'Chảy máu' đất vàng Khánh Hoà Tourism, nguyên Chủ tịch Khánh Hòa Phạm Văn Chi: 'Cần xác định lại giá trị đất'
10:11 28/05/2021
Liên quan đến loạt “đất vàng” thuộc Khánh Hòa Tourism quản lý dần rơi vào tay tư nhân, nguyên lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cho rằng cần phải làm rõ, xác định lại giá trị các khu đất theo giá thị trường.
Trao đổi với Nhadautu.vn ngày 27/5, ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết bản thân ông đã biết thông tin về loạt “đất vàng” thuộc Khánh Hòa Tourism quản lý sau liên doanh, liên kết dần rơi vào tay tư nhân với giá “bèo”.
Như đã thông tin trước đó, 6 khu đất vàng từng thuộc Khánh Hòa Tourism quản lý gồm: cụm khách sạn Hải Yến - Viễn Đông cũ với diện tích hơn 2 ha (3 mặt tiền Trần Phú - Trần Hưng Đạo - Lê Thánh Tôn), khu đất 60 Trần Phú nay là khách sạn Mường Thanh Nha Trang, khu nhà hàng Bốn Mùa - E-land Four Seasons phía đông đường Trần Phú, Công viên Phù Đổng Nha Trang, Khu du lịch sinh thái Trí Nguyên Nha Trang, đã lần lượt rơi vào tay tư nhân giai đoạn 2011-2014 dưới hình thức liên doanh, liên kết.
Theo nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, trong số các khu đất kể trên thì cụm khách sạn Viễn Đông và Hải Yến cũ mà báo chí phản ánh chính là 2 vị trí đất “kim cương” ở Nha Trang, trước đây được tỉnh xây dựng, sau đó giao Công ty TNHH MTV Du lịch Khánh Hòa (Khánh Hòa Tourism) quản lý, khai thác.
“Thời tôi làm chủ tịch tỉnh (nhiệm kỳ 2000-2005), tôi còn có chủ trương ký cho Công ty Du lịch Khánh Hòa vay vốn xây 2 khách sạn này. Phần đất tại khách sạn Hải Yến (cũ) sẽ xây khách sạn chuẩn 5 sao, còn vị trí Viễn Đông sẽ xây khách sạn 3 sao để đáp ứng nhu cầu của nhiều tầng lớp người dân, du khách. Tuy nhiên, chủ trương này không được thực hiện. Sau đó, họ (nguyên lãnh đạo kế nhiệm ông Chi - PV) nghĩ ra các liên doanh liên kết, cuối cùng đất và tài sản công đều rơi vào tay tư nhân”, ông Chi cho hay.
Ông Phạm Văn Chi cho rằng cần phải định giá lại giá trị các khu đất kể trên: “Cần phải làm rõ ra, xem giá trị khu đất đã phù hợp với giá trị tại thời điểm thoái vốn nhà nước hay chưa. Hay nói cách khác, số tiền tại thời điểm thoái vốn đã bằng giá trị khu đất hay chưa? Nếu chưa thì cần phải thu hồi phần chênh lệch”.
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh: “Thà đem những khu đất đó đi đấu giá hơn là đem đi liên doanh, liên kết” như câu chuyện đã phản ánh ở trên.
Liên quan đến những dấu hiệu bất thường, vi phạm quy định pháp luật về đất đai, đấu thầu đối với loạt đất công có vị trí đắc địa từng do Khánh Hòa Tourism quản lý, một lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa đã có phản hồi đến báo chí. Theo đó, vị này cho biết hiện nay các dự án đất công trên địa bàn tỉnh đang được tổng kiểm tra toàn diện.
Hiện nhiều dự án đã được Ủy ban Kiểm tra Trung Ương kết luận và Thanh tra Chính phủ vẫn đang tiếp tục thanh tra. “Hiện tại, lãnh đạo tỉnh (đa số mới bổ nhiệm sau vụ kỷ luật hàng loạt cán bộ chủ chốt - PV) chưa thể đưa ra ý kiến vì còn phải chờ kết luận thanh tra cuối cùng. Lúc ấy, chúng tôi sẽ xử lý từng vụ việc cụ thể”, một lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho hay.
Khánh Hoà Tourism tiền thân là Công ty Du lịch Phú Khánh được từ năm 1976, tới năm 1992 đổi tên thành Công ty Du lịch Khánh Hoà. Năm 2010, doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình công ty TNHH MTV, gồm 8 đơn vị kinh doanh hạch toán phụ thuộc là Khách sạn Hải Yến, Khách sạn Viễn Đông, Khách sạn Quê Hương, Trung tâm Du lịch Bốn Mùa, Công viên Phù Đổng, Cửa hàng Mỹ nghệ, Khu du lịch Trí Nguyên, Trung tâm dịch vụ Lữ hành, 1 công ty con là CTCP Du lịch Dốc Lết và 1 công ty liên kết là CTCP Yasaka Sài Gòn Nha Trang.
Năm 2014, Khánh Hoà Tourism tiến hành cổ phần hoá. Tuy nhiên, trước đó, UBND tỉnh Khánh Hoà giai đoạn 2011-2014 có nhiều quyết định cho phép doanh nghiệp này đưa tài sản góp vốn là các khu đất để thành lập liên doanh với các đối tác tư nhân, trong đó điểm chung là tỷ lệ sở hữu của Khánh Hoà Tourism là rất thấp, dưới mức phủ quyết (36%), chỉ từ 15%-25%.
6 khu đất vàng như đã kể trên, trong đó đáng kể nhất là khu đất rộng hơn 2 ha tại cụm khách sạn Hải Yến – Viễn Đông cũ với 3 mặt tiền Trần Phú - Trần Hưng Đạo – Lê Thánh Tôn; 60 Trần Phú… có giá thị trường lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng lần lượt rơi vào tay tư nhân với “giá bèo” mà không qua đấu giá theo Luật Đất đai.
Liên quan tới các khu đất có nguồn gốc công sản khác ở Nha Trang, mới đây, ngày 20/5, Công an tỉnh Khánh Hoà đã khởi tố, bắt tạm giam ông Đào Công Thiên, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà và ông Võ Tấn Thái, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường về tội “Vi phạm quy định về quản lý đất đai” theo khoản 3 Điều 229 Bộ luật Hình sự. Ông Đào Công Thiên và ông Võ Tấn Thái bị bắt vì liên quan đến dự án BT khu đất "vàng" hơn 7.300 m2 Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa do Công ty CP Thanh Yến làm chủ đầu tư. Dự án BT này không qua đấu giá, được cho làm thất thoát tài sản nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
Trước đó, ngày 12/5, Công an tỉnh Khánh Hoà đã khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại dự án Nha Trang Golden Gate. Đây là một trong 5 dự án thuộc diện điều tra, xác minh về những sai phạm xảy ra trong hoạt động quản lý nhà nước, có dấu hiệu gây thiệt hại ngân sách trên địa bàn Khánh Hoà, gồm các dự án khác là Napoleon Catsle và 3 dự án thuộc núi Chín Khúc.