Quảng Ninh tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân làm kinh tế ban đêm
11:13 03/10/2022
Ngày 27/07/2020, Thủ tướng Chính Phủ đã ký quyết định phê duyệt đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Trên cơ sở đó Quảng Ninh đang gấp rút phát triển Đề án thí điểm mô hình phát triển kinh tế ban đêm chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trên thực tế, phát triển “Kinh tế ban đêm” là hoạt động còn khá mới ở Việt Nam nên cũng chưa có nhiều chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này. Dù vậy, do nhu cầu tự nhiên của du khách trên địa bàn Quảng Ninh vẫn diễn ra hoạt động dịch vụ du lịch về đêm, nhưng cơ bản vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa thực sự được đầu tư bài bản.
SẢN PHẨM, DỊCH VỤ BAN ĐÊM CÒN HẠN CHẾ
Hiện tại, các hoạt động dịch vụ về đêm của Quảng Ninh chủ yếu tập trung tại thành phố Hạ Long và thành phố Móng Cái.
Tại Hạ long, đã có hoạt động đã gây ấn tượng rất tốt như “Phố đêm du thuyền”, nơi tập trung lựa chọn khoảng 30 tàu du lịch 4 - 5 sao, bố trí dọc hai bên cầu cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Tàu xuất phát từ đây và tiếp tục hành trình 4 tiếng trên vịnh, du khách được ngắm thành phố về đêm với các địa điểm du lịch nổi tiếng, như: Vòng quay Mặt Trời, cầu Bãi Cháy, núi Bài Thơ...
Phố đi bộ Bãi Cháy (Hạ Long) thường đông khách nhất vào những dịp cuối tuần với các nhà hàng chuyên về hải sản, các quán ẩm thực đặc trưng của Hạ Long và dịch vụ giải trí luôn tấp nập khách qua lại. Đêm trên Quảng trường Sun Carnival cũng mang đến không gian du lịch độc đáo với các sản phẩm ẩm thực đặc trưng của nhiều vùng miền, du khách có thể dừng chân thưởng thức những giai điệu, phong cách âm nhạc mới lạ và ấn tượng, hay dạo bước ngắm cảnh tận hưởng không khí về đêm mát lành, đậm đà hương vị đại dương.
Tại thành phố Móng Cái, phố đi bộ cũng đã hoạt động trở lại với nhiều không gian nghệ thuật, biểu diễn đường phố hấp dẫn. Hay tại huyện Cô Tô, phố đi bộ được phát triển với những khu mua sắm đông đúc, khu ẩm thực sôi động.
Có thể thấy rằng nhiều dịch vụ du lịch đêm không quá mới với Quảng Ninh. Tuy nhiên, theo khảo sát và tự đánh giá của UBND tỉnh, những mô hình “Kinh tế ban đêm” như vậy về cơ bản vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, tự phát và ít có sự đầu tư bài bản, chưa thu hút được những nhà đầu tư lớn. Quảng Ninh vẫn còn đang bỏ trống một khoảng lớn về dịch vụ thương mại, giải trí, tham quan ban đêm do chưa có nhiều, các sản phẩm, các trung tâm, các điểm vui chơi giải trí về đêm quy mô lớn và bị hạn chế bởi quy định của pháp luật.
Trên cơ sở đó, ngay sau khi đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo thành lập ngay Tổ công tác để xây dựng đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh một cách bài bản.
HƯỚNG TỚI VIỆC KIẾM TIỀN BAN ĐÊM MỘT CÁCH CHUYÊN NGHIỆP, BỀN VỮNG
Theo nội dung Bản Đề án, thí điểm mô hình phát triển kinh tế ban đêm được lựa chọn tại một số khu vực không gần khu dân cư, đảm bảo riêng biệt tạo thành tổ hợp giải trí ban đêm khép kín như khu du lịch quốc tế Tuần Châu và khu du lịch danh thắng Yên Tử. Tuy nhiên, việc lựa chọn địa điểm cũng đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau. cùng một số vấn đề vướng mắc, cần nhanh chóng đưa ra phương án xử lý để triển khai thực tế.
Cụ thể, bản Đề án được xây dựng dựa trên 4 lĩnh vực gồm: Văn hóa, vui chơi, giải trí (các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, nhà hát, âm nhạc, chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện...); Dịch vụ ăn uống (nhà hàng, khu ẩm thực, quán bar...); Dịch vụ mua sắm (các chợ, khu mua sắm...); Dịch vụ du lịch (tham quan các địa điểm du lịch, di tích văn hóa, công trình kiến trúc...). Thời gian diễn ra từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau đối với các khu vực được áp dụng thí điểm, sau đó sẽ đẩy nhanh hướng tới nền kinh tế 24 giờ đối với các thành phố, đô thị có tiềm năng.
Theo ý kiến của Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Hoài Thương, cần phân tích thêm nhóm sản phẩm OCOP, thực trạng nhu cầu tiêu dùng tại các khu mua sắm vào buổi tối nói chung và khu mua sắm, trưng bày giới thiệu sản phẩm, dịch vụ thuộc đề án nói riêng.
Bên cạnh đó là đào tạo về văn minh thương mại, nâng cao năng lực kinh doanh, xây dựng hình ảnh đẹp, đáng nhớ đối với du khách và người dân khi đến tham quan và mua sắm tại các cơ sở này nói riêng và Quảng Ninh nói chung. Song song với đó, các hoạt động của kinh tế ban đêm nên khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương, những nghệ nhân... như các hoạt động tại chợ đêm, phố đi bộ, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, nghề truyền thống... chứ không chỉ tập trung vào các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch. Đồng thời, tập trung khai thác thêm các sản phẩm du lịch đặc sắc mang đặc thù riêng của Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Thế Huệ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, chia sẻ kinh tế đêm là nền tảng quan trọng thúc đẩy ngành du lịch nói riêng và kinh tế địa phương nói chung. Để kinh tế đêm phát triển thì các cấp, ngành và địa phương cần xây dựng phương án bài bản, chính sách hỗ trợ phù hợp, liên kết chặt chẽ giữa các hoạt động.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng nhấn mạnh phát triển kinh tế đêm là một loại hình mới, các cấp quản lý trên địa bàn Hạ Long, Uông Bí phải tổ chức đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm trực tiếp ở những địa phương đã triển khai. Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện phương án thí điểm, lựa chọn được địa điểm phù hợp, có quy hoạch cụ thể, tránh phát sinh xung đột giữa các loại hình, đồng thời cũng phải khác biệt, hút được ca nhà đầu tư và hấp dẫn đối với du khách.