Thursday, 21/11/2024

Pha bẻ lái của Đất Xanh và cú trượt về niềm tin

10:45 14/06/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Vừa khiến nhà đầu tư bức xúc ồ ạt bán ra cổ phiếu bằng phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ được cho là mất cân bằng lợi ích, Đất Xanh đã ngay lập tức có một cú "bẻ lái" đầy bất ngờ làm nhiều người phải tiếc nuối vì trót "xả" hàng.

CTCP Tập đoàn Đất Xanh (mã: DXG) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ năm 2021. Theo đó, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu thuần 9.000 tỷ đồng, tăng 311% so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế là 1.350 tỷ đồng, khá cao so với mức lỗ ròng 496 tỷ đồng năm ngoái.

Tuy nhiên, đáng chú ý nhất vẫn là tờ trình phát hành 207 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ lên hơn 7.270 tỷ đồng, bao gồm: Phát hành riêng lẻ 200 triệu cổ phiếu (bằng 38,59% số lượng cổ phiếu đang lưu hành) và phát hành 7 triệu cổ phiếu ESOP (1,35% số lượng cổ phiếu đang lưu hành).

Nhà đầu tư bức xúc

Theo kế hoạch ban đầu với phương án phát hành riêng lẻ 200 triệu cổ phiếu, Đất Xanh dự kiến giá phát hành sẽ chiết khấu 20% bình quân giá đóng cửa của cổ phiếu DXG trong 20 ngày giao dịch gần nhất với thời gian hạn chế chuyển nhượng là 1 năm.

Còn đối với chương trình ESOP, thay vì người lao động phải trả tiền để được hưởng số cổ phiếu trên, nguồn vốn tài trợ cho chương trình ESOP là 70 tỷ đồng được lấy từ nguồn vốn chủ sở hữu đến thời điểm phát hành trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020 của Đất Xanh. Do đó, số tiền mà Đất Xanh dự kiến thu được là 0 đồng, chính sách phong toả sẽ là 5 năm.

Đất Xanh có thể lấy lại giá cổ phiếu nhưng với niềm tin của các nhà đầu tư là rất khó.

Tuy nhiên, ngay sau khi những kế hoạch này được công bố đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ các nhà đầu tư khi cho rằng thứ duy nhất mà Đất Xanh đột phá lại là phá lệ - lần đầu tiên trong lịch sử cổ phiếu phát hành thêm có giá 0 đồng. Hay như với phương án phát hành riêng lẻ 200 triệu cổ phiếu, nhiều người còn cho rằng, đây là một "thủ thuật đảo hàng" dưới danh nghĩa "các nhà đầu tư khác".

Và phản ứng bức xúc từ nhà đầu tư đã dẫn đến việc cổ phiếu DXG bị bán tháo trong nhiều phiên (7-10/6), khiến thị giá lao dốc mạnh từ mức gần 30.000 đồng/cp xuống 23.600 đồng/cp.

Trước áp lực dư luận, đến ngày 11/6, Đất Xanh đã phải phát đi thông báo điều chỉnh cơ chế phát hành với chương trình ESOP từ 0 đồng lên 10.000 đồng/cp với điều kiện đi kèm là giới hạn chuyển nhượng trong vòng 2 năm. Trong trường hợp người lao động nghỉ việc trước khi kết thúc thời gian hạn chế thì thời gian áp dụng là 4 năm đối với người mua sau.

Đối với phương án phát hành 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ trước đó vốn gây bức xúc lớn đối với nhà đầu tư, Đất Xanh điều chỉnh mức chiết khấu còn 10-15%, và không thấp hơn 20.000 đồng/cp.

Thêm vào đó, để “vỗ về” nhà đầu tư và cổ đông hiện hữu, Đất Xanh đã đảo ngược quyết định từ chỗ không chia cổ tức năm 2020 cho cổ đông chuyển thành phương án phát hành cổ phiếu thưởng cho các cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty. Nguồn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020.

Khó lấy lại niềm tin?

Cú "bẻ lái" của Đất Xanh đã mang lại hiệu ứng tích cực khi cổ phiếu DXG đã trở lại tăng trần lên 25.250 đồng/cp sau 5 phiên giảm liên tục, trong đó có 2 phiên giảm sàn. Như vậy, "cuộc đấu" giữa các nhà đầu tư và cổ đông hiện hữu với Đất Xanh đã tạm thời có kết quả.

Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý tại 5 phiên giảm liên tiếp của DXG, thanh khoản lại bất ngờ tăng vọt, đặc biệt là 2 phiên giảm kịch sàn (8-9/6) với lượng khớp lệnh lần lượt đạt 26,67 triệu và gần 43 triệu cổ phiếu.

Diễn biến đó cùng với pha "bẻ lái" của Đất Xanh lại khiến một bộ phận các nhà đầu tư "tỉnh táo" đặt ra nghi vấn về việc ai đã mua lượng cổ phiếu giá rẻ này? Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, đây có thể là một kế hoạch tạo lập giá cổ phiếu của ban lãnh đạo Đất Xanh khi gây bức xúc để nhà đầu tư nhỏ lẻ "tháo chạy" bán ra lượng lớn cổ phiếu giá rẻ, sau đó "các nhà đầu tư khác" sẽ tiến hành mua vào rồi đẩy giá trần trở lại nhằm kiếm lợi.

Lâu nay, đối với các nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam, các phương án phát hành riêng lẻ hay chương trình ESOP luôn tạo nên một tâm lý khó chịu, hay còn gọi cách khác là "cuộc chiến của các cổ đông nhỏ lẻ".

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc môi giới hội sở Công ty chứng khoán Mirae Asset, sở dĩ có tâm lý này là bởi các chương trình như vậy tại Việt Nam luôn có một đặc thù là đối tượng được nhận ưu đãi luôn là ban lãnh đạo, đồng thời cũng là các cổ đông lớn của doanh nghiệp. Như thế không khác gì việc "ném tiền từ túi này sang túi khác" nhưng tránh được thuế và "móc túi" được cổ đông nhỏ lẻ qua việc phát hành cổ phiếu giá rẻ.

Thực tế, với phương án phát hành cũ của Đất Xanh, nhà đầu tư đang nắm cổ phiếu DXG sẽ "tự nhiên" mất đi gần 7% giá trị cổ phiếu cho HĐQT của doanh nghiệp và cổ đông chiến lược của họ. Tuy nhiên, ngay cả với phương án đã thay đổi thì sự ưu ái vẫn nằm trong nội bộ.

Một nhà đầu tư cho biết: "Tôi đã từng nắm giữ cổ phiếu DXG và sẽ không bao giờ nắm giữ trở lại bởi với diễn biến vừa qua tại Đất Xanh cùng với các câu chuyện quá khứ. Giá cổ phiếu sẽ có thể được khôi phục, thậm chí vươn xa hơn, nhưng niềm tin thì rất khó".

Theo Vnbusiness

Chia sẻ bài viết

Thong ke