Sunday, 24/11/2024

Gỡ khó phát triển năng lượng tái tạo - Bài 1: Bức tranh toàn cảnh

09:19 28/06/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Với lợi thế vị trí địa lý, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, không chỉ là điện gió, điện mặt trời, mà còn là điện sinh khối, địa nhiệt, điện thuỷ triều...

LTS: Với vị trí địa lý nằm gần đường xích đạo và 3.000km bờ biển, Việt Nam được đánh giá là có lợi thế và tiềm năng rất lớn để phát triển năng lượng tái tạo, với hai lĩnh vực mũi nhọn là điện mặt trời và điện gió. Chủ trương khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) đã được Bộ Chính trị, Chính phủ khẳng định và thể hiện rõ qua nhiều văn bản. Thực tế, trong 3 năm trở lại, NLTT ở Việt Nam phát triển rất nhanh, và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu cung cấp điện trong nước. Tuy nhiên, quá trình phát triển có phần quá nóng cũng đã đặt ra nhiều vấn đề cần xử lý, nhằm hướng tới một thị trường phát triển bền vững. Từ hôm nay, Nhadautu.vn đăng tải loạt bài "Gỡ khó phát triển năng lượng tái tạo".

 

 

Ảnh: Internet

Còn nhiều tiềm năng

Theo số liệu của Viện Năng lượng, tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở nước ta là rất lớn. Trong đó tiềm năng điện gió trên bờ là 217GW, gồm khu vực gió cao là 24GW, gió trung bình là 30GW, chủ yếu tập trung Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ. Với điện gió offshore, tổng quy mô tiềm năng vào khoảng 160GW, trong đó 80GW nằm ở khu vực gió cao, tiềm năng kinh tế tốt ở Nam Trung Bộ.

Với điện mặt trời, tổng tiềm năng kỹ thuật là rất lớn, lên tới 1.646GW (1.569GW mặt đất và 77GW mặt nước), công suất khả thi có hiệu quả cao là 386GW, tập trung chủ yếu tại miền Nam, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tiềm năng điện áp mái toàn quốc lên tới 48GW, chủ yếu (22GW) nằm ở khu vực miền Nam.

Thực tế thời gian qua, với một loạt chính sách khuyến khích mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước, điện mặt trời cùng điện gió là hai loại hình phát triển nhanh nhất. Tới cuối năm 2020, điện mặt trời và điện gió đã chiếm tới 17.000MW, chiếm khoảng 1/4 tổng công suất hệ thống điện cả nước, trong đó điện gió khoảng 600MW, điện áp mái 7.780MW, còn lại khoảng 9.000MW là điện mặt trời.

Đây cũng là hai loại hình rất được nhà đầu tư quan tâm trong thời gian tới, với 12GW công suất điện gió đã bổ sung quy hoạch, dự kiến vận hành giai đoạn 2021-2025, tổng quy mô đăng ký nhưng chưa được bổ sung quy hoạch là 30GW. Với điện gió offshore, tới cuối năm ngoái có 36GW công suất được đăng ký nghiên cứu đầu tư. Với điện mặt trời, có 13GW công suất đã bổ sung quy hoạch và thêm 50GW xin bổ sung quy hoạch.

Về một số loại hình năng lượng tái tạo khác, do quy mô thị trường hẹp hơn đáng kể, nên không thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia. Với điện sinh khối, mặc dù đã có cơ chế hỗ trợ phát triển theo Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014. Mới đây, Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 08/2020 ngày 5/3/2020 sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định 24, trong đó đáng chú ý là nâng giá mua điện lên 7,03 - 8,47 UScents/kWh. Tuy nhiên, hiện này điện sinh khối mới có khoảng 500MW điện bã mía, chủ yếu phục vụ hoạt động cho một số nhà máy đường, ngoài ra có 100MW điện trấu và khoảng 600MW điện gỗ đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Quy mô tiềm năng phát triển của điện sinh khối khoảng 5GW, nguồn rác thải khoảng 1,5GW, nguồn địa nhiệt 460MW.

Các loại hình điện tái tạo khác, như địa nhiệt, thuỷ triều, khí sinh học tới nay gần như vẫn chưa được khai  thác, mới ở giai đoạn nghiên cứu sơ khai, chưa có những ứng dụng cụ thể cho sản xuất điện.

Nhiều bất cập về phát triển điện gió, điện mặt trời

Do quy mô thị trường, trong thời gian qua, đề cập đến năng lượng tái tạo ở Việt Nam chủ yếu nhắc đến điện mặt trời và điện gió, bởi đây là những loại hình năng lượng có tiềm năng cao nhất. Tuy nhiên, quá trình phát triển nóng trong 3 năm trở lại cũng đã đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.

Thứ nhất, NLTT thu hút nguồn vốn đầu tư lớn trong thời gian qua chủ yếu đến từ chính sách ưu đãi giá FIT. Tuy nhiên, các quyết định giá FIT lại có thời hạn rất ngắn, với điện mặt trời đã hết hiệu lực từ cuối năm ngoái, còn điện gió hết hiệu lực vào tháng 11/2021. Việc không có một chính sách thống nhất, xuyên suốt phát triển trung và dài hạn khiến nhà đầu tư khó lòng yên tâm. Thực tế hiện nay, tín dụng ngân hàng chiếm tới 70-80% tổng mức đầu tư dự án; chính sách thiếu tính ổn định khiến NLTT trở nên rủi ro hơn đáng kể, và không khuyến khích tín dụng tài trợ vào lĩnh vực này.

Thứ hai, nhiều quy định pháp luật mâu thuẫn, làm khó nhà đầu tư, ví dụ:

Về điện gió, theo quy định về hồ sơ hoàn thuế của dự án điện gió hiện nay của Tổng cục Thuế, chủ đầu tư cần có “giấy phép hoạt động điện lực”. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 7, Thông tư 21/2020/TT-BCT ngày 9/9/2020 của Bộ Công Thương, thời điểm dự án có đủ điều kiện để cấp giấy phép sẽ gần trùng với thời điểm dự án đi vào hoạt động, có doanh thu.

Ở chiều ngược lại, khoản 3 Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính quy định, khi dự án đi vào hoạt động, tức là hết giai đoạn đầu tư xây dựng thì không được hoàn thuế GTGT.

Hai quy định trái ngược nhau này khiến các chủ đầu tư lo ngại không được hoàn thuế giá trị gia tăng.

Về điện mặt trời áp mái, theo Bộ Tài nguyên Môi trường, các khu công nghiệp muốn lắp đặt điện mặt trời mái nhà phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Các doanh nghiệp cho rằng quy định này là không đúng luật và không khuyến khích phát triển điện áp mái theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Cụ thể, Điều 15 Nghị định 40/2019/NĐ-CP có quy định, các dự án phải lập lại ĐTM chỉ bao gồm trường hợp bổ sung vào khu công nghiệp ngành nghề đầu tư thuộc các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại nhóm I và nhóm II Phụ lục IIa Mục I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Tuy nhiên, danh mục các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại Phụ lục IIa chỉ bao gồm loại hình nhiệt điện than và điện hạt nhân (Nhóm I) mà không bao gồm loại hình sản xuất điện năng lượng tái tạo nào (bao gồm cả điện năng lượng mặt trời).

Tại Phụ lục II, các dự án quang điện (bao gồm điện mặt trời áp mái nhà) có diện tích từ 50 ha đến dưới 200 ha thuộc đối tượng phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường và trên diện tích từ 200 ha trở lên thuộc đối tượng phải lập ĐTM.

Có nghĩa rằng các dự án thực hiện trên diện tích từ 200 ha trở lên mới phải lập ĐTM.

Thứ ba, việc cấp phép ồ ạt cho các dự án NLTT chạy giá FIT khiến nguồn cung tăng lên nhanh chóng, vượt quá khung cho phép tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, dẫn tới quá tải hệ thống lưới điện, và thừa phụ tải ở thời gian thấp điểm trong ngày. Thực tế thời gian qua, EVN đã phải giảm phát nhiều dự án nhiệt điện và thuỷ điện để nhường khung giờ cao điểm cho NLTT. Điều này tạo ra mâu thuẫn lợi ích và nhiều công ty điện truyền thống phản đối. Bản thân các doanh nghiệp NLTT cũng chịu thiệt hại khi EVN vừa qua cho biết cắt giảm 1,7 tỷ KWh từ điện gió và điện mặt trời trong năm nay.

Thứ tư, với suất đầu tư 0,6 - 1 triệu USD/ MW công suất điện mặt trời, các nhà đầu tư đã bỏ ra nhiều tỷ USD để đầu tư các nhà máy với tổng công suất 16.000MW đã nối lưới. Khoản tiền này chủ yếu dùng để mua pin, thiết bị từ nước ngoài, phần lớn là Trung Quốc. Với tầm nhìn đẩy mạnh phát triển NLTT, cần đặt ra vấn đề khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất thiết bị phục vụ NLTT, nhằm không để thị trường trị giá hàng chục tỷ USD rơi vào nước ngoài.

Thứ năm, còn thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn dùng các công nghệ năng lượng tái tạo, gây nhiều khó khăn cho chủ đầu tư các dự án, cũng như cho các cơ quan quản lý nhà nước. Khi chưa có các tiêu chuẩn, chủ đầu tư phải áp dụng theo tiêu chuẩn của quốc gia cung cấp thiết bị. Trường hợp chọn tiêu chuẩn thấp có thể dẫn đến ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng điện năng; phải thay thế, nâng cấp khi các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cao hơn tiêu chuẩn đã chọn. Ngược lại, nếu chọn tiêu chuẩn quá cao, dẫn đến tăng giá thiết bị, dự án không cạnh tranh được với các dự án khác cùng loại, hoặc ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp.   

Theo Nhà đầu tư

Chia sẻ bài viết

Thong ke