Phú Xuyên (Hà Nội): Vì sao vi phạm trật tự xây dựng tại xã Đại Xuyên vẫn không được xử lý dứt điểm?
10:37 27/05/2021
Mới đây, Báo Nhà báo và Công luận nhận được thông tin phản ánh về việc trên địa bàn thôn Kiều Đoài, xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên có nhiều công trình không phép, sai quy hoạch tồn tại nhiều năm nay nhưng chính quyền không hề xử lý dứt điểm, khiến người dân bức xúc.
Theo tài liệu phóng viên có được, ông Đinh Mạnh Hùng được UBND huyện Phú Xuyên cho thuê đất với diện tích hơn 7.900m2 quỹ đất II (đất nông nghiệp) tại khu Lò Gạch, thôn Kiều Đoài thuộc quỹ đất công do UBND xã Đại Xuyên quản lý theo Quyết định số 7302.
Việc thuê đất này của ông Hùng để làm dự án sản xuất, kinh doanh sắt thép. Thời gian thuê là 30 năm đảm bảo quy định của pháp luật. Trong giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (thay đổi lần 1 vào ngày 10/10/2013) tên chủ hộ kinh doanh là ông Đinh Mạnh Hùng.
Tuy nhiên, theo phản ánh trong quá trình sử dụng để phù hợp với việc sản xuất kinh doanh, ông Hùng đã xây dựng nhiều công trình sai thiết kế, vị trí và có những công trình không nằm trong quy hoạch tổng thể mặt bằng của dự án.
Điều đáng nói, có nhiều công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng và nằm ngoài tổng thể mặt bằng đã được phê duyệt.
Mặc dù việc vi phạm xảy ra từ trước năm 2015 nhưng phải đến đầu tháng 9/2019, Tổ công tác của UBND huyện mới phối hợp với UBND xã Đại Xuyên tiến hành kiểm tra việc sử dụng đất đối với gia đình ông Đinh Mạnh Hùng.
Theo đó, qua kiểm tra hiện trạng cho thấy ông Hùng đã lắp, xây dựng công trình trên đất thuê không đúng vị trí được quy hoạch tổng mặt bằng của dự án.
Ngoài ra, trong biên bản vi phạm hành chính, UBND xã Đại Xuyên đề nghị tự tháo dỡ công trình xây dựng xong trước ngày 30/9/2019. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất như trước khi vi phạm. Đồng thời, UBND xã cũng đề nghị UBND huyện chỉ đạo các phòng ban có liên quan có hướng xử lý.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, đến ngày 11/6/2020, UBND huyện Phú Xuyên ban hành quyết định số 1900/QĐ-KPHQ về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với những công trình trên đất thuê không đúng vị trí được quy hoạch tổng mặt bằng của dự án.
Theo đó, ông Hùng phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do đã có hành vi vi phạm hành chính: Sử dụng đất trong nhóm đất phi nông nghiệp vào mục đích khác không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các Điểm đ, e và g Khoản 1 Điều 57 của Luật Đất đai. Cụ thể, chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở được Nhà nước cho thuê đất tại khu vực nông thôn với tổng diện tích vi phạm là 1.119m2.
Hiện trạng vi phạm, ông Hùng đã lắp dựng công trình 1 không có trong quy hoạch tổng mặt bằng với diện tích là 315m2, thời điểm xây dựng năm 2013; Đã lắp dựng công trình 2 không có trong quy hoạch tổng mặt bằng với diện tích 150m2, thời điểm xây dựng tháng 7/2017; Đã lắp dựng công trình 3 không có trong quy hoạch tổng mặt bằng với diện tích 390m2 thời điểm xây dựng tháng 5/2017.
Điều đáng nói, công trình 4 không có trong quy hoạch tổng thể mặt bằng với diện tích 216m2 cũng được xây dựng. Trong đó, công trình nhà biệt thự hộ ông Hùng ở với diện tích 120m2 đã xây tường gạch, mái lợp ngói, thời điểm xây dựng năm 2013.
Ngoài ra, công trình 5 không có trong quy hoạch mặt bằng tổng thể cũng được xây dựng từ năm 2014.
Cũng tại Quyết định 1900/QĐ-KPHQ, UBND huyện Phú Xuyên yêu cầu ông Đinh Mạnh Hùng tháo dỡ toàn bộ các công trình lắp dựng, xây dựng vi phạm, thu dọn toàn bộ vật liệu ra khỏi vị trí vi phạm. Buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất như trước khi vi phạm. Thời gian thực hiện là 10 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định.
Tuy nhiên, đến nay nhiều công trình, nhà xưởng xây dựng sai vị trí, thiết kế so với quy hoạch tổng thể mặt bằng vẫn được ông Hùng sử dụng để hoạt động kinh doanh. Việc xây dựng không phép, sai quy hoạch đã kéo dài nhiều năm nay nhưng không được xử lý, tháo dỡ.
Trao đổi nhanh với PV, ông Nguyễn Văn Hoằng - Chủ tịch UBND xã Đại Xuyên cho biết: “Một số công trình xây sai vị trí chúng tôi cũng đã tiến hành giải tỏa, một số công trình xây dựng có diện tích thừa ra, họ đang đề nghị huyện cho họ điều chỉnh để họ đảm bảo sản xuất. Về quy trình bổ sung ra sao chúng tôi cũng không nắm được, việc này của huyện”.
“Một số công trình sai phép, sai vị trí cơ bản chúng tôi đã xử lý, có những công trình mới họ dựng lên không đúng quy hoạch chúng tôi đã yêu cầu giải tỏa, còn một số vị trí công trình họ đang đề nghị điều chỉnh quy hoạch và huyện cũng đang xem xét. Ví dụ, nhà ở công nhân có trong quy hoạch nhưng lại nằm sai vị trí quy hoạch, thì họ cam kết đảm bảo vị trí quy hoạch. Còn các công trình sai hẳn chúng tôi đã xử lý”, ông Hoằng nói thêm.
Ông Vũ Văn Hữu - Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Phú Xuyên cho biết: UBND huyện Phú Xuyên cũng đang tập trung để xử lý dứt điểm vụ việc này, đến nay các công trình cũng được xử lý cơ bản, sẽ xử lý dứt điểm theo quyết định khắc phục hậu quả đã ban hành vào 6/2020. Với nội dung này, huyện Phú Xuyên với tinh thần chỉ đạo quyết liệt cũng đã giao UBND xã Đại Xuyên tuyên truyền cũng như thực hiện các bước tiếp theo.
Vì sao những sai phạm đã tồn tại nhiều năm và đã được chỉ rõ, thế nhưng vẫn tiếp tục được tồn tại và không được xử lý dứt điểm? Tại sao sau hàng loạt chỉ đạo và thời hạn xử lý dứt điểm công trình nhưng đến nay việc xử lý sai phạm dường như vẫn đang “giậm chân tại chỗ”?