Friday, 22/11/2024

Tạo "lực" cho doanh nghiệp startup ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn

20:32 15/11/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Cần thêm các cơ chế để tạo động lực cho các doanh nghiệp startup tham gia mạnh mẽ hơn vào mô hình kinh tế tuần hoàn.

Ông Lại Văn Mạnh, Trưởng Ban Kinh tế Tài Nguyên và Môi trường, Viện Chiến lược Chính sách Tài Nguyên & Môi trường (TBC)

Phát  biểu tại Diễn đàn Khởi nghiệp quốc tế: “Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong khởi nghiệp tạo tác động” do Tạp  chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 15/11/2022, ông Lại Văn Mạnh, Trưởng ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (TBC) cho biết, để thúc đẩy mạnh mẽ sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào kinh tế tuần hoàn, Viện đã tập hợp được rất nhiều tư liệu, trao đổi với nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước để bàn luận các vấn đề liên quan đến kinh tế tuần hoàn.

Trong đó, với kinh tế tuần hoàn, nếu đặt ở bối cảnh quá khứ trước đây những biện pháp tái chiếm tái sử dụng đã tồn tại và hiện nay vẫn là hoạt động bình thường trong cuộc sống. Tuy nhiên, lý do để thôi thúc kinh tế tuần hoàn cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân các quốc gia áp dụng mạnh mẽ thì đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính thức.

“Tôi cho rằng, có một số yếu tố như: Thứ nhất, nhân loại đang đối mặt với áp lực về môi trường; Thứ hai, là đặt trong bối cảnh hiện nay của phát triển kinh tế số, nền tảng kinh tế tuần hoàn kết hợp cùng kinh tế số cộng với yếu tố đổi mới sáng tạo là động lực lớn để thay đổi, vì đổi mới sáng tạo là giá trị của mỗi cá nhân mỗi doanh nghiệp tạo ra. Mỗi doanh nghiệp khác nhau sẽ có cách áp dụng kinh tế tuần hoàn khác nhau, trên nền tảng công nghệ số khác nhau. Vậy đó là nguyên nhân dẫn đến sự đa dạng của các mô hình kinh doanh tuần hoàn trong thời gian tới”, ông Mạnh nói.

Trưởng ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường cũng chia sẻ một trải nghiệm thực tế tại sự kiện về kinh tế tuần hoàn dệt may tại Singapore vừa qua. Theo ông Mạnh, đây là cả một phạm trù mới và đó có thể là cái hấp dẫn để chúng ta luôn luôn bàn về kinh tế tuần hoàn, không chỉ hấp dẫn với nhà nước mà còn hấp dẫn với từng doanh nghiệp, từng cá nhân.

Hay tại châu Âu, họ lấy định hướng kinh tế tuần hoàn hướng vào người tiêu dùng, hoàn thiện các tiêu chuẩn quy chuẩn thúc đẩy quyền lợi người tiêu dùng. Từ kinh nghiệm này, khi chúng ta triển khai kinh tế tuần hoàn thì giá trị cốt lõi nhất của người kinh doanh là hướng về người tiêu dùng, hướng đến sản phẩm bán được cho người sử dụng. Do đó người tiêu dùng sẽ nhận sản phẩm và trân trọng hình ảnh của doanh nghiệp khi họ được tạo ra những giá trị mới.

“Về cơ bản hệ thống chính sách tại Việt Nam cũng đảm bảo tính đồng bộ và đi theo hướng khuyến khích áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn. Từ trong các văn bản chỉ đạo của Đảng, đến hệ thống pháp luật của nhà nước và hiện nay, ngoài các văn bản của Đảng, Chính phủ trong chiến lược quy hoạch, thì trong luật bảo vệ môi trường, Điều 142 và Nghị định 08 đều là những văn bản pháp luật cơ bản thống nhất, đi theo hướng khuyến khích thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn”, ông Mạnh chia sẻ

Ông Lương Nguyễn Duy Thông, Nhà sáng lập Công ty TNHH Nông nghiệp Quê mình, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Tháp

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lương Nguyễn Duy Thông cho biết thêm, hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Do vậy, nếu khu vực này áp dụng kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp, đây sẽ là nguồn tài nguyên lớn có thể làm thay đổi nền kinh tế tuyến tính. 

Tuy nhiên, theo ông Thông, việc áp dụng kinh tế tuần hoàn trong các doanh nghiệp tại ĐBSCL vẫn còn một số hạn chế. Để thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn cần phải xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ lẫn nhau.

"Nhưng BĐSCL là vùng trũng kinh tế, giao thông. Năng lực của doanh nghiệp ĐBSCL cũng còn hạn chế so với cả nước; tỷ lệ thành lập doanh nghiệp tại 1 vài tỉnh còn thấp. Đây là rào cản khiến các doanh nghiệp startup gặp khó khi khởi nghiệp trong mô hình kinh tế tuần hoàn", ông Thông nhận định.


Các diễn giả thảo luận tại Diễn đàn Khởi nghiệp quốc tế: “Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong khởi nghiệp tạo tác động” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 15/11/2022

Do đó, ông Thông đề xuất, các cơ chế cần tập trung vào 5 chữ "Lực" để khuyến khích các doanh nghiệp startup khởi nghiệp tốt ở ĐBSCL. Cụ thể, chữ lực đầu tiên là Trí lực. Hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và startup hầu như vẫn rất ít kiến thức về kinh tế xanh để tận dụng các cơ hội từ các Hiệp định Tự do thế hệ mới cũng như các quy định về môi trường tại các thị trường lớn hiện nay.

Chính vì vậy, ông Thông cho rằng, cần trang bị và cung cấp thêm các thông tin, cũng như mở lớp đào tạo để các doanh nghiệp SMEs và startup có kiến thức để ứng dụng tốt hơn mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động kinh doanh.

Chữ lực thứ hai là Vật lực. Cần có cơ chế để liên kết các doanh nghiệp với nhau sẽ tạo thành vật lực tốt để xây dựng một chuỗi tuần hoàn. 

Chữ lực thứ ba là Tài lực. Ông Thông cho biết, cần thêm những cơ chế giúp doanh nghiệp SMEs và doanh nghiệp startup tiếp cận tài chính để áp dụng thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn.

Chữ lực thứ tư là Năng lực. Bản thân nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trình độ tri thức, quản trị doanh nghiệp, tiếp cận thị trường… tại ĐBSCL còn thấp so với cả nước và trong khu vực. Cơ chế nên tập trung sâu vào việc củng cố năng lực cho các doanh nghiệp tại khu vực này.

Chữ lực thứ năm là Động lực. Cần xây dựng các cơ chế tạo động lực cho doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi tuần hoàn, thực hiện đổi mới sáng tạo để áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Phát biểu kết luận Diễn đàn, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp cho rằng, diễn  đàn đã mang đến cho các khách mời tham dự trực tiếp và trực tuyến về cơ hội cho phát triển kinh tế Việt Nam khi mà kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay.

"Như các quý vị đã biết, để đạt được các mục tiêu cam kết mạnh mẽ tại COP26, Chính phủ Việt Nam đã hành động rất nhanh chóng và quyết liệt với việc ban hành Quyết định 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Cùng với đó, ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trên cơ sở nâng cao nhận thức, chủ động, phát huy đổi mới sáng tạo và trách nhiệm của doanh nghiệp. VCCI được giao nhiệm tuyên truyền, giáo dục cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có cả các doanh nghiệp khởi nghiệp. Diễn đàn hôm nay cũng là một trong những nhiệm vụ mà VCCI thực hiện". - ông Dũng nói.

Theo Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, diễn đàn đã mang đến những câu chuyện hết sức thực tế từ các doanh nghiệp/tập đoàn lớn hay doanh nghiệp khởi nghiệp về việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn ở công ty của họ, những khó khăn cũng như bài học kinh nghiệm của việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, diễn đàn cũng ghi nhận một số đề xuất, kiến nghị của các khách mời về việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn ở nước ta.

Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp cũng gửi lời cảm ơn, sự hiện diện của các khách mời đến từ đại sứ quán các nước, lãnh đạo các tỉnh, thành, các chuyên gia khởi nghiệp, các diễn giả, đại diện các trường đại học, các tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp, các doanh nghiệp khởi nghiệp, startup đã dành thời gian tham dự trực tiếp và trực tuyến.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

https://diendandoanhnghiep.vn/tao-luc-cho-doanh-nghiep-startup-ung-dung-mo-hinh-kinh-te-tuan-hoan-234323.html

Chia sẻ bài viết

Thong ke