Wednesday, 04/12/2024

Trái cây Việt làm đúng hướng, dễ dàng ‘bay’ vào EU

09:55 09/06/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Những lô hàng vải thiều đầu tiên của Việt Nam mới đây đã được xuất đi EU theo đường hàng không sau khi vượt qua các yêu cầu khắt khe trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn khó lường. Qua đó cho thấy, một khi làm đúng hướng, tuân thủ quy trình đầu vào tốt, đến làm ra sản phẩm tốt thì việc trái cây Việt “cất cánh” vào thị trường EU sẽ dễ dàng được chấp nhận.

Ông Chung Trí Phong, Tổng giám đốc CTCP Pacific Foods nhấn mạnh, việc đưa những lô vải thiều đầu tiên của Việt Nam từ 2 vùng nguyên liệu nổi tiếng là Lục Ngạn ở Bắc Giang và Thanh Hà ở Hải Dương xuất khẩu vào thị trường EU là kết quả của cả một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước đó.

Đủ sức vươn tầm nhờ “số hoá”

Theo ông Phong, Pacific Foods đã có hơn 3 năm đàm phán để cung cấp nguồn sản phẩm đạt chất lượng tuyệt hảo, cũng như tuân thủ thực hiện việc phân tích, và đều đạt các yêu cầu khắt khe của nhà nhập khẩu và các điều kiện kỹ thuật cho việc xuất khẩu (XK) quả vải sang EU.

Lô vải thiều Thanh Hà - Hải Dương được CTCP Pacific Foods XK đi thị trường EU qua đường hàng không hôm 7/6/2021.

Ngay từ đầu vụ, vùng vải phục vụ xuất sang EU phải được các đối tác nhập khẩu kiểm tra quy trình trồng trọt và chấp nhận về phần mềm giám sát sản xuất theo chuẩn Otas (tiêu chuẩn có khả năng truy xuất và xác thực nguồn gốc trên cơ sở xuôi dòng và ngược dòng các sản phẩm, trong đó có mặt hàng nông sản). 

Pacific Foods cũng liên kết với nhiều đối tác trong việc đầu tư máy móc để sơ chế, bảo quản, đảm bảo từ khi thu hoạch đến khi tới tay người tiêu dùng EU với chất lượng trái vải vượt trội. 

Tổng giám đốc Pacific Foods cho biết thêm, việc XK lô vải thiều từ vùng nguyên liệu nổi tiếng theo tiêu chuẩn GlobalGAP vào EU đã chứng minh rằng, trái vải Việt Nam được khách hàng thế giới ưa chuộng, các doanh nghiệp (DN) trong nước đủ sức đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Canada.

“Chỉ riêng lô vải nói trên, chúng tôi đã “số hóa” toàn bộ diện tích vải sản xuất theo GlobalGAP về dữ liệu quản lý sản xuất, có hệ thống camera giám sát ngay tại đồng ruộng, đồng thời đảm các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật”, ông Phong nói. 

Những nỗ lực từ phía DN trong việc đưa những lô hàng trái vải sang thị trường EU được Bộ Công Thương đánh giá cao trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp vẫn đang là rào cản lớn cho việc trở lại “bình thường mới” giữa các quốc gia.

Công ty Pacific Foods cho biết, sau lô vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) được xuất đi bằng đường hàng không từ sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) hôm 7/6/2021, dự kiến vào tuần tới, lô vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) cũng sẽ được đưa đi chinh phục cộng đồng 27 quốc gia khó tính này. Và sau vải thiều sẽ là mít, thanh long, gạo... sẽ được Pacific Foods xúc tiến XK sang EU.

Hiện, EU là thị trường XK lớn thứ tư của rau quả Việt Nam. Với nền tảng sẵn có này, cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang tiếp sức để giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với các đối thủ chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia…

Động lực gia tăng kim ngạch

Trao đổi với VnBusiness, bà Trần Thị Kim Nhung, giám đốc một DN ở Đồng Nai chuyên XK trái cây đi thị trường EU cho biết, mặt hàng trái cây xuất vào thị trường này thông thường có giá cao hơn, giúp xây dựng thương hiệu tốt hơn.

Tuy nhiên, sản lượng xuất đi EU vẫn chưa được nhiều, lại thêm khó khăn do dịch bệnh, vận chuyển nên việc khó làm nhất để giữ thị trường, giữ khách hàng là phải đảm bảo ổn định vùng nguyên liệu, giá cả và chất lượng sản phẩm. Do đó, người sản xuất phải tuân thủ quy trình nguyên liệu đầu vào tốt, đến làm ra sản phẩm tốt thì mới được thị trường EU chấp nhận. 

Với kinh nghiệm “chinh chiến” tại nhiều thị trường thế giới cho các mặt hàng nông sản, ông Lê Bá Linh, Chủ tịch HĐQT của một DN XK nông sản tại Tp.HCM khẳng định: Hàng nông sản của Việt Nam rất tiềm năng, đặc biệt là các loại trái cây nhiệt đới như vải, thanh long, mít, xoài, nhãn, bưởi…

Ông Linh lưu ý, hiện nay trái cây của Thái Lan và Malaysia xuất qua các nước rất nhiều. Đây vừa là thách thức cũng như cơ hội cho trái cây Việt Nam, bởi thị trường EU luôn muốn trải nghiệm những sản phẩm đến từ Việt Nam như là một phần đặc sản của vùng hạ lưu sông Mekong.

“Tuy nhiên, hàng nông sản của Việt Nam muốn vươn xa đi các nước, đầu tiên phải tuân thủ chất lượng sản phẩm, không dùng phân bón hoá học, trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP và Organic”, ông Linh nói.

Giới chuyên gia dự báo hoạt động XK trái cây sang thị trường EU và Vương quốc Anh sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới khi Hiệp định EVFTA và FTA Việt Nam – Vương quốc Anh (UKFTA) đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Các FTA này sẽ tiếp tục tạo điều kiện để trái cây Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác tại châu Âu với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy XK tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Đồng thời, giá hàng hóa nông sản XK cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam, sẽ là “động lực” quan trọng để gia tăng giá trị XK trái cây sang châu Âu.

Ngoài ra, ở các nước châu Âu đang dỡ bỏ dần hoặc hoàn toàn lệnh phong tỏa khi đã tiêm đủ số lượng vắc xin, cầu hàng hóa nông sản nói chung và trái cây nói riêng trên thị trường này đang hồi phục trở lại. Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh XK các mặt hàng trái cây có thế mạnh trong thời gian tới.

Theo Vnbusiness

Chia sẻ bài viết

Thong ke