Sunday, 24/11/2024

Đừng để cải tiến quy định thành… ‘cải lùi’

13:59 25/05/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Một số dự thảo mới về quy chuẩn nước thải công nghiệp, sửa đổi nghị định về nhãn hàng hóa..., thoạt nghĩ ban đầu là được cải tiến, nhưng đang khiến cho nhiều doanh nghiệp chế biến lo lắng vì khó thực hiện, phát sinh chi phí, rủi ro.

Theo chuyên gia của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đang lấy ý kiến các bên cho Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) mới về nước thải công nghiệp. 

Làm khó chế biến thủy sản

Dự thảo này sẽ thay thế cả cho QCVN 40 (nước thải công nghiệp) và QCVN 11 (nước thải chế biến thủy sản), đưa nước thải chế biến thủy sản vào chung QCVN nước thải công nghiệp. 

Một số quy định trong các dự thảo mới như QCVN về nước thải công nghiệp, sửa đổi nghị định về nhãn hàng hóa khiến các DN chế biến quan ngại.

Vấn đề đáng quan tâm ở đây là các chỉ tiêu trong Dự thảo đang ngặt nghèo hơn QCVN 11-MT:2015/BTNMT rất nhiều, như: Phospho chỉ từ 4-6 mg/l, Nitơ chỉ từ 20-40 mg/l, Amoni chỉ từ 5-10 mg/l. 

“Điều này đang thực sự gây ra quan ngại rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu (XK) thủy sản Việt Nam hiện nay”, chuyên gia của Vasep nhận định.

Trong khi đó, từ cách đây khoảng 6 năm, Vasep đã nhiều lần phản ánh về vướng mắc tại quy định chỉ tiêu Phospho, Nito và Amoni, đặc biệt là chỉ tiêu Phospho, trong QCVN nước thải sau xử lý của nhà máy chế biến thuỷ sản (QCVN 11-MT:2015).

Điển hình như ngưỡng chỉ tiêu Phospho trong nước thải chế biến thủy sản sau xử lý (QCVN 11-MT:2015) được cho là khá nghiêm ngặt so với đặc thù ngành, chỉ cho phép là 20 ppm (cột B) và 10ppm (cột A).  

Điều này dẫn đến việc hàng năm nhiều nhà máy thuỷ sản bị thanh, kiểm tra đều bị vi phạm (từ 1,5-3 lần, thậm chí cao hơn) và bị phạt vi phạm hành chính, kèm các rủi ro phát sinh rất lớn khác là đối mặt với nguy cơ bị đình chỉ XK nếu khách hàng nước ngoài có được các thông tin.

Giới chuyên gia lưu ý trong việc soạn thảo QCVN mới về nước thải công nghiệp có liên quan đến chế biến thuỷ sản, vấn đề giữ sạch môi trường cần có lộ trình nhất định, nên tham khảo các chỉ tiêu về môi trường với những quốc gia có điều kiện phát triển kinh tế tương đồng (như Thái Lan hoặc Indonesia) thay vì tham khảo các chỉ tiêu từ các nước phát triển. Bởi điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức cạnh tranh của thuỷ sản chế biến của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đặc biệt là cần áp dụng lộ trình thực hiện 10 năm cho QCVN mới theo thông lệ quốc tế (như trường hợp của Mỹ và một số nước) để có thời gian cho phép DN chế biến thuỷ sản chuyển đổi công nghệ, đầu tư và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải của nhà máy.

Lo bất cập nhãn hàng hóa

Trong góp ý mới đây đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chỉ ra một quy định có thể gây khó cho DN XK.

Đơn cử như ghi nhãn với hàng XK, ở Điều 1.6 Dự thảo (sửa đổi Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP) quy định nội dung về xuất xứ hàng hóa của hàng hóa XK phải tuân thủ quy định về ghi xuất xứ theo Điều 1.7 Dự thảo (sửa đổi Điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP). 

VCCI cho rằng nên xem xét lại. Thứ nhất, quy định này chưa rõ DN phải thực hiện ghi xuất xứ bằng ngôn ngữ nào. Nếu chiếu theo đúng ngôn ngữ tại Điều 1.7 Dự thảo thì DN phải ghi các từ thể hiện xuất xứ bằng tiếng Việt, mà như vậy là không phù hợp, vì DN khó có thể in một nội dung lên nhãn chỉ để phục vụ cho việc kiểm tra ở Việt Nam, trong khi thị trường đích lại ở nước ngoài.

Thứ hai, quy định này chưa rõ trong trường hợp pháp luật của nước XK có quy định về cách ghi xuất xứ hàng hóa khác quy định tại Dự thảo. Việc này có thể gây khó khăn cho DN trong việc đáp ứng các quy tắc về ghi nhãn hàng hóa cho sản phẩm XK.

Ngoài ra, liên quan đến việc ghi nhãn với hàng hóa XK chuyển sang lưu thông trên thị trường, ở Điều 1.4 Dự thảo bãi bỏ các quy định về ghi nhãn với hàng hóa không XK được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường.

Theo lý giải của cơ quan soạn thảo, việc bãi bỏ các quy định trên nhằm tránh việc gian lận thương mại, gian lận xuất xứ. Tuy nhiên, như lưu ý của VCCI thì “việc không có quy định cụ thể như vậy có thể khiến DN gặp khó khăn vì không biết phải thực hiện ghi nhãn như thế nào, trong khi Điều 9.3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP yêu cầu các hàng hóa trên khi đưa ra lưu thông phải được dán nhãn”.

Bên cạnh đó, việc ghi nhãn với hàng hóa nhập khẩu (NK) trong Dự thảo mới cũng là điều mà DN băn khoăn. Ở Điều 1.6 Dự thảo (sửa đổi Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP) quy định nhãn gốc của hàng hóa NK phải có thông tin về DN chịu trách nhiệm về hàng hóa. 

Theo VCCI, quy định này là không khả thi và gây khó khăn rất lớn cho các DN NK. Lý do là Điều 12.2 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định DN NK là người chịu trách nhiệm về hàng hóa; khi đó, thông tin của DN NK sẽ phải được in trên nhãn gốc (bằng tiếng nước ngoài). 

“Việc này là không khả thi vì nhãn cho hàng hóa được sản xuất và dán đại trà cho sản phẩm đó và thường không phân biệt thị trường, chứ không được sản xuất dành riêng cho từng nhà NK. Kể cả trong trường hợp thiết kế riêng, chi phí thực hiện cũng rất lớn, qua đó tác động đến giá thành sản phẩm và ảnh hưởng đến nhu cầu, lợi ích của người tiêu dùng”, VCCI nhấn mạnh.

Theo Vnbusiness

Chia sẻ bài viết

Thong ke