Mạnh mẽ hồi phục và phát triển sau dịch bệnh, các HTX ở khu vực Đồng bằng sông Hồng nói chung, tại Hà Nam nói riêng đã tích cực tận dụng các cơ hội tại hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các HTX năm 2022 do Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Hà Nam tổ chức ngày 27/11 để liên kết với các đối tác, người tiêu dùng, nhà quản lý… Điều này càng khẳng định vị thế và sức hút của mô hình kinh tế tập thể trong chuỗi giá trị hàng hóa.
HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Sơn (Hải Dương) đã có gian hàng trưng bày tại hội nghị lần này với các sản phẩm đặc trưng và đạt chất lượng như cà rốt, vải sấy… Gian hàng của HTX luôn nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng và các đơn vị phân phối nhờ đảm bảo về chất lượng và đa dạng về mẫu mã.
Không chỉ HTX Thanh Sơn, các HTX của 10 tỉnh thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng đều nắm bắt, tận dụng cơ hội từ hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các HTX năm 2022 do Liên minh HTX tỉnh Hà Nam tổ chức nhằm học hỏi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại, và tạo thêm sự bền chặt giữa Liên minh HTX các tỉnh, thành trong khu vực.
Chia sẻ tại hội nghị, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường cho biết, sau đại dịch Covid-19 là thời điểm các HTX tham gia xúc tiến thương mại, đẩy nhanh quá trình đưa các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, đạt chuẩn OCOP đến với người tiêu dùng và các nhà phân phối. Hội nghị xúc tiến thương mại lần này thực sự trở thành cầu nối để thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các HTX, Liên hiệp HTX, tổ hợp tác... Đồng thời, tạo cơ hội hợp tác kinh doanh giữa các HTX trên địa bàn tỉnh Hà Nam và các tỉnh, thành lân cận.
“Việc chủ động tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại sẽ tạo các liên kết chéo, từ đó hình thành các liên hiệp, các HTX chuyên ngành hoặc đa ngành, tạo nên các chuỗi giá trị mới đan xen, tương hỗ bù đắp cho nhau cùng phát triển”, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường nói.
Để mở rộng đầu ra cho các HTX, không chỉ ở thời điểm hiện tại mà trước đó, Liên minh HTX tỉnh Hà Nam đã phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam xây dựng sàn thương mại điện tử; phối hợp với Bưu điện tỉnh Hà Nam xây dựng sàn giao dịch điện tử của tỉnh với tất cả các HTX trên địa bàn nhằm thúc đẩy, hỗ trợ HTX tiêu thụ sản phẩm. Đơn vị cũng hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xuất xứ hàng hóa và xây dựng trang thông tin điện tử cho các HTX; tổ chức cho các HTX tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giao thương, tìm kiếm thị trường tại các hội chợ.
Rõ ràng, vai trò của hoạt động xúc tiến thương mại là không hề nhỏ khi tạo cơ hội cho HTX giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, tại hội nghị, các đại biểu cũng cho rằng năng lực của các HTX mới là yếu tố thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại đi vào chiều sâu. Bởi muốn xúc tiến thương mại, quảng bá được tốt, chất lượng sản phẩm của HTX phải bảo đảm các tiêu chuẩn, bao bì mẫu mã phải bắt mắt.
Muốn vậy năng lực quản trị điều hành của HTX phải tốt, HTX phải có nguồn tài chính để mở rộng các dịch vụ để tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm. Thực tế cho thấy, không phải HTX nào cũng thực hiện được tốt được những điều này.
Chia sẻ tại hội nghị, nhiều lãnh đạo HTX cũng cho biết đang gặp những khó khăn nhất định trong vấn đề xúc tiến thương mại như: Thiếu thông tin về thị trường, thông tin khách hàng và đối thủ cạnh tranh... Có HTX còn trắc trở trong hoạch định sản xuất kinh doanh nên chưa đáp ứng được yêu cầu của kinh tế thị trường. Ngoài ra, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đã và đang gây nhiều bất lợi trong quá trình xúc tiến thương mại.
Nhằm giúp các HTX tận dụng tốt cơ hội từ hoạt động xúc tiến thương mại, yếu tố cốt lõi là HTX cần đổi mới phương thức sản xuất, chuyển từ sản xuất nhỏ, tự phát sang sản xuất tập trung, theo tiêu chuẩn chất lượng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các HTX phải hoàn thành việc đăng ký chất lượng, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm để nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Có sản phẩm tốt thôi chưa đủ, HTX cần có kế hoạch giới thiệu, quảng bá sản phẩm một cách cụ thể, hiệu quả. Nhưng muốn làm được điều này, ngoài chủ động tìm hiểu thị trường, HTX cần có các nguồn lực về quản trị, điều hành. Chính vì vậy, đại diện các HTX đều bày tỏ mong muốn UBND tỉnh Hà Nam, Liên minh HTX tỉnh Hà Nam tiếp tục hỗ trợ các HTX để có thể hoạt động hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Theo đó, Liên minh HTX tỉnh Hà Nam cần tiếp tục phối hợp với các sở, ngành làm tốt công tác cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại. Bởi đây là yếu tố quan trọng, quyết định sự phát triển của các HTX trong bối cảnh cơ chế thị trường. Đặc biệt là hội nhập kinh tế sâu rộng; đẩy mạnh tuyên truyền tầm quan trọng của việc liên kết giữa các HTX và giữa HTX với doanh nghiệp; nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực, kiểm toán HTX...
Về phía các HTX cũng cần gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và nguồn gốc rõ ràng. Từ đó, chủ động trong việc tham gia các hoạt động giao thương, hội chợ, triển lãm để quảng bá, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ.