngoại trừ. Theo đó, tại ngày 31/12/2020, PvcomBank chưa thực hiện phân loại nhóm nợ, trích lập dự phòng và thoái lãi dự thu đầy đủ đối với các khoản cho vay của khách hàng theo quy định hiện hành. Báo cáo kiểm toán độc lập cho rằng, nếu ngân hàng thực hiện theo đúng quy định, thì Tổng lợi nhuận trước thuế sẽ giảm 541,189 tỷ đồng.

Ngoài ra, AASC khẳng định ngân hàng chưa thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cho các tài sản có nội bảng khác đầy đủ theo quy định hiện hành. Nếu thực hiện, chỉ tiêu “Lợi nhuận chưa phân phối” giảm 253,924 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế sẽ giảm 130,262 tỷ đồng. AASC cũng cho biết có một vài chỉ tiêu trị giá hàng trăm tỷ đồng mà hãng “không thể xác định được”.

Theo AASC, trong năm 2017, PvcomBank thực hiện chuyển nhượng khoản đầu tư góp vốn mua cổ phần cho một đối tác theo phương án trả chậm (chia làm ba đợt và đã được gia hạn thanh toán đợt 2) với tổng giá trị phải thu là 727,872 tỷ đồng. Tại thời điểm lập báo cáo tài chính hợp nhất, đối tác đã thanh toán... 6 tỷ đồng. Ngân hàng đã thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi là 161 tỷ đồng.

“Với những tài liệu hiện có, chúng tôi chưa thể xác định được khả năng thu hồi đầy đủ của khoản phải thu này. Do đó, chúng tôi không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu này hay không”, AASC cho biết.

AASC cho biết thêm năm 2019, ngân hàng nhận bàn giao tài sản đảm bảo để cấn trừ nợ của một khoản trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết với tổng giá trị tài sản đảm bảo được cấn trừ nợ là 736,680 tỷ đồng và ghi nhận thu nhập phát sinh từ giao dịch này là 240,204 tỷ đồng. AASC khẳng định hãng chưa thể xác định được giá trị lợi ích kinh tế sẽ thu được từ giao dịch này.

“Hạch toán không đúng quy định” kéo dài

Nếu Pvcombank được xác định là lỗ gần 500 tỷ đồng thay vì lãi 73,6 tỷ đồng như trong báo cáo tài chính năm 2020 tự lập thì đây là “cú sốc” lớn với ngành ngân hàng. Thế nhưng, thực tế, đây không phải lần đầu tiên tình trạng “hạch toán không đúng quy định” xảy ra tại Pvcombank. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nhưng dường như cơ quan chức năng chưa vào cuộc.

Báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2019 không được công khai nên không rõ công ty kiểm toán AASC đưa ra ý kiến ngoại trừ gì nhưng trước đó, trong báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2018 của Pvcombank, ASSC đã có động thái tương tự như năm 2020. Cụ thể, trong báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2018, AASC đưa ra danh sách dài ý kiến ngoại trừ.

Theo đó, tại ngày 31/12/2018, PvcomBank chưa thực hiện phân loại nhóm nợ, trích lập dự phòng và thoái lãi dự thu đầy đủ đối với các khoản cho vay của khách hàng theo quy định hiện hành. AASC khẳng định nếu ngân hàng thực hiện đúng quy định thì chỉ tiêu “Lợi nhuận chưa phân phối” sẽ giảm 610,328 tỷ đồng.

Ngoài ra, PvcomBank được cho là chưa thực hiện phân loại nhóm nợ và trích lập dự phòng đầy đủ đối với các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết. Nếu điều này được thực hiện, chỉ tiêu “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối” sẽ giảm 75,150 tỷ đồng.

Ngân hàng cũng chưa thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng giảm giá các khoản đầu tư vào chứng khoán vốn đầu tư sẵn sàng để bán với tổng số tiền cần ghi nhận bổ sung là 482,260 tỷ đồng. Nếu điều này được thực hiện, chỉ tiêu “Tổng lợi nhuận trước thuế” của PvcomBank sẽ giảm 428,496 tỷ đồng.

Liên quan đến một khoản phải thu, nếu ngân hàng thực hiện đúng quy định hiện hành thì “Lợi nhuận chưa phân phối” sẽ giảm 301,657 tỷ đồng. Nếu ngân hàng thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cho các tài sản có nội bảng khác đầy đủ theo quy định hiện hành, “Tổng lợi nhuận trước thuế” sẽ giảm 209,054 tỷ đồng.

Trong năm 2017, PvcomBank bán một số khoản đầu tư chứng khoán vốn và khoản đầu tư dài hạn. Nếu doanh thu từ các khoản này được hạch toán đúng, “Lợi nhuận chưa phân phối” sẽ giảm 138,067 tỷ đồng.

Nhưng đáng chú ý hơn cả là số tiền 6.053 tỷ đồng. Trong năm 2018, PvcomBank đã chuyển nhượng một phần giá trị chứng khoán tương ứng 6.053 tỷ đồng thu nhập được đánh giá tăng lên. Nếu ngân hàng làm đúng quy định, chỉ tiêu “Tổng lợi nhuận trước thuế” sẽ tăng lên số tiền 6.053 tỷ đồng.

Không chỉ có vậy, hãng kiểm toán Deloitte Việt Nam cũng đã chỉ ra nhiều điểm chưa thực hiện đúng quy định hiện hành trong báo cáo tài chính năm 2015 của PvcomBank.

Ngày 31/12/2015, PVcomBank đang ghi nhận dư nợ của CTCP Hàng hải Đông Đô là 166 tỷ đồng liên quan đến khoản cho vay có tài sản đảm bảo là tàu Đông Mai và khoản cho vay tại Vinashin với tổng dư nợ nội bảng gần 191 tỷ đồng để tài trợ cho dự án kho nổi FSO-5.

Deloitte Việt Nam cho biết theo phản hồi thư xác nhận cho các khoản vay này, các số dư nói trên là không chính xác. PVcomBank và các đơn vị nói trên đang tiếp tục trao đổi để xác định và thống nhất số dự nợ gốc và lãi phải trả hoặc được cấn trừ bằng tài sản siết nợ.

Cũng tại thời điểm cuối năm 2015, PvcomBank còn có khoản lãi phải thu quá hạn vượt 301 tỷ đồng liên quan đến nghĩa vụ nợ của một nhóm khách hang. ếu khoản lãi này được hạch toán vào báo cáo tài chính, ngân hàng sẽ bị giảm lợi nhuận tương ứng 301 tỷ đồng.

PvcomBank cũng ghi nhận một khoản thu nhập từ thanh lý góp vốn đầu tư dài hạn gần 130 tỷ đồng, khi thực hiện ủy thác chứng khoán niêm yết trong khoản mục đầu tư dài hạn cho một công ty khác và đánh giá lại giá trị của chứng khoán này theo thị trường. Nếu ngân hàng hạch toán giao dịch này theo đúng quy định thì lợi nhuận sẽ giảm tiếp số tiền tương ứng gần 130 tỷ đồng,...

Trong vài năm gần đây (năm 2019, 2017, 2016,...), không rõ PvcomBank có nhiều khoản hạch toán không đúng quy định không vì các báo cáo tài chính sau kiểm toán không được công bố.

Còn một điểm đáng lưu ý. Đó chính là trên website của mình, PvcomBank không công bố báo cáo tài chính sau kiểm toán nhiều năm.

TheoThương hiệu & sản phẩm

Chia sẻ bài viết

Thong ke