Hôm qua (11/6), Ngân hàng Nhà nước đã chính thức có văn bản chấp thuận việc VietinBank thực hiện tăng vốn điều lệ từ hơn 37.234 tỷ đồng lên trên 48 nghìn tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ theo quy định của các năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận còn lại của năm 2019 sau thuế, sau trích lập các quỹ theo quy định và chia cổ tức bằng tiền mặt.
Cụ thể, VietinBank dự kiến phát hành 1.082.375.087 cổ phiếu, tương đương với 29,0695% số cổ phần đang lưu hành để trả cổ tức. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 3 năm nay.
Trước đó, vốn điều lệ của VietinBank giữ nguyên không đổi trong suốt 8 năm (từ 2013-2020) ở mức 37.234 tỷ đồng. Sau khi tăng lên hơn 48.000 tỷ, VietinBank sẽ vượt BIDV, tạm trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất trong năm nay.
Ngoài VietinBank, 2 ngân hàng khác cũng vừa được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ. Cụ thể, ngày 10/6, NHNN đã chấp thuận việc ngân hàng OCB tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.739 tỷ đồng nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ thường niên thông qua.
Cụ thể, ĐHĐCĐ thường niên OCB đã thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%, tương đương phát hành gần 274 triệu cổ phiếu cho cổ đông. Theo đó, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 10.959 tỷ đồng lên 13.698 tỷ đồng.
Cũng trong ngày 10/6, NHNN có văn bản chấp thuận cho ngân hàng BacABank tăng vốn điều lệ tối đa thêm hơn 446,3 tỷ đồng từ mức vốn điều lệ 7.085 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế năm 2020 sau khi trích lập các quỹ. Tỷ lệ chia cổ tức tương đương với 6,3%.
Trước đó, nhiều ngân hàng khác cũng đã được chấp thuận tăng vốn và một số đã chính thức hoàn thành.
Hồi đầu tháng 6, NHNN chấp thuận cho ngân hàng MB tăng vốn điều lệ lần 1 theo đề xuất của ngân hàng, thêm tối đa hơn 9.795 tỷ đồng theo phương án đã được đại hội cổ đông thông qua. Với nguồn lợi nhuận để lại của năm 2020 và các năm trước, MB sẽ chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 35% bằng cổ phiếu. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của MB sẽ tăng lên hơn 37.700 tỷ đồng.
Còn tại ACB, ngân hàng đã chốt danh sách cổ đông ngày 11/6/2021 để thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25% để tăng vốn điều lệ. Số cổ phiếu phát hành dự kiến là hơn 540 tỷ đồng, tức tăng vốn điều lệ thêm hơn 5.400 tỷ lên hơn 27.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, SHB đã hoàn tất phát hành hơn 175 triệu cổ phiếu chia cổ tức năm 2019 từ cuối tháng 5, tương đương tỷ lệ 10%. Ngày 7/6 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã sửa đổi nội dung về vốn điều lệ trong Giấy phép thành lập và hoạt động của SHB lên hơn 19.260 tỷ đồng.
Bên cạnh đợt tăng vốn từ chia cổ tức năm 2019, SHB cũng đang có kế hoạch nâng mạnh vốn điều lệ lên hơn 26.674 tỷ đồng. Trong đó, SHB sẽ chia cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu tỷ lệ 10,5%; chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 28% với giá chào bán dự kiến 12.500 đồng/cp.
Ngoài những ngân hàng kể trên, hàng loạt ngân hàng khác cũng đang dần triển khai việc tăng vốn, như HDBank dự kiến tăng vốn thêm 25% lên hơn 20.000 tỷ đồng trong năm nay, VIB tăng vốn thêm 40% lên trên 15.500 tỷ đồng, MSB tăng 30% lên hơn 15.200 tỷ đồng,…
Phương án tăng vốn của các ngân hàng năm nay chủ yếu là chia cổ tức bằng cổ phiếu. Ngoài ra, một số nhà băng còn có kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài,...Việc tăng vốn cũng được cho là một trong những yếu tố thúc đẩy giá cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh từ đầu năm đến nay.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị