Tuyên Quang – Tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư
18:36 29/11/2022
Tuyên Quang là tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc Việt Nam, có diện tích tự nhiên trên 5,86 nghìn km2, dân số tính đến năm 2021 trên 801 nghìn người. Trong cách mạng Tháng Tám, Tuyên Quang vinh dự là Thủ đô Khu giải phóng, được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn làm trung tâm của cách mạng cả nước. Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tuyên Quang tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương cách mạng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh của địa phương, chủ động hội nhập kinh tế, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư.
Giai đoạn 2021-2025, Tuyên Quang xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là hướng tới phát triển bền vững và toàn diện. Theo đó, Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã đặt ra mục tiêu tổng quát phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc và đó cũng chính là khát vọng của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh vươn lên hội nhập, phát triển cùng cả nước.
Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2021-2025 đã xác định 3 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 15 chỉ tiêu chủ yếu và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu này. Trong đó, các khâu đột phá được tiếp cận từ nhận thức và đánh giá về các điểm nghẽn của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh những năm qua, tập trung vào: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới; Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ theo hướng hiện đại.
Với những mục tiêu đã đề ra, ngay từ đầu giai đoạn, Tuyên Quang đã đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đầu tư, thu hút đầu tư và gặt hái được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh năm 2010) trên địa bàn tỉnh tăng 5,67% so với năm 2020, đây cũng là mức tăng trưởng tương đối ấn tượng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, tác động tiêu cực đến kinh tế của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng. Trong đó, Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 5,3%; đóng góp 1,49 điểm phần trăm trong mức tăng chung của GRDP; Khu vực Công nghiệp, xây dựng tăng 5,85%, đóng góp 1,57 điểm phần trăm trong mức tăng chung; Khu vực dịch vụ tăng 5,35%, đóng góp 2,21 điểm phần trăm.
Trong năm 2022, Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông nhằm tháo gỡ nút thắt cho bài toán phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của tỉnh. Để thực hiện điều đó, Tỉnh đã tập trung nguồn lực từ thu hút vốn đầu tư và nguồn thu ngân sách. 9 tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước thực hiện là 1,89 nghìn tỷ đồng, đạt 68,18% dự toán năm, tăng 7,11% so với cùng kỳ. Trong đó thu nội địa ước thực hiện là 1,85 nghìn tỷ đồng, đạt 68,71% so với dự toán giao, tăng 8,73%. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của Tuyên Quang ước đạt 9,69 nghìn tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nguồn vốn từ khu vực nhà nước chiếm 27,71% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện đạt 2,13 nghìn tỷ đồng, tăng 45,55% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang lấy lại đà phục hồi tăng trưởng tương đối mạnh mẽ, để duy trì đà phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19, đầu tư công chính là công cụ giúp các thành phần kinh tế phục hồi và là động lực cho tăng trưởng, thu hút các doanh nghiệp trong nước có đủ điều kiện, đủ năng lực tài chính tham gia các thành phần của các dự án lớn. Giải ngân vốn đầu tư công được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư vào địa bàn. Do vậy, Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ thanh toán, giải ngân vốn đầu tư công, cương quyết xử lý các đơn vị, cá nhân yếu kém về năng lực, chậm tiến độ, chủ động tăng cường giám sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, gắn trách nhiệm đến từng cá nhân trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Năm 2022, tỉnh được phê duyệt kế hoạch vốn đầu tư công là 4,04 nghìn tỷ đồng, trong đó: Vốn theo kế hoạch năm 2022 là 3,98 nghìn tỷ đồng; Vốn năm 2021 kéo dài sang năm 2022 là 59,94 tỷ đồng. Tính đến ngày 18/9/2022, tổng số vốn đã giải ngân được 1,77 nghìn tỷ đồng, đạt 43,91% kế hoạch, nằm trong nhóm những tỉnh có kết quả giải ngân cao của cả nước.
Riêng tại các khu công nghiệp, trong 5 năm giai đoạn 2016-2020, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã thu hút được 6 dự án đầu tư, trong đó có 3 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư lên tới trên 425 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, trên địa bàn các khu công nghiệp có 35 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 16,04 nghìn tỷ đồng, trong đó có 6 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 247,9 triệu USD. Có tổng số 17 dự án đã đi vào hoạt động với quy mô vốn lên tới 14 nghìn tỷ đồng, đóng góp cao vào giá trị sản xuất công nghiệp của Tỉnh.
Cùng với đó, phát triển hạ tầng giao thông được coi là một trong những khâu đột phát để phát triển toàn diện, bền vững kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2021-2025. Chính vì vậy, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang đã quan tâm chỉ đạo đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông quan trọng và chuyển đổi một số đường tỉnh lộ lên quốc lộ; triển khai thực hiện đề án làm đường bê tông nông thôn và cầu nông thôn. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong công tác bồi thường Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, phấn đấu khởi công xây dựng trong tháng 01/2023… tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư và phát triển triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục huy động các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa nhằm tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Đáng chú ý, trong những tháng cuối quý III/2022, Tỉnh đã tổ chức thành công chuỗi hoạt động Lễ đón nhận Bằng ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên năm 2022, đã thu hút nhiều lượt khách trong và ngoài nước và giúp kích thích tăng trưởng ngành Du lịch toàn tỉnh. Song song với phát triển kinh tế, Tỉnh cũng chú trọng đến công tác an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Ban Dân tộc của Tỉnh đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai đồng bộ các chương trình, dự án, chính sách cho các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đồng thời xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Trong thời gian còn lại của những tháng cuối năm, Tuyên Quang tiếp tục tập trung vào 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong năm 2022, tạo bước đệm vững chắc cho kinh tế tỉnh phát triển trong cả giai đoạn. Các nhiệm vụ, giải pháp tập trung vào: (1) Tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. (2) Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. (3) tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách, đẩy mạnh công tác chống thất thu, trốn thuế, chống gian lận thương mại, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp thu thuế trên địa bàn, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời mọi khoản thu vào ngân sách nhà nước, quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới, phấn đấu hoàn thành tốc độ dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. (4) tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển công nghiệp, theo hướng trọng tâm vào một số ngành mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế, đôn đốc tiến độ sản xuất của các sản phẩm công nghiệp, tiến độ triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. (5) tiếp tục triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. (6) tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động xây dựng các phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Với truyền thống đoàn kết của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, cả hệ thống chính trị cùng nhân dân đều thể hiện quyết tâm sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng để thực hiện thành công các khâu đột phá, quyết tâm đưa tỉnh Tuyên Quang trở thành Tỉnh “phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc” như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra./.