Như ngồi trên tàu lượn siêu tốc, tôi từng hưng phấn, đau tim, choáng váng khi tham gia chứng khoán Việt Nam.
Tôi đến với VN-Index sau khi được một bạn nước ngoài giới thiệu đầu năm 2018. Dù không làm trong lĩnh vực tài chính, kênh đầu tư này khiến tôi thích thú. Tôi học một khóa trực tuyến về chiến lược đầu tư rồi đăng ký mở tài khoản tại công ty chứng khoán.Tôi bắt đầu giao dịch đúng thời điểm VN-Index lên đỉnh lịch sử vào tháng 4/2018 rồi thình lình lao dốc không phanh. Trải qua cú sốc chỉ số từ 1.204 xuống 892, tài khoản của tôi, gồm số tiền tiết kiệm trong nhiều năm, bị cháy rụi. Tôi hoang mang nhưng quyết cắn răng chịu đựng, không bán.
Phía sau mỗi cổ phiếu là một doanh nghiệp. Tôi đầu tư vào giá trị của nó, còn giá cổ phiếu lên hay xuống là chuyện bình thường, sớm muộn nó phải hồi phục.
Thị trường lại sập ''trắng bên mua'' khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020. Tài khoản của tôi lại chìm vào thua lỗ, nhưng tôi chỉ đứng ngoài và giữ bình tĩnh bằng niềm tin. Nhiều người đã vội bán cắt lỗ, mất tiền tỷ. Ngược lại, một số người tận dụng cơ hội nhảy vào chứng khoán, mua giá thấp, sau đó lãi đậm. Thị trường hồi phục ngoạn mục như bạn thấy, và tài khoản của tôi cũng tăng đáng kể, bù đắp đầy đủ cho hai năm vốn âm.
Giai đoạn 2020-2021 là chiến thắng rực rỡ của các nhà đầu tư Việt Nam khi VN-Index lọt vào top chỉ số tăng mạnh nhất châu Á. Thời điểm này cũng chứng kiến sự trỗi dậy của nhà đầu tư cá nhân F0 - một sức mạnh mới. ''Khối ngoại càng xả, F0 ta càng cân'', tôi nghe nhiều người nói, giọng đầy tự hào. Bởi bất chấp khối ngoại bán ròng liên tục, VN-Index vẫn băng băng tiến về phía trước. Giờ nó đã khỏe mạnh, đã trưởng thành, không còn phụ thuộc vào dòng tiền bên ngoài.
Thú vị thay, cú sốc Covid-19 đã làm cho chứng khoán tỏa sáng và thu hút thêm dòng tiền, sự chú ý của công chúng. Đại dịch căng, giãn cách diện rộng, kiếm tiền khó hơn, ít kênh đầu tư nên tiền càng chảy vào chứng khoán. Nhiều người không đi làm, quay sang chứng khoán để "bù đắp thu nhập", ngày nào cũng dán mắt vào bảng điện. Số tài khoản mới phá kỷ lục khiến hệ thống giao dịch cũng lao đao vì quá tải. HoSE hôm qua đã phải ngừng giao dịch.
Nhiều người đang nghĩ rằng, "đánh chứng", chơi Bitcoin, forex có vẻ dễ hơn đi làm thuê, ngồi văn phòng và làm đến kiệt sức. Cơn sốt chứng khoán lan truyền, nhóm tư vấn, diễn đàn mọc như nấm, truyền tai nhau cổ phiếu nào sắp có ''game'' hay ''phím hàng''. Nghe hàng xóm khoe lãi, nhiều người càng sốt ruột, càng muốn ăn ngay. Họ mua bán theo cảm tính hay tin đồn, hùa theo ''chuyên gia'' nọ kia trên các diễn đàn, không đa dạng hóa danh mục.
Họ lướt sóng, "đánh chứng" như đánh bạc hay chơi xổ số. Non kinh nghiệm, thiếu kiến thức, không tìm hiểu về thị trường nhưng vẫn tự tin rót vốn. Nhưng nuôi ảo vọng như vậy chẳng khác gì phó mặc tiền cho may rủi. Không ăn may thì "đu đỉnh", vứt dép chạy khi thị trường sập, kêu oan bị ''kẹp hàng'' và ''củi lửa'', bị đội lái ''lùa gà'' và ''úp bô''. Bên cạnh một tư duy nguy hiểm, họ còn giúp tôi nhận ra: tiếng Việt vô cùng giàu hình ảnh.
Khi nói về rủi ro của đầu tư chứng khoán, lại có người hay đưa ra thống kê rằng 90% nhà đầu tư đều thua lỗ. Tôi xin làm rõ, con số này chỉ đúng trong trường hợp các nhà mua - bán trong ngày và không bao gồm các quỹ, nhà đầu tư dài hạn. Cũng theo thống kê của một công ty chứng khoán, 40% nhà đầu tư từ bỏ chứng khoán trong tháng đầu và 80% từ bỏ trong hai năm đầu. Điều này chứng minh rằng nhiều F0 nhảy vào thị trường với ham muốn giàu nhanh.
Người Việt vẫn tin rằng ''phi thương bất phú'' - muốn làm giàu phải kinh doanh. Nhưng để khởi nghiệp thành công, bạn phải đáp ứng rất nhiều yếu tố: có vốn, đam mê, lòng kiên trì, vô vàn kiến thức, kỹ năng nền tảng và chuyên môn, có đội ngũ và quan hệ xã hội. Và thật nhiều may mắn. Thế nhưng, thống kê cho thấy khả năng thất bại khi khởi nghiệp lên tới khoảng 70%-80%. Mọi việc đầu tư đều chứa đựng rủi ro, chứng khoán không phải ngoại lệ.
Đó là lý do tôi cho rằng, chứng khoán là kênh đầu tư phù hợp với người kiên trì, sẵn sàng học hỏi và biết quan sát. Nó có lẽ là con đường đầy chông gai và nhiều bài học xương máu, nhưng với tôi, nó cũng là đam mê, một cách tuyệt vời để thử sức bản thân. Bên cạnh đó, chứng khoán giúp tôi tìm hiểu sâu hơn về kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam. Đó là nhóm kiến thức nền tảng ai cũng nên có.
Khi nghe tôi kể về chứng khoán, nhiều bạn bè phản ứng theo định kiến phổ biến. Họ cảnh báo tôi không nên liều ''dính'' vào chứng khoán vì là ''trò chơi bẩn của tay to, đội lái'', nó dựa trên ''số liệu ảo'', khả năng tôi sẽ làm mồi cho "cá mập" và mất sạch tiền rất lớn.
Tôi hy vọng rằng cách nghĩ này sẽ thay đổi. Chính phủ sẽ tìm cách cải thiện năng lực của thị trường chứng khoán, sự tín nhiệm của người dân vào chứng khoán và bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ, làm cho thị trường thêm minh bạch, lành mạnh. Chúng đều là những việc cần làm ngay.
Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, một nửa số hộ dân đầu tư vào chứng khoán. Tại Việt Nam, mới có hơn 2% dân số tham gia thị trường chứng khoán. Đó là lý do tôi cho rằng, kênh đầu tư chứng khoán sẽ là xu hướng chủ chốt trong tương lai.
"Cuộc tình" của tôi với chứng khoán cho tới hôm nay vẫn ổn. Chúng ta nên gạt định kiến rằng chứng khoán chỉ dành cho người giàu, nhà đầu cơ hay kẻ trong cuộc. VN-Index có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế, hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp và cả nước.