Thursday, 21/11/2024

Nâng cấp Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thành sân bay quốc tế: Cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng

21:11 28/11/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online UBND tỉnh Đắk Lắk vừa xin ý kiến Trung ương về việc nâng cấp Cảng hàng không Buôn Ma Thuột trở thành sân bay Quốc tế trong tương lai. Đây là một trong những “đòn bẩy” để đưa TP.Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, giúp phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn đó những rủi ro mà cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đánh giá kỹ trước khi triển khai...

Cảng hàng không Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: Bảo Trung

Nâng cấp thành sân bay Quốc tế

UBND tỉnh Đắk Lắk đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét đồng ý về nguyên tắc đưa Cảng hàng không Buôn Ma Thuột vào thực hiện xã hội hóa và đưa vào quy hoạch Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thành Cảng hàng không Quốc tế trong thời gian sớm nhất.

Theo dự báo của UBND tỉnh Đắk Lắk: Cảng hàng không Buôn Ma Thuột sẽ tăng trưởng nhanh về số lượng hành khách và hàng hóa. Tuy nhiên, nhiều hạng mục bị xuống cấp, trong đó mặt đường cất hạ cánh xuất hiện nhiều vết nứt. Cảng hàng không Buôn Ma Thuột hiện có một nhà ga hành khách, công suất phục vụ 2 triệu hành khách/năm.

Năm 2019, Cảng đón hơn 1 triệu hành khách. Dự kiến năm 2022 sẽ đạt trên 1,4 triệu hành khách. Hiện, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột chưa có nhà ga hàng hóa trong khi năm 2019 sản lượng hàng hóa thông qua cảng là 6.634 tấn.

Kết quả nghiên cứu, dự báo cho thấy, đến năm 2030 Cảng hàng không Buôn Ma Thuột có thể đón khoảng 5 triệu hành khách/năm và đến năm 2050 là 7 triệu hành khách/năm, trong đó tỉ lệ khách quốc tế ngày càng tăng.

Do đó, tỉnh Đắk Lắk xác định việc đầu tư nâng cấp hạ tầng Cảng hàng không Buôn Ma Thuột để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của người dân là rất cần thiết và phù hợp với Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk xác định: Việc đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và hệ thống cảng hàng không, sân bay nói riêng có ý nghĩa rất thiết thực, tạo động lực mới thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đã báo cáo, kiến nghị Trung ương quan tâm, nâng cấp Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột thành Cảng Hàng không quốc tế, trong đó có thể nghiên cứu giao địa phương thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Cần tính toán kỹ lưỡng

Thực tế, Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột đang có vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

Thời gian qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận Tải, Cục Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không Việt Nam triển khai thực hiện đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, đẩy mạnh giao thương, đầu tư, du lịch nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc nâng cấp Cảng hàng không thành sân bay Quốc tế sẽ giúp tỉnh Đắk Lắk phát triển mạnh về phát triển du lịch lẫn kết nối, thu hút đầu tư từ nước ngoài vào.

Ông Phạm Đông Thanh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk - nêu quan điểm: “Tôi ủng hộ kiến nghị của UBND tỉnh với Trung ương về việc nâng cấp Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, điều này sẽ giúp cho địa phương phát triển hơn về nhiều mặt, hướng đến việc đưa thành phố trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trong tương lai. Tuy nhiên, trước khi nâng cấp Cảng hàng không thành sân bay Quốc tế cần phải đánh giá tổng thể, nghiên cứu kỹ lưỡng. Bởi lẽ, lượng khách du lịch đang đến tham quan nghỉ dưỡng ở tỉnh mỗi năm chưa được nhiều. Kinh phí duy trì các đường bay, cơ sở hạ tầng đầu tư nâng cấp tốn kém... chưa kể rất nhiều hạng mục khác. Nâng cấp sân bay là một chuyện nhưng duy trì, phát huy hoạt động tốt trong thời gian dài lại là một vấn đề khác. Cơ quan chức năng có thẩm quyền phải đặt vấn đề khi nâng cấp sân bay thì phải đặt ngược lại vấn đề là ai sẽ đi đường bay quốc tế đến Đắk Lắk, đến để làm gì, tầng suất các chuyến bay ra sao...

Ông Vũ Văn Hưng - Chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột - đánh giá: “Việc nâng cấp Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thành sân bay quốc tế sẽ mở rộng giao thương, thu hút đầu tư vào địa phương. Đây sẽ là động lực để thành phố làm tốt hơn công tác quy hoạch, cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông kết nối các địa phương đã vạch ra. Khi đó, các doanh nghiệp lữ hành sẽ phải nghiên cứu mở các tuor, tuyến du lịch. Những hãng hàng không phải tính toán các chuyến bay như thế nào cho phù hợp. Cơ quan nhà nước sẽ không làm thay họ việc đó.

Ngoài ra, khi TP.Buôn Ma Thuột thực hiện cơ chế đặc thù (đã được Quốc hội chấp thuận - PV) sẽ thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư về lĩnh vực bảo quản, chế biến sâu nông sản. Và được thành phố áp dụng chính sách ưu đãi về thuế sẽ thu hút, mời gọi chuyên gia, các nhà khoa học, công nhân lành nghề nước ngoài đến làm việc, nghiên cứu...

Trước mắt, các hãng hàng không phát triển những đường bay ở các nước khu vực Đông Nam Á đến Đắk Lắk đã là rất tốt cho địa phương”. 

Theo Lao động

https://laodong.vn/xa-hoi/nang-cap-cang-hang-khong-buon-ma-thuot-thanh-san-bay-quoc-te-can-nghien-cuu-danh-gia-ky-luong-1121340.ldo

Chia sẻ bài viết

Thong ke