Trong khi nhiều doanh nghiệp ngành bảo hiểm "ăn nên làm ra" trong mùa dịch Covid-19, Tập đoàn Bảo Việt được đánh giá là đứng đầu ngành tài chính bảo hiểm, nhưng vài năm gần đây hoạt động kinh doanh bảo hiểm thuần túy không mấy khả quan, mảng ngân hàng hoạt động khiêm tốn...
Hiệu quả kinh doanh tại Tập đoàn Bảo Việt
Khi nhắc đến Tập đoàn Bảo Việt (BVH) người ta nghĩ ngay đến một tập đoàn bảo hiểmhàng đầu Việt Nam. Thực tế, BVH hiện đang cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính như bảo hiểm, ngân hàng, đầu tư, môi giới, quản lý quỹ, bất động sản….
Tuy nhiên, việc đầu tư đa ngành đã không mang đến kết quả kinh doanh khả quan cho BVH trong những năm gần đây.
Cụ thể, chỉ số ROEA tại BVH (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân) liên tục giảm trong giai đoạn 2017-2020, từ 11,05% năm 2017 xuống còn 5,31% năm 2020.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cùng ngành lại ghi nhận chỉ số ROEA tăng dần. Chẳng hạn Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HOSE: BIC) ghi nhận ROEA tăng từ 6,6% năm 2017 lên 12,6% năm 2020; Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) cũng tăng từ 7,6% năm 2017 lên 8,5% năm 2020.
Tương tự, chỉ số ROAA tại BVH ( tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân) cũng giảm nhẹ từ 1,89% năm 2017 xuống còn 1,38% năm 2020.
Tập đoàn Bảo Việt có hai công ty nằm trong ngành bảo hiểm là bảo hiểm Bảo Việtvà bảo Hiểm Phi Nhân Thọ. Tuy nhiên, thị phần các lĩnh vực bảo hiểm của Bảo Việt có xu hướng ngày càng bị thu hẹp do sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Nếu như các năm trước, Bảo Việt đều dẫn đầu thị trường về doanh thu phí gốc phi nhân thọ, thì hiện mảng này đang có xu hướng đi xuống.
Cụ thể, theo số liệu công bố của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2020, Bảo hiểm Bảo Việt là nhà bảo hiểm dẫn đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm gốcước đạt 9.301 tỷ đồng (giảm 9,7% so với năm 2019). Về thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc, Bảo Việt cũng là cái tên đứng đầu với 16,9% thị phần, nhưng đã giảm 3,4% so với năm 2019. Tuy nhiên, trong quý 1/2021, Tổng công ty Bảo hiểm PVI đang dẫn đầu doanh thu phí bảo hiểm gốc thị trường phi nhân thọ.
Nói đến Bảo Việt sẽ nghĩ ngay đến công ty bảo hiểm nhưng thực chất lại hoạt động đa ngành. Vài năm gần đây, hoạt động bảo hiểm thuần túy của BVH đều thua lỗ.
Cụ thể, trong quý 1/2021, BVH ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt hơn 9.357 tỷ đồng, tăng 8%. Trong khi đó, phí nhượng tái bảo hiểm giảm 15%, còn gần 874 tỷ đồng nên doanh thu bảo hiểm thuần tăng 11%, đạt hơn 8,485 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí bảo hiểm tiếp tục là gánh nặng chiếm gần 8.878 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ khiến hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại BVH lỗ gộp gần 169 tỷ đồng (cùng kỳ 2020 cũng lỗ gộp hơn 155 tỷ đồng.
Tương tự, năm 2020 lỗ gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại BVH lên gần 2.401 tỷ đồng, mức lỗ này tăng gần 1.636 tỷ đồng so với năm 2019.
Đáng chú ý, tại ngày 31/3/2021, tài sản dài hạn tại BVH (50.606 tỷ đồng) lại nhỏ hơn nợ dài hạn (110.612 tỷ đồng). Tương tự, tính đến cuối năm 2020 tài sản dài hạn chỉ ở mức 54.492 tỷ đồng trong khi đó nợ dài hạn tại BVH đã lên mức 105.834 tỷ đồng
Thông thường, nếu phần tài sản dài hạn nhỏ hơn nợ dài hạn chứng tỏ một phần nợ dài hạn đã chuyển vào tài trợ tài sản ngắn hạn. Hiện tượng này vừa làm lãng phí chi phí lãi vay nợ dài hạn vừa thể hiện sử dụng sai mục đích nợ dài hạn. Điều này có thể dẫn đến lợi nhuận kinh doanh giảm hoặc xảy ra những rối loạn tài chính doanh nghiệp.
Ngoài ra, quý 1/2021, hệ số khả năng thanh toán tức thời tại BVH chỉ ở mức 0,30 lần. Chứng tỏ doanh nghiệp này đang gặp khó khăn về khả năng thanh toán tức thời trong khoảng thời gian 3 tháng.
Mảng hoạt động chính khác của tập đoàn Bảo Việt là ngân hàng cũng ghi nhận kết quả cũng rất khiêm tốn.
Tính đến 31/3/2020, BaoVietBank vẫn chỉ có vốn điều lệ 3.150 tỷ đồng; tổng tài sản giảm 20% so với đầu năm, xống còn 47.690 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của BaoVietBank quý 1/2020 chỉ đạt 2,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2019 đạt hơn 6.886 tỷ đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh cũng đang âm hơn 5.149 tỷ đồng, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm gần 24 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2019 chỉ âm gần 16 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tính đến 31/3/2020, tổng nợ xấu tại BaoVietBank ở mức 1.158 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 5,1%.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng phải kiểm soát tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay dưới 3% để đảm bảo an toàn hoạt động. Thế nhưng, tỷ lệ nợ xấu tại BaoVietBank tính đến 31/3/2020 đã vượt quá chỉ tiêu đề ra.
Kỳ vọng của nhà đầu tư vào cổ phiếu BVH
Từ vùng giá 70.000 đồng hồi giữa tháng 1/2021, hiện tại, cổ phiếu BVHđã giảm 23% trong vòng hơn 5 tháng qua lùi về ngưỡng 53.600 đồng (phiên ngày 1/6/2021) cùng thanh khoản suy yếu.
Còn nhớ 2017, Tập đoàn Bảo Việt đã có một năm kinh doanh thắng lợi vẻ vang với lợi nhuận sau thuế cao nhất kể từ ngày niêm yết đạt 1.603 tỷ đồng; cổ phiếu BVH khi đó cũng đạt đỉnh với mức giá đóng cửa có lúc lên đến 105.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, cũng như nhiều doanh nghiệp trên, những năm sau lợi nhuận tại BVH sụt giảm dần, thị giá BVH cũng trồi sụt.
Từ đầu năm 2021 đến nay, trong khi chỉ số VN-Index liên tục chinh phục mức đỉnh lịch sử; nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ và vừa liên tục nổi sóng; nhiều cổ phiếu trụ thăng hoa như HPG, VPB, TCB, MSN, NVL thì cổ phiếu BVH đang khiến rất nhiều nhà đầu tư cảm thấy thấy vọng sau chuỗi những tháng giảm giá.
Theo chứng khoán SSI Research, trong số 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu, chỉ có BVH và PVI có thị phần giảm trong 9 tháng năm 2020.
Kỳ vọng của nhà đầu tư vào BVH giảm còn do sự bất lợi của doanh nghiệp trong môi trường lãi suất thấp. Môi trường lãi suất thấp sẽ làm cho lợi nhuận đầu tư gặp khó khăn và làm giảm lợi nhuận của các công ty bảo hiểm vì phần lớn danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm là tiền gửi ngân hàng và trái phiếu chính phủ.
“Chúng tôi duy trì đánh giá Trung lập đối với lĩnh vực này vì động lực tăng trưởng quan trọng là lãi suất dự kiễn vẫn tiếp tục ở mức thấp trong năm 2021”, SSI Research đánh giá về BVH.