Cuộc 'chạm mặt' căng thẳng báo hiệu tương lai Mỹ - Trung
08:26 20/03/2021
Cuộc gặp Mỹ - Trung ở Alaska ban đầu được cho là cơ hội cải thiện quan hệ hai nước, nhưng kết quả nhiều khả năng không như kỳ vọng.
Khi cuộc gặp giữa quan chức cấp cao Mỹ - Trung tại Alaska tuần này lần đầu được tiết lộ, không ít người lạc quan rằng đây có thể đánh dấu khởi đầu mới cho mối quan hệ hai nước, sau thời gian lao dốc trong nhiệm kỳ của cựu tổng thống Donald Trump.
Tháng trước, sau cuộc điện đàm đầu tiên giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói "trong vài năm qua, mối quan hệ Mỹ - Trung đã chệch hướng và đối mặt với nhiều khó khăn nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ".
Ông Vương kêu gọi hai nước tái thiết quan hệ, trong khi truyền thông nhà nước Trung Quốc suy đoán cuộc gặp ở Alaska có thể mang tới cơ hội đó. Nhưng khi cuộc gặp sắp diễn ra, cả hai bên bắt đầu báo hiệu rằng cơ hội thỏa hiệp rất nhỏ, đánh giá thấp khả năng quan hệ hai nước có tiến triển. Đỉnh điểm là hôm 17/3, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cho biết ông "không kỳ vọng nhiều vào cuộc gặp mặt ở Alaska".
Tuy nhiên, đại sứ Thôi Thiên Khải thậm chí vẫn có thể bất ngờ với khởi đầu đầy căng thẳng của cuộc gặp mặt tại Alaska. Sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cam kết sẽ đưa ra "những quan ngại sâu sắc" của chính quyền Biden với một số hành động của Trung Quốc, quan chức ngoại giao hàng đầu của Bắc Kinh Dương Khiết Trì lập tức phản pháo.
Ông Dương cảnh báo Mỹ dừng can thiệp vào "công việc nội bộ" của Trung Quốc và nói rằng Washington nên "dừng thúc đẩy nền dân chủ với phần còn lại của thế giới", khi chỉ ra nhiều người Mỹ "thực sự không mấy tin tưởng" vào nền dân chủ của chính nước này.
Phát biểu của ông Dương Khiết Trì đã vượt quá thời hạn hai phút mà quan chức hai bên đã thống nhất trước thềm hội đàm. Trước mặt báo giới, Blinken đã kiên quyết bác bỏ việc Trung Quốc cáo buộc ông "trịch thượng".
Trong bài viết được đăng tải vài giờ sau phiên gặp mặt đầu tiên, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV nói bài phát biểu khai mạc của phía Mỹ đã "vượt quá thời gian giới hạn một cách nghiêm trọng" và "khơi mào mâu thuẫn" khi "tấn công vô căn cứ" vào chính sách đối nội, đối ngoại của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, những cuộc trao đổi kín giữa hai nước có vẻ tốt đẹp hơn. Một quan chức cấp cao Nhà Trắng nói rằng phiên họp đầu tiên diễn ra một cách "thực chất, nghiêm túc và trực tiếp".
"Chúng tôi đã sử dụng phiên họp để trình bày các lợi ích và ưu tiên như dự định. Chúng tôi cũng lắng nghe những điều tương tự từ phía đối tác Trung Quốc", quan chức Mỹ nói trước khi bắt đầu phiên họp thứ hai trong ngày 18/3. Phiên họp cuối cùng dự kiến bắt đầu vào sáng 19/3 theo giờ địa phương.
Kể từ khi Biden đắc cử vào cuối năm ngoái, Bắc Kinh đã tuyên bố rõ mong muốn cải thiện quan hệ với Washington, nhưng cũng có những điều kiện riêng. Dù danh tiếng toàn cầu của Trung Quốc đã bị tổn hại bởi Covid-19, quốc gia này hầu như không bị thiệt hại về kinh tế và thậm chí vị thế chính trị trong nước còn được củng cố vững chắc hơn.
Từ năm 2010, Trung Quốc đã kêu gọi xây dựng "mô hình quan hệ giữa các cường quốc mới", nhưng phần lớn bị Mỹ phản đối. Biden có lẽ là tổng thống Mỹ đầu tiên phải đối mặt với một Bắc Kinh xem họ ở cùng sân chơi bình đẳng với Washington, chứ không phải đối tác "dưới cơ".
Trong bài viết đăng đầu tháng này, trang tin nhà nước China Daily nói "đặt nhiều hy vọng chính quyền Biden sẽ hợp tác với Trung Quốc để đưa mối quan hệ song phương trở lại đúng hướng".
Dù Trung Quốc luôn nói muốn mối quan hệ ổn định, các động thái cứng rắn của chính quyền Trump như thuế quan, lệnh trừng phạt hay áp lực ngoại giao cũng cho thấy Trung Quốc có thể làm nhiều hơn những gì Mỹ làm, theo James Griffiths, biên tập viên CNN.
Sau khi Biden tuyên bố có cuộc điện đàm "cứng rắn" với ông Tập tháng trước, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã mô tả cuộc thảo luận cấp cao theo cách rất khác, trong đó ông Tập bác bỏ lo ngại của Mỹ về Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan, nói rằng "phía Mỹ nên tôn trọng lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và hành động thận trọng".
Bắc Kinh có thể hy vọng quan hệ hai nước giống như thời điểm chính quyền Barack Obama, người quan điểm cứng rắn với Trung Quốc và muốn "xoay trục" sang châu Á, nhưng mối quan hệ kinh tế giữa hai nước không bị ảnh hưởng nhiều.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Blinken đã báo hiệu điều này khó có thể xảy ra dưới chính quyền Biden. Ông xem quan hệ Mỹ - Trung là "thử thách địa chính trị lớn nhất thế kỷ 21" và đã kêu gọi đồng minh khu vực cùng chống lại Bắc Kinh ngay trước thềm cuộc gặp ở Alaska.
Phát biểu tại Tokyo, Blinken cam kết Mỹ sẽ đẩy lùi bất kỳ hành động "gây hấn hoặc ép buộc" nào của Trung Quốc. Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi, nói "trật trự thế giới tự do và rộng mở đang bị thách thức bởi nỗ lực thay đổi thực trạng" của Trung Quốc, thêm rằng Tokyo và Washington nhất trí bắt Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về những hành vi của họ.
Thông điệp tương tự cũng được đưa ra ở Seoul, khi Tổng thống Moon Jae-in nói Hàn Quốc và Mỹ sẽ "tiếp tục cùng nhau hành động để giải quyết các thách thức chung".
Mối quan hệ giữa Mỹ với hai đồng minh Nhật, Hàn cũng có những rạn nứt do nhiều chính sách khó đoán định của Trump. Trong bài phát biểu tuần này, Tổng thống Moon dường như chỉ trích Trump khi nói ông hoan nghênh "trở lại ngoại giao và liên minh" với Mỹ.
Quan hệ giữa Mỹ với Hàn Quốc và Nhật Bản được củng cố vững chắc có thể khiến Bắc Kinh lo ngại. Đặc biệt, Ấn Độ, quốc gia thường trung lập trong mối quan hệ Mỹ - Trung, gần đây đã xích lại gần hơn với Washington, sau căng thẳng biên giới với Trung Quốc.
Biden tuần trước đã lần đầu họp thượng đỉnh với lãnh đạo Bộ Tứ, gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ và ra tuyên bố chung "cam kết duy trì khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, an toàn và thịnh vượng", được xem như thông điệp gửi tới Bắc Kinh.
Dù không phải liên minh quân sự chính thức như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Bộ Tứ (Đối thoại An ninh Tứ giác) được coi là đối trọng tiềm năng đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Hàn Quốc đang được đề xuất tham gia nhóm Bộ Tứ, nhằm củng cố vững chắc thêm liên minh này.
Bộ Tứ đã bị Bắc Kinh chỉ trích là liên minh chống Trung Quốc và nếu trở thành một liên minh gắn kết hơn, nó có thể thực sự tác động tới chính sách của quốc gia này. Khi cuộc hội đàm ở Alaska dường như không thể khiến mối quan hệ Mỹ - Trung được cải thiện, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể thấy e ngại vì những kịch bản như vậy, theo James Griffiths.