Một start-up công nghệ của Israel đã phát triển thành công một hệ thống "công nhân robot" có khả năng thay thế hoàn toàn con người trong việc thu hoạch trái cây khi vào vụ.
Robot bay được kỳ vọng sẽ trở thành cứu cánh cho cuộc khủng hoảng lao động thời vụ đang gây khó khăn cho những người nông dân trồng và thu hoạch hoa quả trên khắp thế giới.
Những "robot nông dân” này có thể bay lượn bên trên những rặng cây, quan sát và thực hiện công việc hái táo, đào, lê hay bất cứ loại trái cây nào khác bằng cách xoay nhẹ cánh tay được thiết kế với lực hút đủ để trái cây bị hít chặt vào ống phễu, rồi cẩn thận đặt vào thùng thu gom ở vị trí quy định.
Robot bay được trang bị một hệ thống đặc biệt giúp chúng hoạt động liên tục mà không sợ bị hết điện. Chúng cũng có khả năng làm việc không biết mệt bất kể ngày đêm, trong bất cứ điều kiện thời tiết nào, không phàn nàn đòi hỏi, không cần thức ăn hay nghỉ giải lao uống cà phê giữa bữa, không lo vấn đề nhà ở hay phải xin giấy phép lao động…
Không chỉ vậy, chúng còn được gắn máy ảnh để đánh giá chính xác kích thước và màu sắc của từng trái cây và chỉ chọn những trái chín hoàn toàn đủ điều kiện để thu hoạch. Và người nông dân cũng được cập nhật trực tiếp và liên tục về tiến độ thu hoạch, thời gian hoàn thành, số lượng trái được hái cũng như ước tính chi phí và lợi nhuận cho từng lô trái cây.
Theo hãng tin chuyên về công nghệ No Camels thì Tevel Aerobotics Technologies (TAT), một công ty khởi nghiệp của Israel, vừa phát triển thành công robot bay tự động duy nhất trên thế giới cho đến thời điểm hiện tại với nhiệm vụ hái trái cây hứa hẹn sẽ giúp người nông dân “dễ thở” hơn khi đến mùa thu hoạch trái cây.
Yaniv Maor, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của công ty TAT cho biết, việc tìm đủ nguồn nhân lực thu hoạch trái cây khi vào vụ mùa luôn là vấn đề nan giải đối với bất cứ chủ trang trại nào.
Trong nhiều trường hợp, trái cây bị thối và hỏng ngay trên cây chỉ vì không thể tìm đâu ra người hái quả. Con số này chiếm khoảng 10% tổng số trái cây cần được thu hoạch trên phạm vi toàn cầu. Chưa kể, đại dịch Covid-19 còn khiến tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi các vụ “bế quan tỏa cảng” đã và đang ngăn cản những người lao động nhập cư sang nước khác làm việc.
“Và giờ đây, đã đến lúc robot đảm nhận vai trò giải quyết vấn đề khó khăn này”, ông Yaniv Maor tự tin nói.
Ông Maor quyết định thành lập công ty Tevel vào năm 2017 để phát triển phần mềm, trí tuệ nhân tạo và các thuật toán cung cấp giải pháp sử dụng robot hái trái cây cho người nông dân. Kể từ đó đến nay, công ty không ngừng phát triển với 60 nhân viện hiện có và thu hút hơn 30 triệu USD ngân sách tài trợ phát triển sản phẩm từ các lần gọi vốn.
Những robot hữu ích này hiện đang được triển khai ở một số địa phương của Israel, Ý, Mỹ, Anh, Úc, New Zealand, Tây Ban Nha và vài quốc gia châu Á khác. Nhật Bản và Trung Quốc cũng là 2 thị trường đầy tiềm năng đang được lãnh đạo công ty này nhắm tới.