Friday, 22/11/2024

Khoa học công nghệ Thái Bình bám sát thực tiễn, chú trọng khả năng ứng dụng tạo động lực cho phát triển

17:40 29/09/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Trong điều kiện các nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ vẫn chưa thực sự tương xứng, ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thái Bình đã có nhiều giải pháp thiết thực để cải thiện chất lượng và hiệu quả các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN. Trong đó, tập trung vào những đề tài có tính thực tiễn cao, có “địa chỉ” ứng dụng rõ ràng, có khả năng phát huy hiệu quả cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất kinh doanh cũng như chất lượng cuộc sống và hạnh phúc cho người dân.

Lựa chọn đúng để nhân rộng

Thái Bình khuyến khích, hỗ trợ cho các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp. Trong ảnh: Kỹ sư, cán bộ kỹ thuật của Tập đoàn Thái Bình Seed đang nhân giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô

Hằng nằm, trên cơ sở Chương trình công tác được phê duyệt và các văn bản chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Sở đã tập trung xây dựng các kế hoạch, giải pháp thực hiện mục tiêu; đồng thời chỉ đạo các phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện kịp thời. Đặc biệt, công tác triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia và cấp tỉnh có nhiều thay đổi theo hướng bám sát thực tiễn, chú trọng đến tính ứng dụng, phục vụ hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cụ thể, đối với đề tài cấp tỉnh thực hiện từ năm 2021, sau khi UBND tỉnh phê duyệt Danh mục, Sở Khoa học và Công nghệ đã thành lập và tổ chức họp các Hội đồng khoa học và công nghệ tư vấn tuyển chọn và giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện; đồng thời thành lập và tổ chức họp các tổ thẩm định kinh phí hỗ trợ cho đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh. Trong năm tiếp theo, ngay sau khi xây dựng xong Kế hoạch nhiệm vụ khoa học và công nghệ của năm, Sở đã triển khai tới các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để tổng hợp các đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Tính đến tháng 6/2022, Sở đang quản lý 54 đề tài cấp tỉnh, bao gồm 24 đề tài chuyển tiếp từ năm 2020, 2021 sang năm 2022 và 30 đề tài phê duyệt mới thực hiện từ năm 2022.

Nhờ quá trình triển khai bài bản từ khâu chọn lựa tới thẩm định kinh phí, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã đi vào chiều sâu, bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hoặc giải quyết kịp thời các vấn đề cấp thiết trong sản xuất và đời sống. Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ đạt hiệu quả trong nghiên cứu, thực nghiệm được nhân rộng và phát huy hiệu quả trong sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội. Nổi bật, trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn: Thái Bình đã nghiên cứu, khảo nghiệm, tuyển chọn giống lúa ngắn ngày, phẩm chất cao bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh; nghiên cứu bảo tồn, phục tráng và phát triển giống lúa Nếp Bể Vũ Thư (nếp Keo) để xây dựng thương hiệu gạo đặc sản Thái Bình; nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh sản tiên tiến nhân giống gà Tò và xây dựng mô hình nuôi gà Tò thương phẩm theo hướng VietGAHP; ứng dụng công nghệ sản xuất giống tôm chân trắng chất lượng cao và nuôi tôm thâm canh sử dụng chế phẩm sinh học đạt năng suất cao và bền vững tại tỉnh Thái Bình; ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất lúa bổ sung giống Rươi nhằm nâng cao   giá trị sản xuất lúa gạo và thu nhập cho người dân.

Trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ đã góp phần hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức/doanh nghiệp trên địa bàn phát triển công nghệ mới, áp dụng vào sản xuất và đời sống. Điển hình như: Đề tài ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm nước mắm từ nguồn lợi thủy sản, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng tại địa phương; đề tài nghiên cứu chế tạo máy bón phân hóa học dạng hạt đa chức năng phục vụ sản xuất nông nghiệp

Các đề tài khoa học và công nghệ trong lĩnh vực y tế góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Trong ảnh: Các bác sĩ BVĐK tỉnh Thái Bình đã triển khai được kỹ thuật mới về can thiệp tim mạch

Không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả cho các ngành sản xuất, các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực y tế đã có những đóng góp tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Với sự trợ giúp của các trang thiết bị công nghệ hiện đại, nhiều kỹ thuật mới đã được ứng dụng vào công tác khám chữa bệnh, công tác y tế dự phòng, sản xuất dược phẩm - vật tư y tế. Nổi bật, đề tài nghiên cứu kết quả của phương pháp đặt stent động mạch vành qua da trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp tại BVĐK tỉnh Thái Bình.

Ngoài ra, các đề tài trong lĩnh vực quản lý đã khai thác điểm mạnh của công nghệ thông tin ứng dụng vào trong các hoạt động để số hóa và hệ thống lại quy trình xử lý công việc góp phần nâng cao chất lượng làm việc tại các cơ quan, tổ chức nhà nước. Tiêu biểu là đề tài: Nghiên cứu thực trạng, đề xuất xây dựng mô hình chi bộ kiểu mẫu trong các loại hình chi bộ trên địa bàn tỉnh do Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Bình chủ trì.

Tăng cường hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo

Bên cạnh những thành quả đạt được, hoạt động khoa học, công nghệ Thái Bình vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục trong giai đoạn tới, cụ thể: Nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ còn hạn chế dẫn tới hiệu quả của đề tài/dự án chưa thực sự mang lại đột phá, thúc đẩy sự phát triển như kỳ vọng; bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học và công nghệ còn thiếu đồng bộ, linh hoạt.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX đã xác định khoa học và công nghệ là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược nhằm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, thời gian tới để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được và khắc phục một số hạn chế còn tồn tại, đưa khoa học và công nghệ thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội, Thái Bình sẽ tiến hành cơ cấu lại các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Chủ trương này được cụ thể hóa trong Đề án “Phát triển KH&CN tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, Tỉnh sẽ định hướng lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chăm sóc sức khỏe của nhân dân đạt trên 60% nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh; huy động tối đa các nguồn lực để tổ chức thực hiện các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp nhà nước trên địa bàn tỉnh Thái Bình như: Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia…

Lãnh đạo Sở KH&CN Thái Bình và các chuyên gia khảo sát, đánh giá quá trình thực hiện Đề tài KH&CN cấp tỉnh: “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật
sinh sản tiên tiến nhân giống gà Tò và xây dựng mô hình nuôi gà Tò thương phẩm theo hướng VietGAHP

Mặt khác, để hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đẩy mạnh, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh sẽ sớm thông qua Nghị quyết Quy định các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025. Khi Quy định này khi được ban hành sẽ tạo môi trường mở cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thái Bình đủ điều kiện đều có thể được hỗ trợ. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh tập trung vào 4 nhóm chính nội dung chính bao gồm: Chuyển giao và đổi mới công nghệ; hoạt động xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ; phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ; hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Điểm nổi bật ở Nghị quyết mới này đó là Thái Bình dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Qua quá trình nghiên cứu tìm hiểu một cách toàn diện, nắm bắt những khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi khởi nghiệp, các cơ chế, chính sách lần này sẽ tập trung hỗ trợ vào đúng những điểm then chốt, như: Tư vấn sở hữu trí tuệ; thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đo lường chất lượng; chuyển giao công nghệ; đào tạo chuyên sâu; truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo…, các mức hỗ trợ tuy không quá lớn nhưng đó là khích lệ, tiếp sức kịp thời cho phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong thanh niên tỉnh Thái Bình.

Trong điều kiện nguồn ngân sách địa phương chưa đáp ứng được đầy đủ cho các nhu cầu phát triển, việc ưu tiên dành nguồn lực để hỗ trợ các hoạt động phát triển khoa học, công nghệ thể hiện quyết tâm rất lớn của tỉnh Thái Bình để đưa hoạt động khoa học, công nghệ ngày càng phát triển, trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân./.

Theo Tạp chí Con số và sự kiện

https://consosukien.vn/khoa-hoc-cong-nghe-thai-binh-bam-sat-thuc-tien.htm

Chia sẻ bài viết

Thong ke