Wednesday, 04/12/2024

Mỹ - Trung đấu khẩu gay gắt “không ai chịu ai”: Vạn sự khởi đầu nan?

10:07 19/03/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung ở Alaska ngay từ trước khi diễn ra đã không được kỳ vọng cao nhưng sau 1 ngày trao đổi, sự kiện này thậm chí có thể trở thành cuộc đấu khẩu không hồi kết giữa 2 nước.

Mỹ - Trung đấu khẩu gay gắt

Các hành động của Trung Quốc đã "đe dọa đến trật tự dựa trên các quy tắc được thiết lập để duy trì sự ổn định toàn cầu", Ngoại trưởng Antony Blinken nhận định trong cuộc họp cấp cao Mỹ - Trung ngày 18/3 ở Alaska, Mỹ.

Cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung ở Alaska, Mỹ ngày 18/3 (giờ địa phương). Ảnh: AFP
Cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung ở Alaska, Mỹ ngày 18/3 (giờ địa phương). Ảnh: AFP

Phía Mỹ sẽ "thảo luận về những mối lo ngại sâu sắc của chúng tôi về những hành động của Trung Quốc, trong đó có vấn đề Tân Cương", ông Antony Blinken cho hay. Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh Washington sẽ trao đổi cả về các vấn đề như "Hong Kong, Đài Loan, các cuộc tấn công mạng nhằm vào Mỹ và các hành vi cưỡng ép kinh tế với các đồng minh của chúng tôi".

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan thì khẳng định rằng Mỹ không muốn xung đột với Trung Quốc nhưng sẵn sàng cạnh tranh gay gắt với kẻ thù chiến lược này.

Ông Sullivan cảnh báo: "Chúng tôi sẽ luôn đấu tranh cho những nguyên tắc, cho người dân của chúng tôi và bạn bè của chúng tôi".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã dành bài phát biểu 15 phút của mình để chỉ trích những nhận định của Mỹ. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc đe dọa sẽ sử dụng "các hành động cứng rắn" nhằm chống lại "sự can thiệp của Mỹ" và kêu gọi chấm dứt cái gọi là "tinh thần Chiến tranh Lạnh".

"Trung Quốc phản đối sự can thiệp của Mỹ vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Chúng tôi bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ trước sự can thiệp này và chúng tôi sẽ tiến hành các hành động cứng rắn để phản ứng lại".

"Những điều chúng tôi cần là phía Mỹ hãy từ bỏ tinh thần Chiến tranh Lạnh và một cuộc chơi có tổng bằng 0 này", ông Vương Nghị tuyên bố.

Một quan chức cấp cao Mỹ sau đó đã chỉ trích, Trung Quốc đến hội nghị lần này với ý định biến sự kiện này thành một "sân khấu" để nước này "diễn kịch" thay vì nỗ lực đạt được những kết quả thực chất. Quan chức trên cũng cho rằng điều đó được thể hiện rõ qua việc ông Vương Nghị vi phạm quy định với một bài phát biểu dài thay vì đưa ra một bài phát biểu ngắn trong 2 phút như đã thỏa thuận trước đó. Các tuyên bố từ phía Mỹ và Trung Quốc cuối cùng đã kéo dài hơn 1 tiếng.

“Đối thoại chiến lược” hay cuộc gặp một lần?

Mỹ khẳng định chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng nước này trước cuộc gặp với các quan chức Trung Quốc, cũng như việc trao đổi với châu Âu, Ấn Độ và các đối tác khác đã cho thấy Mỹ muốn đẩy mạnh mặt trận chống Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức hồi tháng 1/2021.

Trên thực tế, cả Mỹ và Trung Quốc hầu như đạt được rất ít sự đồng thuận trong các cuộc trao đổi ngày tối 18/3 ở Anchorage, Alaska (giờ địa phương) và hai bên sẽ tiếp tục thảo luận thêm vào ngày kế tiếp.

Thậm chí, bản chất của cuộc gặp này cũng là một điểm gây tranh cãi khi Trung Quốc cho rằng đây là "cuộc đối thoại chiến lược" đưa quan hệ song phương giữa 2 nước trở lại đúng hướng. Tuy nhiên, Mỹ đã nhanh chóng bác bỏ điều này và gọi đây là phiên họp một lần, chứ không phải khởi đầu của hàng loạt cuộc họp tương tự sau này.

Trước cuộc gặp ở Alaska, Mỹ đã có hàng loạt động thái nhằm vào Trung Quốc trong đó có việc tước giấy phép của một số công ty viễn thông Trung Quốc, đưa một số công ty công nghệ thông tin Trung Quốc ra hầu tòa vì những lo ngại về an ninh quốc gia cũng như trừng phạt hàng loạt quan chức nước này liên quan đến vấn đề Hong Kong.

"Chúng tôi nghĩ phần lớn cuộc trao đổi sẽ diễn ra khá khó khăn", một quan chức trong chính quyền Mỹ nhận định với báo giới trước khi cuộc gặp ở Alaska bắt đầu.

Mỹ cho biết nước này sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc ở những khía cạnh gắn với các lợi ích của Mỹ, chẳng hạn như cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19. Ngày 18/3, ông Blinken cho biết Washington hy vọng Bắc Kinh sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình với Triều Tiên để thuyết phục nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Trong khi ông Blinken cam kết sẽ nêu những vấn đề như Hong Kong, Đài Loan và Tân Cương trong cuộc gặp ở Alaska thì Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định những vấn đề trên là những vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia cốt lõi của Trung Quốc và Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ sự can thiệp của Washington vào các công việc nội bộ của nước này.

"Mỹ nên tự giải quyết các vấn đề nội bộ của mình và Trung Quốc cũng vậy", ông Vương Nghị khẳng định.

Ngoại trưởng Trung Quốc cũng cho rằng: "Như Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói, trong mối quan hệ với Mỹ, chúng tôi hy vọng sẽ không có đối đầu, không có xung đột mà chỉ có sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng (win-win)"./.

Theo Kiều Anh/ VOV

Chia sẻ bài viết

Thong ke