Friday, 22/11/2024

Phát triển OCOP ở Thái Nguyên chuyển từ “lượng” sang “chất”

13:42 04/10/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu chuẩn hóa ít nhất 70 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó có 5 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.

Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) đặt mục tiêu phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025 tiếp tục xác định đưa Chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng, gắn với nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lấy người dân là chủ thể thực hiện. Phấn đấu chuẩn hóa ít nhất 70 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó có 5 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.

Tiêu chí hàng đầu của sản phẩm OCOP Thái Nguyên mang đậm nét đặc trưng của địa phương.

Là huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn, những năm gần đây nhờ xây dựng thương hiệu và phát triển một số sản phẩm OCOP, huyện Võ Nhai đã có bước phát triển đáng kể, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện huyện có 7 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh, trong đó có hai sản phẩm được sản xuất từ lúa gạo. Đây cũng là định hướng phát triển kinh tế của địa phương, nhằm khai thác tối đa thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Hoàng Tiến Diện, Giám đốc HTX Mì, bún khô Tiến Diện cho biết, các sản phẩm của HTX phải được sản xuất theo tiêu chuẩn ATTP. Sản phẩm được chế biến từ việc thu mua gạo thóc từ 2 xã Dân Tiến, Việt Long trồng theo tiêu chuẩn VietGap.

Cho biết về việc xây dựng các mô hình sản xuất sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Võ Nhai cho hay, Phòng đã nghiên cứu xây dựng mô hình lúa hữu cơ. Các HTX cũng hỗ trợ tuyên truyền sản phẩm, máy móc, dây chuyền để ra được những sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đẹp nhất.

Tại thành phố Phổ Yên, mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa chất lượng cao, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP cũng được Chi nhánh Vật tư nông nghiệp thành phố Phổ Yên phối hợp với xã Minh Đức triển khai thực hiện được 3 năm. Mô hình trồng lúa trên diện tích 10ha, có 40 hộ dân tham gia và được hỗ trợ vật tư nông nghiệp, tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Bà Nguyễn Thị Lan, xã Minh Đức, thành phố Phổ Yên cho hay, ngành nông nghiệp huyện đã cũng đầu tư giống, phân bón, đưa giống lúa năng suất chất lượng cao, hướng dẫn bà con canh tác đạt kết quả rõ rệt.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay toàn tỉnh Thái Nguyên đã có trên 120 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia. Phát triển sản phẩm OCOP gắn với việc xây dựng vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng, quy mô lớn cũng góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, gắn với lợi thế điều kiện của từng địa phương.

Bà Vũ Thị Thanh Hảo, Chủ tịch HĐQT HTX Chè Thịnh An, ở thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ cho biết, đến nay HTX đã có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và sẽ là phát triển các sản phẩm tiềm năng lên hạng 5 sao.

“Vùng nguyên liệu do HTX đang chăm sóc đóng vai trò quan trọng. Muốn đạt được tiêu chuẩn OCOP 5 sao, HTX cần tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu, qua đó giúp bà con có thu nhập cao hơn”, bà Hảo nhận định.

Một trong những tiêu chí hàng đầu của sản phẩm OCOP là phải mang đậm nét đặc trưng của địa phương gắn với tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Từ đó, đầu tư công nghệ để chế biến, bảo quản các sản phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị và lợi nhuận gia tăng.

Đến nay toàn tỉnh Thái Nguyên đã có trên 120 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia.

Thời gian qua, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên đã và đang tiếp tục hỗ trợ các địa phương nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng. “Năm 2022 là năm thứ 4 Văn phòng tiếp tục triển khai Chương trình OCOP, tập trung vào nâng cao chất lượng các sản phẩm, mở rộng quy mô các vùng nguyên liệu, giúp cho người dân thực hiện các chính sách phát triển cây chủ lực, chuỗi giá trị sản phẩm… trong các chương trình mục tiêu quốc gia”, ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh.

Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự nỗ lực, tâm huyết của người dân, thời gian tới tỉnh Thái Nguyên sẽ có thêm nhiều vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn để phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đây chính là mục tiêu phát triển từ “lượng” sang “chất” nhằm xây dựng thương hiệu nông sản ở Thái Nguyên./.

Theo VOV

https://vov.vn/kinh-te/phat-trien-ocop-o-thai-nguyen-chuyen-tu-luong-sang-chat-post974872.vov

Chia sẻ bài viết

Thong ke