Wednesday, 04/12/2024

Vinaincon - Con cưng nhưng làm ăn bết bát

15:34 04/06/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Tổng Công ty CP Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) trực thuộc một bộ lớn được ưu đãi vay vốn Nhà nước, được giới thiệu làm nhà thầu phụ dù không đủ năng lực. Trái với kỳ vọng, công ty ngày càng xuống dốc, vi phạm luật và nguy cơ gây thất thoát nhiều nghìn tỷ đồng.

Ưu ái khiến... nguy cơ gây thất thoát nhiều nghìn tỷ đồng

Vinaincon tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, trực thuộc Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) được thành lập từ năm 1998. Đến năm 2010, Vinaincon được quyết định chuyển sang hoạt động theo hình thức cổ phần. Trong đó, Bộ Công Thương nắm giữ tỷ lệ 82,75% cổ phần và là cổ đông chỉ huy của Vinaincon.

Mặc dù được hết sức ưu ái, dành cho những dự án phát triển nghìn tỷ đồng, nhưng càng kinh doanh Vinaincon càng thua lỗ đậm. Kết thúc năm 2020, Vinaincon tiếp tục lỗ ròng thêm 174 tỷ đồng, tăng hơn khoản lỗ năm 2019 là 52 tỷ đồng.

Lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2020 là 1.573 tỷ đồng, “ăn mòn” hết sạch cả vốn điều lệ của công ty (550 tỷ đồng), dẫn tới vốn chủ sở hữu bị âm hơn 720 tỷ đồng.

Dòng tiền của Vinaincon bị thiếu hụt trầm trọng trong nhiều năm, luôn ghi nhận giá trị âm hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Theo giải trình của lãnh đạo Vinaincon, kết quả kinh doanh “bết bát” của công ty chủ yếu là do Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn thua lỗ quá nhiều, nên đã “dìm” cả kết quả hoạt động của tổng công ty xuống.

Trước đó, Vinaincon đã được  phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xi măng Quang Sơn. Nhờ vậy, Vinaincon được Bộ Tài chính và BIDV hỗ trợ cho vay ưu đãi hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà máy xi măng này.

Tại thời điểm 31/12/2021, số dư nợ mà Vinaincon đã vay để đầu tư vào nhà máy xi măng Quang Sơn là 2.576 tỷ đồng. Được biết, đến nay, Xi măng Quang Sơn chưa hề thực hiện thanh toán số gốc tiền vay và lãi vay quá hạn đối với các khoản vay trên. Trong đó, khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) khu vực Thái Nguyên là hơn 1.101 tỷ đồng, khoản vay ưu đãi từ Bộ Tài chính đã lên tới gần 1.996 tỷ đồng và 279 tỷ đồng vay tại BIDV chi nhánh Thái Nguyên.

Khả năng chi trả những khoản vay này gần như là không có khi mà công ty càng kinh doanh càng đi xuống và nguồn vốn đang bị mất cân đối nghiêm trọng. Đây không phải là lần duy nhất Vinaincon được “ưu ái” dẫn đến nguy cơ gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Vinaincon từng được ưu tiên giới thiệu làm thầu phụ Dự án Mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, với nhiều sai phạm lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.

Hội đồng xét xử vụ án Gang thép Thái Nguyên mới đây đã chỉ rõ cần phải xem xét trách nhiệm của cơ quan chủ quản khi đã giới thiệu Vinaincon thiếu năng lực làm nhà thầu phụ. Cụ thể, năm 2011, Vinaincon do không đủ năng lực thi công nên đã dừng giữa chừng dự án của Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Hậu quả, dự án phát sinh lãi vay, gây thiệt hại 830 tỷ đồng và vốn đầu tư dự án từ hơn 3.000 tỷ đồng đã bị đội lên hơn 8.000 tỷ đồng.

Nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp trục lợi

Không chỉ “chây ì” không trả nợ gốc và lãi vay, Vinaincon còn không nộp thuế, chậm nộp ngân sách Nhà nước, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Tính đến ngày 31/12/2021, Vinaincon còn nợ đóng gần 7 tỷ đồng tiền bảo hiểm cho người lao động, trong đó hơn 5 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội; 1,52 tỷ đồng tiền bảo hiểm y tế và 206 triệu đồng tiền bảo hiểm thất nghiệp. Vinaincon còn nợ kinh phí công đoàn số tiền là 3,7 tỷ đồng. Tiền chậm nộp Ngân sách Nhà nước của Vinaincon đến nay là hơn 12 tỷ đồng. Trong năm 2020, dù Vinaincon đã nộp 23,5 tỷ đồng tiền nộp phạt thuế, chậm nộp Bảo hiểm xã hội, nhưng công ty vẫn còn nợ cơ quan thuế 14 tỷ đồng tiền lãi chậm nộp các khoản thuế, nợ 7 tỷ đồng tiền lãi chậm nộp các khoản bảo hiểm xã hội.

Tình trạng nợ tiền BHXH kéo dài của Vinaincon gây nhiều hậu quả xấu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động (NLĐ) tại doanh nghiệp này. Trong thời gian làm việc, nếu NLĐ không may bị ốm đau, tai nạn, thai sản, những quyền lợi liên quan của họ sẽ không được cơ quan BHXH giải quyết.

Khi NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động sẽ khó làm thủ tục hưởng BHTN. NLĐ đến tuổi nghỉ chế độ cũng sẽ rất thiệt thòi, nhất là họ luôn phải ở trong trạng thái lo âu, không yên tâm.

Trước đó, theo báo cáo của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã nhắc tên Vinaincon và 7 công ty thành viên, công ty liên kết với hơn 100 vi phạm Luật Lao động.

Cụ thể, một số doanh nghiệp xây dựng quy chế tuyển dụng lao động có nội dung chưa phù hợp với quy định của luật như mức lương áp dụng trong thời gian thử việc bằng 80% lương chức danh, thấp hơn so với quy định. Doanh nghiệp không trả tiền cho người lao động không nghỉ ngày nghỉ hằng năm hoặc nghỉ không hết số ngày nghỉ hằng năm.

Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn hoạt động thua lỗ nhưng Tổng Công ty Vinaincon vẫn phê duyệt quỹ tiền lương thực hiện cao hơn tiền lương cấp bậc theo hợp đồng lao động. 

Người dân tại xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đang phải sống chung với bụi xi măng từ nhà máy xi măng Quang Sơn. 

Năm 2018, Công ty Xi măng Quang Sơn từng được đề nghị bàn giao lại cho Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) thuộc quản lý của Bộ Xây dựng, nhằm đẩy “khối u” đi, giúp Vinaincon “thoát nợ”, đỡ phải “gồng lỗ”. Ngoài ra, Xi măng Quang Sơn còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thường xuyên xả thải gây bụi bẩn, làm ảnh hưởng sinh hoạt của người dân địa phương tại xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

Tuy nhiên, Vicem đã thẳng thừng từ chối, vì Vicem cũng phải nỗ lực giải quyết khó khăn tài chính của các công ty con khác, không thể nhận thêm nợ từ Vinaincon đẩy sang. Như thế, Vicem sẽ càng gặp khó khăn trong quá trình cổ phần hóa.

Theo Khoa học đời sống

Chia sẻ bài viết

Thong ke