Khu đô thị đa chức năng và bài toán đường dài của các nhà quản lý
11:41 19/05/2021
Khu đô thị phức hợp (đa chức năng) đang manh nha hình thành, phát triển tại Việt Nam. Liệu đây có phải là xu hướng trong tương lai và Việt Nam phải làm gì để loại hình khu đô thị đa chức năng phát triển bền vững? VnBusinees đã có cuộc trao đổi với GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xung quanh nội dung này.
Thưa ông, gần đây Việt Nam xuất hiện các khu đô thị phức hợp (đa chức năng). Ông đánh giá như thế nào về loại hình đô thị này?
"Để phát triển loại hình khu đô thị phức hợp, điều cốt lõi là các nhà quản lý cần phải có các chính sách ưu đãi phù hợp với bối cảnh Việt Nam nhưng cũng cần theo xu hướng của thế giới" - GS. Đặng Hùng Võ
Thực ra, hiện nay vẫn chưa rõ ràng về mô hình khu đô thị (KĐT) đa chức năng tại Việt Nam. Thực tế, đã có một số chủ đầu tư có ý tưởng, xây dựng KĐT đa chức năng. Đây là chủ trương đúng nhưng tiếp cận nó như thế nào lại là câu chuyện khác.
Một số KĐT của Việt Nam chưa thể gọi là KĐT đa chức năng mà chỉ là những KĐT có hạ tầng hiện đại. Trong đó có các hệ thống trường học liên cấp, bệnh viện, dịch vụ giải trí, trung tâm thương mại… tiện cho sinh hoạt của người dân, chứ chưa xem xét yếu tố cộng sinh để tạo ra mật độ kinh tế của các KĐT. Bởi lẽ, họ ở KĐT đó nhưng lại đến chỗ khác làm việc, chưa kết hợp với khu kinh tế nào, mà mới chỉ đáp ứng là nơi ở hiện đại, dịch vụ tiện ích tốt.
Về mặt pháp lý, trong Nghị định 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. Theo đó, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ gồm các khu chức năng: Khu công nghiệp là khu chức năng chính; KĐT- dịch vụ có chức năng hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ tiện ích xã hội cho khu công nghiệp, bao gồm các phân khu chức năng như: Nhà ở, bệnh viện, trường học, trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm ươm tạo doanh nghiệp và một số hạng mục công trình kinh tế - xã hội khác cần thiết cho sự phát triển đồng bộ, bền vững. Đây rõ ràng là tư tưởng của một KĐT đa chức năng.
Vậy theo ông, thách thức nào đang khiến việc xây dựng khu đô thị đa chức năng tại Việt Nam còn chưa rõ nét?
KĐT đa chức năng là tạo ra một hệ sinh thái theo kinh tế tuần hoàn, trong đó có nhiều hoạt động kinh tế cộng sinh với nhau. Có thể công nghiệp gắn với dịch vụ, gắn với đời sống sinh hoạt... Từ đó nó làm cho sức phát triển của KĐT đó tăng lên.
Do đó, phải biết KĐT đa chức năng này hoạt động kinh tế của nó là gì. Đơn cử như KĐT đa chức năng gần biển thì nó phải gắn với kinh tế biển. Nếu gần núi thì phải dựa vào các hoạt động kinh tế của vùng núi. Từ đó mới nghiên cứu, tạo dựng một hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn mang tính kết nối giữa công đoạn sản xuất có thể là công nghiệp, nông nghiệp, có thể là dịch vụ để làm sao tạo ra một hệ sinh thái cộng sinh.
Rõ ràng là không thể có một công thức chung cho tất cả được, phải tùy theo vị trí địa lý của KĐT đó là địa điểm nào. Tại địa điểm đó, xây dựng hoạt động kinh tế nào... Như vậy khó khăn nhất là phải tìm được vị trí địa lý để xây dựng KĐT đa chức năng mang tính cộng sinh.
Kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới về xây dựng KĐT đa chức năng, theo ông Việt Nam cần rút ra bài học gì?
Như tôi đã nói, mô hình KĐT đa chức năng trên thế giới cũng theo một quy chuẩn kinh tế tuần hoàn. Ở đây muốn xây dựng thì các nhà đầu tư phải tìm hiểu xem là ở vị trí địa lý nào, những thế mạnh nào để có thể xây dựng kết nối thành hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn.
Việc phương Tây thành công hoàn toàn do điều kiện của họ khác với Việt Nam. Đơn cử, Việt Nam lựa chọn một dây chuyền sản xuất công nghiệp hay nông nghiệp hay dịch vụ là khác của phương Tây. Hơn nữa do vị trí địa lý, ngành nghề họ lựa chọn, hệ thống chính sách pháp luật, tập quán, văn hoá, tư duy và cách quản lý của họ cũng khác ta.
Nói như thế để thấy rằng, nếu "bê" một mô hình nguyên mẫu của châu Âu về Việt Nam để thực hiện, chắc chắn sẽ thất bại!
Trong bối cảnh đó, theo ông đâu là xu hướng phát triển các KĐT đa chức năng bền vững tại Việt Nam trong thời gian tới?
Theo tôi, xu hướng phát triển của KĐT này phụ thuộc vào định hướng phát triển của Việt Nam. Đồng thời đòi hỏi tư duy của các nhà đầu tư, phải tạo dựng được vòng tuần hoàn cộng sinh. Cần tìm hiểu nghiên cứu phát hiện ra những ý tưởng mới, chứ không có một công thức vòng tròn cộng sinh.
Nguyên tắc của KĐT đa chức năng trên thế giới cũng chỉ xoay quanh hệ sinh thái tuần hoàn, họ đã xây dựng thành công, còn Việt Nam bây giờ mới áp dụng. Chẳng hạn, có ngành công nghiệp gỗ thì tiếp theo xây dựng KĐT đa chức năng là gì để nó có thể nhận được toàn bộ những phế thải từ công nghiệp gỗ để chế biến tiếp theo.
Còn các cơ quan Nhà nước muốn làm thì phải nghiên cứu để nhà đầu tư sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp của khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ được hưởng các ưu đãi đầu tư đối với khu công nghiệp theo quy định.
Bên cạnh đó, các khu chức năng được hưởng ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, miễn giảm tiền thuê đất và các ưu đãi đầu tư khác theo quy định tương ứng với các khu chức năng tại pháp luật về thuế, đất đai và pháp luật khác có liên quan.
Như vậy, đòi hỏi cả các nhà đầu tư, các nhà quản lý cần phải có các giải pháp dài hạn và thông minh hơn mới có thể xây dựng nên một khu đô thị đa chức năng, còn nếu tư duy cũ thì không bao giờ tạo ra được.