Friday, 22/11/2024

Doanh nghiệp của các doanh nhân vừa trúng cử đại biểu HĐND TP. Hà Nội làm ăn ra sao?

14:13 01/06/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online 10 doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp vừa trúng cử đại biểu HĐND TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong số này, có những doanh nghiệp ngày càng ăn nên làm ra, nhưng cũng có doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận đì đẹt và khoản nợ ngày càng tăng.

1. Tân Á Đại Thành: "ăn nên làm ra" nhờ Tân Á Hưng Yên

Tổng giám đốc Tân Á Đại Thành Nguyễn Duy Chính là lãnh đạo doanh nghiệp trẻ nhất (sinh năm 1985) vừa trúng cử đại biểu HĐND TP. Hà Nội.

Ông Nguyễn Duy Chính, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn Tân Á Đại Thành.

Theo tìm hiểu của VnBusiness, hiện nay, Tân Á Đại Thành đã sở hữu hệ thống 19 công ty thành viên, 15 nhà máy công nghệ cao tại Việt Nam và Lào, hơn 30.000 chi nhánh điểm bán và xuất khẩu sản phẩm ra nhiều quốc gia với hệ sinh thái bao gồm 9 dòng sản phẩm.

Trong đó, bồn inox - bồn nhựa, bình nước nóng và máy nước nóng năng lượng mặt trời đang chiếm thị phần hàng đầu Việt Nam.

Pháp nhân lõi trong lĩnh vực sản xuất của Tập đoàn Tân Á Đại Thành là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Á Hưng Yên. Cập nhật tới ngày 13/7/2020, số vốn điều lệ của Tân Á Hưng Yên ở mức 300 tỷ đồng.

Có thể coi Tân Á Hưng Yên là pháp nhân đóng góp doanh thu lớn nhất cho Tập đoàn. Cụ thể, trong 4 năm trở lại đây, doanh thu thuần của Tân Á Hưng Yên đã ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ, như năm 2016 chỉ tiêu này ở mức 1.603 tỷ đồng thì đến năm 2019 đã là 2.975 tỷ đồng.

Cùng với đó, lãi thuần ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh, song xét về giá trị tuyệt đối vẫn ở mức khá khiêm tốn. Năm 2016 là 4,4 tỷ đồng, năm 2019 báo lãi gần 8,4 tỷ.

Từ vị thế hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất thiết bị ngành nước, những năm gần đây Tân Á Đại Thành mở rộng sang lĩnh vực đầu tư và phát triển bất động sản bằng việc thành lập CTCP Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành (Bất động sản Tân Á Đại Thành) với thương hiệu chính thức MeyLand.

Trên trang chủ, doanh nghiệp này cho biết: "Với số vốn điều lệ 1.000 tỷ, 8 công ty thành viên, Tân Á Đại Thành Meyland định hướng phát triển trở thành Top 5 thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam".

Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của công ty là 1.233 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 663,2 tỷ đồng. Doanh thu hàng năm luôn duy trì quanh 2.000 tỷ đồng, riêng năm 2020 là 2.384 tỷ đồng.

2. Công ty CP Quốc tế Sơn Hà: Doanh thu và lợi nhuận cùng tăng

Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Quốc tế Sơn Hà.

Doanh nhân Lê Vĩnh Sơn, người vừa trúng cử đại biểu HĐND TP. Hà Nội, là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Quốc tế Sơn Hà.

Công ty Sơn Hà là thương hiệu sản xuất bồn nước hàng đầu Việt Nam trong nhiều năm qua. Đến nay, mảng kinh doanh này vẫn là hoạt động cốt lõi, đem lại phần lớn doanh thu của công ty.

Tuy nhiên, bên cạnh những ngành nghề cốt lõi, doanh nghiệp đang từng bước mở rộng đầu tư 3 lĩnh vực khác gồm nước, năng lượng tái tạo và bất động sản công nghiệp với dự án đầu tiên là khu công nghiệp Tam Dương, Vĩnh Phúc.

Theo báo cáo tài chính, quý I/2021, vốn góp chủ sở hữu của Sơn Hà đã lên tới 914 tỷ đồng, quy mô vốn chủ sở hữu xấp xỉ 1.400 tỷ đồng. Cùng với đó, tổng tài sản của công ty tính đến cuối quý I/2021 đạt 4.402 tỷ đồng, giảm nhẹ từ mức 4.504 tỷ ghi nhận hồi đầu năm.

Về kết quả kinh doanh, doanh thu thuần của Sơn Hà trong quý I/2021 tăng trưởng 41,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 1.498 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu của công ty, doanh thu từ bán hàng hóa đạt 834 tỷ đồng và doanh thu bán thành phẩm đạt 694 tỷ đồng, đóng góp hơn 99% tổng doanh thu.

Tổng hợp báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà.

Mảng cung cấp dịch vụ mang lại 5,5 tỷ đồng, nếu so với cùng kỳ năm ngoái giảm 1,5 tỷ đồng về doanh thu. Doanh thu khác tăng mạnh hơn 60 lần so với quý I/2020, đạt mức 5,4 tỷ đồng.

Doanh thu tăng mạnh trong khi chi phí tài chính lại đi ngang, các chi phí khác cũng tăng với mức nhỏ hơn. Do đó, lãi sau thuế của Sơn Hà đạt 40,5 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, trong đó có gần 80% thuộc về công ty mẹ tương đương mức lãi hơn 32 tỷ đồng; con số này trong quý I/2020 chỉ là 102 triệu đồng.

Năm 2021, Sơn Hà đặt mục tiêu đạt 6.000 tỷ đồng doanh thu và gần 100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy kết thúc quý I, công ty đã hoàn thành gần 25% kế hoạch doanh thu và 40,5% chỉ tiêu lợi nhuận.

Đáng lưu ý, nợ phải trả của Sơn Hà tăng nhanh trong những năm gần đây. Cụ thể, tổng cộng nợ vay của Sơn Hà từ năm 2017 đến hết quý I/2021 đã tăng thêm 1,45 lần. Theo đó, năm 2017, Sơn Hà chỉ ghi nhận 2.061 tỷ đồng nợ phải trả thì đến cuối năm 2020 lên tới 3.182 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý I/2021, nợ vay ngắn hạn của Sơn Hà đạt 2.098 tỷ đồng và nợ vay dài hạn 229 tỷ đồng. Như vậy, với quy mô nợ vay lên tới 2.327 tỷ đồng, gấp 1,7 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 53% tổng tài sản.

3. Công ty CP Tư vấn HANDIC: Lỗ liên miên, nợ tăng vọt

Ông Trịnh Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty CP Tư vấn HANDIC - Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội cũng là một trong 9 doanh nhân vừa trúng cử HĐND TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Ông Trịnh Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty CP Tư vấn HANDIC- Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội.

Báo cáo tài chính giai đoạn 2016-2020, tổng tài sản của HANDIC liên tục đi xuống, lần lượt ở mức: 474,87 tỷ đồng (2016); 273,19 tỷ đồng (2017), 265,94 tỷ đồng (2018), 238,39 tỷ đồng (2019). Năm 2020, tài sản có nhích lên không đáng kể, ở mức 239,24 tỷ đồng.

Đáng nói, phần lớn tài sản của HANDIC được hình thành từ nợ. Trong đó, năm 2016, nợ phải trả của HANDIC là 454,64 tỷ đồng, năm 2017 ở mức 248,08 tỷ đồng, năm 2018 là 242,38 tỷ đồng, năm 2019 là 224,28 tỷ đồng, năm 2020 là 226,73 tỷ đồng.

Trong khi nợ phải trả luôn ở mức cao thì từ năm 2018, vốn chủ sở hữu của HANDIC cũng liên tục đi xuống. Theo đó, năm 2016 vốn chủ sở hữu của HANDIC là 20,22 tỷ đồng, năm 2017 tăng lên 25,11 tỷ đồng, thì từ năm 2018 bắt đầu lao dốc xuống 23,55 tỷ đồng rồi 13,94 tỷ đồng (2019) và 12,5 tỷ đồng (2020).

Đáng chú ý, nợ phải trả của HANDIC luôn lớn gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu. Cụ thể: năm 2016 gấp 22,48 lần; năm 2017 gấp 9,87 lần; năm 2018 gấp 10,29 lần; năm 2019 gấp 17,1 lần và năm 2020 gấp 18,13 lần.

Trên Bảng cân đối kế toán, tại mục nợ phải trả, khoản Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của HANDIC tăng đều qua các năm. Cụ thể: 3,23 tỷ đồng (2016), 14,96 tỷ đồng (2017), 14,65 tỷ đồng (2018), 20,19 tỷ đồng (2019) và 20,26 tỷ đồng (2020).

Về kết quả kinh doanh, năm 2017, HANDIC ghi nhận doanh thu tăng đột biến từ 10,2 tỷ đồng (2016) lên 376,59 tỷ đồng (2017). Cũng trong năm 2017, HANDIC ghi nhận lãi sau thuế 2,77 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với con số 101 triệu đồng của năm 2016.

Tuy nhiên, bức tranh tài chính của HANDIC từ năm 2018 đến năm 2020 trở nên ảm đạm. Theo đó, doanh thu của HANDIC teo tóp dần, lần lượt đạt 2,6 tỷ đồng năm 2018; 1,97 tỷ đồng năm 2019 và vỏn vẹn 1,14 tỷ đồng năm 2020.

Cùng với đà lao dốc của doanh thu, Handic liên tiếp báo lỗ -413,6 triệu đồng (2018); -4,74 tỷ đồng năm 2019 và -1,44 tỷ đồng năm 2020.

4. Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (HANDICO): mục tiêu lợi nhuận tăng nhẹ

Ông Trương Hải Long, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên HANDICO.

Ông Trương Hải Long, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (HANDICO) vừa trúng cử đại biểu HĐND TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Năm 2020, HANDICO hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh. Trong đó, giá trị sản lượng đạt trên 12.654 tỷ đồng. Các chỉ tiêu còn lại đều đạt và vượt kế hoạch: doanh thu trên 8.326 tỷ đồng; sàn xây dựng 201.532m2; nộp ngân sách 712 tỷ đồng; lợi nhuận 721 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, năm 2021, HANDICO phấn đấu đạt tổng giá trị sản xuất kinh doanh khoảng 11.970 tỷ đồng, tổng giá trị doanh thu 9.180 tỷ đồng (năm 2020 đạt 8.326 tỷ đồng), sàn xây dựng 201.600 m2, nộp ngân sách 1.046 tỷ đồng, lợi nhuận 725 tỷ đồng, thu nhập bình quân 7.250.000 đồng/người/tháng.

5. Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Mạnh Hải: sở hữu nhiều cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý 

Ông Vũ Mạnh Hải, Chủ tịch Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Mạnh Hải là đại biểu HĐND TP. Hà Nội các nhiệm kỳ: 1999-2004, 2004-2011, 2011-2016, 2016-2021 và 2021-2026.

Ông Vũ Mạnh Hải, Nghệ nhân mỹ nghệ kim hoàn, Chủ tịch Hội Nghệ nhân, thợ giỏi TP. Hà Nội.

Cập nhật tại ngày 16/11/2018, vốn điều lệ của công ty ở mức 100 tỷ đồng. Năm 2019, Bảo Tín Mạnh Hải ghi nhận doanh thu thuần đạt 104 tỷ đồng, tăng 55% so với năm trước; báo lỗ thuần 1 tỷ đồng, trong khi năm 2018 cũng lỗ 465 triệu đồng.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh trên mới chỉ là số liệu tài chính riêng lẻ, tại trụ sở chính, chưa hợp nhất các chi nhánh. Được biết, Bảo Tín Mạnh Hải hiện nay còn sở hữu nhiều chi nhánh và các cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý khác.

Tính đến thời điểm hiện nay, Bảo Tín Mạnh Hải chưa công bố bất kỳ con số tài chính nào.

Ngoài ra, còn 5 doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp vừa trúng cử đại biểu HĐND TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026, bao gồm: Ông Nguyễn Thanh Nam, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội. Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái. Ông Nguyễn Văn Luyến, Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC. Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu Việt Phúc.

Theo Vnbusiness

Chia sẻ bài viết

Thong ke