Thanh tra sàn HoSE: Cần xác minh cả chuyện doanh nghiệp 'bán giấy lấy tiền'
10:28 12/06/2021
Bên cạnh việc làm rõ các vấn đề liên quan đến nghẽn lệnh trên HoSE, VAFI đề xuất Bộ Tài chính thanh tra cả tình trạng cổ phiếu rác, tăng vốn ảo, phát hành tràn lan…
Ngay sau khi quyết định thanh tra hành chính Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) được Bộ Tài chính ban hành do để tình trạng nghẽn lệnh xảy ra triền miên, ảnh hưởng tới hoạt động giao dịch của nhà đầu tư, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã có công văn bày tỏ sự đồng tình, đồng thời chỉ ra nhiều nội dung cần làm rõ tại đây.
Theo VAFI, Thanh tra Bộ Tài chính cần làm rõ nguyên nhân tại sao đã qua 20 năm vận hành phần mềm do Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan cung cấp mà sàn HoSE không thể làm chủ công nghệ vận hành - việc mà các Sở Giao dịch chứng khoán khác đều thực hiện được trong thời gian ngắn?
Một đại diện của CTCP FPT đã từng tuyên bố có thể sửa chữa được tình trạng nghẽn lệnh tại HoSE từ hệ thống phần mềm do Thái Lan cung cấp, tại sao HoSE không lựa chọn những đơn vị mạnh về công nghệ như FPT để làm nhà thầu bảo quản, làm chủ, nâng cấp hệ thống?
Cũng theo VAFI, Bộ Tài chính cần thanh tra dự án làm phần mềm giao dịch mới được cung cấp bởi Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX), bởi dự án được khởi động từ năm 2012 nhưng đã gần 10 năm chưa hoàn thành. Vậy nguyên nhân là gì? Giá trị dự án liệu có tăng lên so với ban đầu hay không?
Ngoài ra, cần xác định vai trò của nhà thầu phụ (Việt Nam) trong dự án này? Do ai lựa chọn? Chất lượng nhà thầu ra sao? Có khả năng làm chủ công nghệ vận hành hệ thống mới hay không?
Bên cạnh những vấn đề liên quan đến hệ thống của HoSE, VAFI cũng đề xuất thanh tra tình trạng cổ phiếu rác, thực chất là không đủ tiêu chuẩn niêm yết tại sàn HoSE nhưng được lựa chọn vào chỉ số bluechip VN30 trong 6 năm từ 2014 - 2020.
"Những cổ phiếu kém chất lượng này có đủ chiêu trò làm giá, thổi giá, thổi vốn điều lệ nhưng không bị ngăn cản, phát hiện", VAFI cho biết.
Cũng theo VAFI, hầu như tất cả nhà đầu tư giá trị đều tránh xa cổ phiếu rác này và chỉ có hàng vạn nhà đầu tư nhỏ lẻ không am hiểu chứng khoán bị dụ vào giao dịch để từ đó những chủ doanh nghiệp này có cơ hội "bán giấy" thu lợi hàng nghìn tỷ đồng.
Thậm chí có tình trạng doanh nghiệp có giá cổ phiếu ở mức “mớ rau, trà đá” nhưng vẫn tiến hành nhiều đợt bán cổ phiếu mới bằng mệnh giá (10.000 đồng/cp). Những thương vụ này, nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường không mua, nhà đầu tư giá trị cũng không mua, vậy thì ai mua? Ai tài trợ, hay chỉ là vấn đề được tăng vốn điều lệ để "bán giấy"?
VAFI cũng kiến nghị thanh tra công ty chứng khoán làm công cụ làm giá chứng khoán cho những "ông chủ" của mình. Theo VAFI, cần xác định có hàng ngàn tài khoản giao dịch được mượn đứng tên từ người lao động trong doanh nghiệp, người thân thích nhưng giao dịch hàng ngày là do công ty chứng khoán thực hiện.
Không khó xác định khi người có thu nhập bình thường không thể thường xuyên có những giao dịch hàng chục, hàng trăm tỷ… Cần yêu cầu Trung tâm lưu ký cung cấp dữ liệu để xác định những đối tượng đầu tư giả. Với những công ty chứng khoán không tin cậy thì hầu như không có nhà đầu tư lớn (không có quan hệ với nhóm lừa đảo), nhà đầu tư giá trị mở tài khoản tại đó, từ đó dễ dàng xác định được danh sách các nhà đầu tư giả được công ty chứng khoán sử dụng để thao túng giá chứng khoán.
Tại các công ty chứng khoán này cũng cần xác định danh sách “nhà đầu tư nước ngoài’’ đang mở tài khoản, xác định xem giả hay thật, điều này không khó. Nhà đầu tư nước ngoài giả thường là lao động Việt ở nước ngoài và được lợi dụng.
Theo VAFI, cần thiết phải có đợt thanh tra toàn diện như trên để tình trạng thao túng trục lợi cổ phiếu giảm dần, bảo đảm thực thi pháp luật chứng khoán nghiêm minh và tăng cường củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư chứng khoán và cộng đồng các công ty niêm yết. Chỉ có cách làm sâu sắc như trên thì thị trường chứng khoán Việt Nam mới thực sự nâng hạng.