Friday, 22/11/2024

Startup châu Á và cuộc cách mạng hóa công nghệ hỗ trợ sức khỏe tinh thần trong đại dịch

22:01 28/10/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Nhiều quốc gia châu Á đã đưa ra các chính sách thắt chặt hơn nhằm hạn chế dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh dịch bệnh, người dân còn lo ngại về mức độ căng thẳng, lo lắng và cô lập tăng cao. Nắm bắt xu thế, một số startup trẻ đã tận dụng công nghệ nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần…

Ứng dụng chủ động hỏi người dùng cảm thấy thế nào vào lúc này. Các "cuộc giải cứu" nhỏ và các buổi trị liệu trực tiếp cũng có sẵn cho những người đang cảm thấy khó khăn. Ảnh: CNN

Vào tháng 7, startup Intellect có trụ sở tại Singapore đã huy động được 20 triệu USD từ vòng tài trợ Series A - số tiền lớn nhất được huy động bởi một công ty khởi nghiệp về sức khỏe tinh thần tại châu Á. Được thành lập vào năm 2019, Intellect tạo ra ứng dụng thường xuyên kiểm tra tâm trạng của người dùng, cung cấp các bài tập phù hợp với từng người và cho phép họ kết nối với các nhà trị liệu trong thời gian thực, theo CNN Business.

"Hình thức trị liệu truyền thống rất khó để mở rộng quy mô", ông Theodoric Chew,  đồng sáng lập Intellect, cho biết. "Khi công nghệ xuất hiện, chúng ta có thể mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc tinh thần cho tất cả mọi người". Hiện ứng dụng này đang phục vụ hơn 3 triệu người dùng trên khắp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương bằng 15 ngôn ngữ khác nhau.

SỨC KHỎE TÂM THẦN LÀ RẤT QUAN TRỌNG

Founder Intellect cho biết ông được truyền cảm hứng để cố gắng mang lại dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần tốt nhất sau khi vượt qua cơn khủng hoảng khi mới 16 tuổi.

"Quá trình trị liệu với các chuyên gia giúp tôi trở nên tốt hơn. Mặt khác, tôi thấy rất nhiều người cũng đang gặp khó khăn như vậy, nhưng hiện tại chưa có các biện pháp hoặc bài trị liệu phù hợp để tiếp cận dịch vụ chăm sóc".

Intellect được thành lập trước đại dịch, nhưng lại nhanh chóng trở nên phổ biến khi các công ty nhận thức được sức khỏe tinh thần của nhân viên là vô cùng quan trọng khi các quy định phong tỏa, cách ly liên quan đến Covid-19 được áp dụng.

Ông Chew chia sẻ: "Rất nhiều người đã có cảm giác lo lắng bất an trong đại dịch, đường phố bị phong tỏa và họ phải giãn cách ở nhà. Trong bối cảnh đó, sức khỏe tinh thần không chỉ là một yếu tố cần có mà là điều cần thiết đối với tất cả mọi người. Nó mang lại lợi ích cho các công ty theo cách rất thực tế, bởi vì nếu bạn cảm thấy không khỏe về mặt tinh thần, bạn không thể làm việc tốt".

Ông Justin Kim, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Ami, một startup về chăm sóc sức khỏe tinh thần kỹ thuật số khác có trụ sở tại Singapore và Jakarta cũng đồng ý rằng cần phải mở rộng quy mô cung cấp dịch vụ.

"Nhiều công ty sẵn sàng chi hàng triệu USD mỗi năm và trả tiền cho nhân viên sử dụng các phòng tập thể dục. Nhưng tại sao các công ty không đầu tư vào chăm sóc sức khỏe tinh thần theo cách tương tự? Đó là bởi vì không có dịch vụ nào được cung cấp cho họ và giá cả phải chăng cũng là vấn đề quan trọng", ông nói thêm.

Được thành lập vào tháng 1 năm nay, Ami đã huy động được ít nhất 3 triệu USD từ một số nhà đầu tư, bao gồm cả Meta, chủ sở hữu của Facebook.

Công ty đã làm việc để phát triển một ứng dụng cho phép người dùng nhắn tin hoặc gọi điện ẩn danh cho các chuyên gia bất cứ lúc nào mà không cần đặt lịch trước. Điều này cho phép người dùng có thể tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp bất cứ khi nào họ cần một cách hiệu quả nhất.

TẠO RA LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG HẠNH PHÚC HƠN

Cả hai founder Chew và Kim đều đang nhắm mục tiêu đến các nhà tuyển dụng trong mô hình kinh doanh. Các công ty có thể trả tiền cho một gói đăng ký và người lao động sẽ có quyền truy cập không giới hạn vào các dịch vụ.

Ông Alistair Carmichael, đối tác tại McKinsey & Company cho biết, các công ty sẽ hưởng lợi khi sức khỏe tinh thần của người lao động được đảm bảo. "Ảnh hưởng của sức khỏe tinh thần kém là rất đáng kể như vắng mặt, mất năng suất...", ông nói.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, trầm cảm và rối loạn lo âu đã khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 1 nghìn tỷ USD mỗi năm. Cũng trong một báo cáo khác của WHO vào tháng 3 cho thấy tỷ lệ lo lắng và trầm cảm toàn cầu đã tăng 25% trong năm đầu tiên của đại dịch.

Intellect đang cố gắng chủ động bảo vệ sức khỏe tinh thần trước khi người dùng có các triệu chứng nặng hơn. Khi mở ứng dụng, hệ thống sẽ hỏi người dùng rằng họ đang cảm thấy thế nào vào lúc này. Ứng dụng cũng có nhiều chương trình học tập để khách hàng vượt qua những rào cản về tinh thần, chẳng hạn như các vấn đề về lòng tự trọng hay trầm cảm. Chức năng nhật ký hướng dẫn người dùng viết những gì họ đang nghĩ, trong khi "mood timeline" (biểu đồ cảm xúc) sẽ theo dõi mức độ căng thẳng.

Kể từ khi ra mắt ứng dụng, Intellect đã phục vụ một số khách hàng doanh nghiệp nổi tiếng như Dell, Foodpanda và tập đoàn truyền thông Singapore Singtel. 

Ông Kim, CEO của Ami, lại cho biết người sử dụng lao động cũng có thể được hưởng lợi bằng cách xác định xu hướng và mối quan tâm chung trong tổ chức của họ.

"Với sự đồng ý của nhân viên, chúng tôi chia sẻ các mức dữ liệu tổng hợp. Và điều đó cung cấp cho người sử dụng lao động một góc nhìn toàn cảnh về những gì nhân viên của họ đang gặp khó khăn. Nhưng chúng tôi sẽ không tiết lộ ai đã nói điều đó bởi chúng tôi muốn nhân viên cảm thấy đây là một không gian an toàn, nơi họ có thể tự do giải quyết các vấn đề tâm lý", ông nói.

PHÁ BỎ SỰ KỲ THỊ CỦA XÃ HỘI

Bà Karen Lau, một nhà tâm lý học lâm sàng tại Hồng Kông với sáng kiến sức khỏe tinh thần Mind HK, cho biết việc giải quyết vấn đề sức khỏe tinh thần ở châu Á luôn đi kèm với những thách thức to lớn.

"Trong bối cảnh châu Á đang có xu hướng đề cao các giá trị như danh dự, niềm tự hào và thể diện, bệnh tinh thần thường được xem là dấu hiệu của sự yếu đuối và là nguồn gốc của sự xấu hổ", bà Karen nhận định.

"Tôi nghĩ rằng khi nói đến sức khỏe tinh thần, cũng giống như sức khỏe thể chất, mọi vấn đề đều dễ “phòng hơn là chống”", founder Ami,  Justin Kim, chia sẻ chắc chắn. 

Còn ông Chew cho biết một trong những mục tiêu của mình là phá vỡ sự kỳ thị của xã hội và xây dựng một hệ thống chăm sóc sức khỏe tinh thần mới cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ông cho biết: "Sức khỏe tinh thần từ lâu đã có sự kỳ thị nhất định trên khắp châu Á, chúng tôi coi đó là một vấn đề lâm sàng, một cuộc khủng hoảng. Chúng tôi thấy sức khỏe tinh thần cũng quan trọng như sức khỏe thể chất. Ai cũng phải đối mặt với những vấn đề như căng thẳng, kiệt sức, vấn đề về giấc ngủ và cả cuộc đấu tranh trong các mối quan hệ. Rất nhiều người trong chúng ta cần bắt đầu cải thiện sức khỏe tinh thần của mình".

Theo VnEconomy

https://vneconomy.vn/startup-chau-a-va-cuoc-cach-mang-hoa-cong-nghe-ho-tro-suc-khoe-tinh-than-trong-dai-dich.htm

Chia sẻ bài viết

Thong ke