Thursday, 21/11/2024

Cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung đầu tiên: “Ném đá dò đường”

09:08 19/03/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Cuộc gặp lần này được cho là nhằm thăm dò ý đồ và những quan tâm của mỗi bên, làm cơ sở hoạch định chiến lược và sách lược để duy trì vị thế của mình.

Trước cuộc gặp tại Alaska, cả Mỹ và Trung Quốc đều tỏ ra rất thận trọng khi không công bố thông tin chi tiết về chương trình nghị sự, đồng thời phía Mỹ còn cho biết sẽ không có tuyên bố chung với bất kỳ thỏa thuận lớn nào. Có một số lý do khiến Mỹ và Trung Quốc thận trọng trước cuộc gặp lần này.

Các quan chức Mỹ - Trung tại phiên khai mạc cuộc gặp cấp cao ở Alaska. Ảnh: AFP
Các quan chức Mỹ - Trung tại phiên khai mạc cuộc gặp cấp cao ở Alaska. Ảnh: AFP

"Ném đá dò đường"

Dù Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã điện đàm với ông Dương Khiết Trì ngày 05/02, Tổng thống Joe Biden cũng đã điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 10/02, song đây là lần đầu tiên các quan chức cấp cao của hai nước gặp trực tiếp.

Cuộc gặp lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đã “chạm đáy” trong năm 2020, sau khi đã xấu đi đều đặn trong 3 năm đầu của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Bốn quan chức tham dự cuộc gặp lần này chẳng xa lạ gì nhau, bởi họ từng ít nhiều tương tác với nhau dưới chính quyền Tổng thống Barack Obama. Nhưng Trung Quốc hiện tại đã khác rất nhiều so với thời điểm cách đây hơn bốn năm, khi kết thúc chính quyền Obama-Biden.

Trung Quốc tiếp tục giữ vững vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đang được dự báo trở thành nền kinh tế số một thế giới vào năm 2028, sớm hơn 5 năm so với ước tính trước đây. Trung Quốc cũng đã xác lập được vị thế tại hầu hết các khu vực trên toàn cầu và nắm giữ vị trị lãnh đạo tại nhiều định chế quốc tế. Sức ảnh hưởng của Bắc Kinh ngày càng lớn cả về kinh tế-thương mại, cũng như quyền lực mềm.

Trái lại, vị thế của Washington đã bị suy giảm nhiều trong những năm gần đây, mà nguyên nhân chính là việc cựu Tổng thống Donald Trump quyết định từ bỏ vai trò dẫn dắt, lãnh đạo của Mỹ ở nhiều khu vực trọng yếu trên thế giới, cũng như trong các tổ chức quốc tế. Do vậy, cuộc gặp lần này được cho là nhằm thăm dò ý đồ và những quan tâm của mỗi bên, làm cơ sở hoạch định chiến lược và sách lược để duy trì vị thế của mình.

Đến thời điểm này, cuộc gặp thứ nhất giữa hai bên đã diễn ra. Theo kế hoạch, giới chức hai nước dự kiến còn gặp nhau hai lần nữa vào chiều và đêm 19/3 (theo giờ Hà Nội). Tuy nhiên, chưa có chi tiết nào về cuộc gặp đầu tiên được tiết lộ.

Triển vọng hợp tác Mỹ-Trung

Không chỉ có Ngoại trưởng Blinken, mà cả cựu Ngoại trưởng John Kerry, hiện là Đặc phái viên của Tổng thống Joe Biden về biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen,… đều đã nhắc tới các khía cạnh có thể hợp tác với Trung Quốc. Trước tiên là cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, ngăn chặn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm mới trong thời gian tới và đảm bảo an ninh y tế toàn cầu.

Tiếp theo là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy cuộc cách mạng năng lượng xanh, vốn là một trong 8 ưu tiên chính sách đối ngoại của chính quyền Biden. Cuối cùng, phía Mỹ cũng kỳ vọng có thể hợp tác với Trung Quốc trong tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên, cũng như chương trình hạt nhân của Iran. Tựu chung lại, quan hệ Mỹ-Trung hiện trong trạng thái đối đầu căng thẳng và toàn diện, song vẫn có dư địa cho hợp tác ở một số khía cạnh nêu trên. Vấn đề đặt ra ở đây là liệu hai bên có tận dụng những cơ hội nhỏ đó và thể hiện thiện chí hợp tác để giải quyết những vấn đề cùng quan tâm hay không.

Trong khi đó, giới quan sát nhận định, phía Trung Quốc sẽ tiếp tục đưa ra những đề xuất “sáo rỗng và nhạt nhẽo” như “hợp tác cùng thắng”, hay thiết lập một mô hình mới cho “quan hệ giữa hai cường quốc”. Tuy vậy, phía Mỹ thừa hiểu những cam kết mà Trung Quốc đưa ra thường không gắn liền với hành động thực tế. Đơn cử, dù tuyên bố tham gia nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu, Trung Quốc đang xây dựng các nhà máy nhiệt điện than nhiều hơn phần còn lại của thế giới, hay tìm cách đẩy các dây chuyền sản xuất lạc lậu và gây ảnh hưởng lớn tới môi trường sang các nước kém và đang phát triển.

Đáng lưu ý, phát biểu với báo giới ngày 12/03 vừa qua, Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan tuyên bố, chính quyền của Tổng thống Joe Biden không có bất kỳ “ảo tưởng” nào về Trung Quốc, ám chỉ việc tìm kiếm các cơ hội hợp tác khi có thể song luôn trong trạng thái cảnh giác trước mọi động thái của Bắc Kinh. Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện tuần trước, Ngoại trưởng Antony Blinken cũng quả quyết rằng Chính quyền Tổng thống Biden sẽ không “nhượng bộ” Bắc Kinh để đối lấy hành động nhiều hơn từ phía Trung Quốc trong cuộc chiến chống nóng ấm toàn cầu./.

Theo VOV

 

Chia sẻ bài viết

Thong ke