'Soi' nguồn thu của HoSE trước quyết định thanh tra từ Bộ Tài chính
15:58 11/06/2021
Tối ngày 10/6, Bộ Tài chính đã ra Quyết định thanh tra hành chính đối với Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE).
Cụ thể, trước tình trạng nghẽn lệnh trên Sàn giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh diễn ra trong thời gian qua nhưng chưa được xử lý dứt điểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã yêu cầu Thanh tra Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra đối với Sở Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 81/QĐ-TTr ngày 10/6/2021 quyết định thanh tra hành chính tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh.
Tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HoSE đã kéo dài gần nửa năm nay gây ra thiệt hại không nhỏ cho nhà đầu tư. Mới đây, trong phiên ngày 1/6 do thanh khoản phiên sáng quá lớn, HoSE đã chính thức thông báo phải ngừng giao dịch phiên chiều để đảm bảo an toàn cho hệ thống. Hiện tại, nhà đầu tư vẫn phải giao dịch với tình trạng tù mù về giá bởi kết quả giao dịch trên bảng giá hiển thị không chính xác.
Trước tình trạng nghẽn lệnh kéo dài, nhà đầu tư đặt ra nghi vấn về quy trình cải thiện, nâng cấp hệ thống của HoSE cũng như năng lực của lãnh đạo Sở Giao dịch này.
Trên thị trường chứng khoán, dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước đang trở thành nguồn lực chính thúc đẩy Vn-Index liên tục phá đỉnh lịch sử. Tuy nhiên ngay đến thời điểm này, quyền lợi của nhà đầu tư vẫn chưa được đảm bảo trong khi vẫn chịu các mức thuế phí hàng ngày hàng giờ.
Nhìn lại tài chính của HoSE, nhờ nguồn tiền mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán, doanh thu lợi nhuận của HoSE cũng theo đó mà tăng mạnh thời gian qua.
Báo cáo tài chính năm 2020 đã kiểm toán cho thấy, doanh thu thuần năm 2020 đạt 992,8 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2019. Đặc biệt, mảng doanh thu dịch vụ giao dịch chứng khoán tăng trưởng tới 45%, đạt 873,3 tỷ đồng tương đương 88% doanh thu thuần của Sở. Mức đóng góp này cũng theo đó tăng thêm 4 điểm phần trăm so với cơ cấu doanh thu năm trước.
Dịch vụ giao dịch chứng khoán luôn là mảng mang lại biên lãi gộp tốt nhất so với các mảng hoạt động khác như dịch vụ niêm yết, dịch vụ sử dụng thiết bị đầu cuối, hoạt động nghiệp vụ… Cụ thể, biên lãi gộp của mảng dịch vụ giao dịch chứng khoán năm 2020 lên đến 95%.
Theo thông tư 127/2018/TT-BTC quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán, giá dịch vụ mà các thành viên giao dịch (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) phải trả được dựa trên giá trị giao dịch. Mức cao nhất là 0,03% giá trị giao dịch đối với giá dịch vụ giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư không niêm yết.
Như vậy, dòng tiền từ các nhà đầu tư đổ vào chứng khoán đã mang lại mức tăng trưởng không hề nhỏ cho HoSE trong năm vừa qua. Lợi nhuận sau thuế cả năm 2020 đạt 552,8 tỷ đồng, tăng 45% so với năm trước. Với thanh khoản ngày càng tăng trong năm 2021 này, doanh thu của HoSE chắc chắn sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Đặc biệt, năm 2020 vừa qua ghi nhận mức tăng đột ngột ở khoản mục tiền và các khoản tương đương tiền của HoSE từ 338 tỷ đồng lên 1.692 tỷ đồng. Trong đó, HoSE mang 1.106 tỷ đồng đi gửi ngân hàng, ngoài ra hạng mục các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn cũng ghi nhận thêm 511,8 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn. Nhờ đó, doanh thu hoạt động tài chính của Sở mang về hơn 58 tỷ đồng trong năm 2020 bên cạnh doanh thu thuần đã tăng mạnh.
Trong khi đó, tổng chi phí của HoSE cũng tăng khoảng 22,6% so với năm 2019, tuy nhiên chủ yếu là chi phí cho người lao động, chi phí giám sát thị trường.