Hiện tượng livestream Phương Hằng và giới hạn của tự do ngôn luận
10:27 27/05/2021
Luật sư cho rằng việc bà Phương Hằng livestream là quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, các phát ngôn dựa trên thông tin chưa kiểm chứng rất dễ xâm hại lợi ích của người khác.
Sau video trực tuyến với hơn 270.000 lượt xem cùng lúc (ngày 27/5), bà Nguyễn Phương Hằng đã phá kỷ lục của mọi streamer đình đám Việt Nam, trở thành hiện tượng trong "vũ trụ livestream".
Trong những buổi livestream (phát sóng trực tiếp), bà Hằng thường xuyên kể câu chuyện hậu trường showbiz, trong đó nhắc tới nhiều nghệ sĩ như NSND Hồng Vân, Đàm Vĩnh Hưng, Trịnh Kim Chi... Gần đây nhất, hôm 25/5, bà Hằng nhắc tới vụ từ thiện 13 tỷ đồng của NSƯT Hoài Linh và tố ca sĩ Vy Oanh che giấu việc từng cặp đại gia, sang Mỹ đẻ thuê...
Chuyên gia truyền thông phân tích bà Hằng và ê-kíp đã "bắt thóp" được công chúng mạng Việt Nam, nắm bắt "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", tạo nên sức hút khó tin. Trong khi đó, luật sư cho rằng bà Hằng có quyền tự do ngôn luận, tuy nhiên, không được sử dụng quyền này vi phạm quyền của người khác.
Tại sao bà Phương Hằng thu hút hơn hàng trăm nghìn người xem livestream?
Phân tích lý do livestream của bà Hằng trở thành hiện tượng truyền thông, tiến sĩ Trịnh Lê Anh nhận định hiệu ứng công chúng với các video của bà Hằng có thể gọi tên "hòn tuyết lăn", ngày càng thu hút thêm những người tò mò, chưa hiểu chuyện gia nhập nhóm khán giả trung thành.
Chuyên gia nhận định yếu tố đầu tiên khiến công chúng bị lôi cuốn là do nội dung trong video của bà Hằng thường nói về một số chủ đề nhạy cảm, được quan tâm, ít người lên tiếng, ví dụ như vấn đề tư lợi liên quan đến tiền nhân đạo.
Mặt khác, nội dung bàn luận chủ yếu lại liên quan đến rất đông đảo mạnh thường quân đã góp tiền. Cùng với đó là nhóm thụ hưởng trong các hoạt động nhân đạo.
Thứ hai, nhân sự trong những nội dung này đều là người nổi tiếng, thu hút sự chú ý đặc biệt: Một bên là các danh hài hàng đầu cùng hàng loạt tên tuổi lớn trong giới biểu diễn, một bên là đại gia có “thương hiệu” làm từ thiện thật.
TS Lê Anh cho rằng sự quan tâm của riêng lượng fan và anti-fan với các nhóm nghệ sĩ này rất lớn, còn lại phần lớn khán giả tự phân hoá thành phe ủng hộ và phản đối khi “quan sát tham dự”, thậm chí có thể có những hành động tiếp nối trong khi động cơ ban đầu của họ chỉ là “toạ sơn quan hổ đấu”.
Thứ ba, livestream của bà Hằng thực hiện vào đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trên cả nước. Các hoạt động vui chơi, giải trí, học tập, làm việc đều bị hạn chế, người dân phần lớn ở nhà, có nhiều thời gian rảnh, lướt mạng nhiều.
Thời điểm trước khi livestream có lượng xem khủng, câu chuyện về 13 tỷ tiền cứu trợ đồng bào miền Trung của nghệ sĩ Hoài Linh còn đang gây tranh cãi, báo chí lại chưa bình luận nhiều mà chỉ đưa tin nên khán giả càng bị "đói" phân tích đúng/sai, kèm theo những thông tin bên trong của vấn đề như cách nói đầy gợi mở của chủ livestream “chỉ có người trong cuộc mới biết người trong kẹt”.
"Tôi có những người bạn trước đây không biết bà Phương Hằng là ai nhưng lần này tường thuật sự việc đâu ra đấy. Thông tin về Covid-19 thì gây sự mệt mỏi, bầu cử cũng đã qua, livestream của bà Hằng rơi đúng vào thời điểm mọi người không có gì để 'để tâm' nên mặc nhiên thu hút", TS Lê Anh nhận định.
Chuyên gia cũng cho rằng cách hành xử của bà Hằng rất khác với văn hóa thường thấy của người Việt Nam. Người Á Đông thường không "nói thẳng ruột ngựa" mà "uốn lưỡi 7 lần trước khi nói". Thế nhưng, bà Hằng có xu hướng nói không e ngại, sẵn sàng đối đầu với anti-fan. Đây cũng là yếu tố gây hấp dẫn khi rất nhiều người theo dõi livestream này để giải trí đơn thuần.
Bên cạnh đó, cách thức triển khai “sự kiện” của bà Hằng và nhóm cộng sự rất chuyên nghiệp. Trước khi livestream, họ đăng thông báo về thời gian, nội dung để kích động sự tò mò, đón đợi những thông tin khó tìm thấy ở đâu khác.
Chuyên gia cho rằng họ đã rất giỏi "bắt thóp" tính cách công chúng mạng của Việt Nam. Nhiều vấn đề được chủ nhân livestream trình bày, nếu bỏ đi yếu tố phản cảm ít nhiều về hành ngôn thô ráp khó nghe, lại thể hiện sự logic và có nghiên cứu căn cứ luật pháp của vấn đề, nên có sự thuyết phục nhất định với công chúng.
Ở góc độ thuần tuý chuyên môn truyền thông, TS Lê Anh cho rằng nhờ những yếu tố "thuận" kể trên, livestream của bà Hằng trở thành môt “sản phẩm truyền thông hấp dẫn” với công chúng mạng một cách đáng ngạc nhiên và gợi nhiều điều đáng suy ngẫm.
Quyền tự do ngôn luận không tuyệt đối
Bên cạnh sự thu hút mà livestream của bà Phương Hằng mang lại, nhiều luật sư nhận định bà Hằng nói riêng và các chủ tài khoản livestream nói chung cần lưu ý tác động của nó trên mạng xã hội.
Luật sư Đinh Hồng Hạnh, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận định hình thức này đang ngày càng gây những rủi ro cao hơn trong việc sử dụng hình ảnh và thông tin chưa xác thực khi phát sóng trực tiếp.
Luật sư Hạnh phân tích tác động truyền thông của hình thức livestream (trạng thái động) mạnh hơn chia sẻ thông qua hình thức đăng trạng thái (status) trên Facebook (trạng thái tĩnh). Với trạng thái tĩnh, thông tin có thể bị kiểm duyệt, ngăn chặn nội dung ngay lập tức nếu có từ ngữ hoặc hình ảnh vi phạm, nhưng kiểm soát khi phát sóng trực tiếp thì khó hơn. Bên cạnh đó, các kênh livestream chưa có khuôn khổ kiểm soát độ tuổi người xem, nội dung livestream lại nhiều ngôn từ, nội dung chưa phù hợp với trẻ em.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp chủ tài khoản livestream đăng tải nội dung đấu tố, xúc phạm, chửi bới, gây ảnh hưởng tới người khác.
"Phải khẳng định, bà Nguyễn Phương Hằng có quyền tự do ngôn luận, và pháp luật Việt Nam bảo vệ quyền tự do ngôn luận của công dân. Nhưng đây không phải là một quyền tuyệt đối, và các phát ngôn dựa trên chủ kiến cá nhân, thông tin chưa kiểm chứng rất dễ lấn qua lằn ranh xâm hại tới quyền và lợi ích của người khác", luật sư Hạnh nói.
Theo luật sư, pháp luật hiện nay có nhiều biện pháp chế tài xử lý những vi phạm này trên không gian mạng. Do đó, người sử dụng mạng xã hội cần phải có hiểu biết tối thiểu quy định để không đi quá giới hạn; đồng thời, biết quyền của mình để tự bảo vệ hoặc nhờ đến sự can thiệp của cơ quan chức năng khi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại.
Chia sẻ góc nhìn, luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng nếu chủ tài khoản livestream không cẩn trọng với nội dung mình đưa ra, những người cảm thấy bị xúc phạm nhân phẩm, hạ thấp danh dự, uy tín hoặc vu khống do thông tin trong buổi phát livestream hoàn toàn có quyền khởi kiện.
Căn cứ Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân và quy định tại Điều 584, từ Điều 589 đến Điều 592 Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thì cá nhân bị xâm phạm có quyền yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, yêu cầu đính chính, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại.
Tháng 4/2021, bà Nguyễn Phương Hằng đã bị Sở Thông tin và Truyền thông xử phạt 7,5 triệu đồng vì cung cấp thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của UBND tỉnh Bình Thuận và danh dự của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. Hành vi của bà Hằng được cho là vi phạm khoản d, điểm 1, điều 5 Nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, và bị thanh tra sở áp dụng nghị định 15/2020/NĐ-CP để xử phạt.