Huawei "ngã ngựa" để lại khoảng trống lớn tại thị trường Trung Quốc, nhưng các thương hiệu nội địa không đủ sức thâu tóm, để thị phần rơi vào tay Apple.
Việc Huawei rút khỏi mảng smartphone đã mang đến cho các hãng di động Trung Quốc cơ hội có một không hai. Ngoài tiềm năng mở rộng thị trường, đây còn là thời điểm tốt để Xiaomi, Oppo, Vivo, Realme... tiến lên phân khúc cao cấp, phục vụ nhóm khách hàng nhiều tiền mà Huawei để lại. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất trong quý I/2021 cho thấy không hãng di động nội địa nào đủ khả năng thay thế Huawei.
Theo thống kê của Strategy Analytics, 25% doanh thu của thị trường smartphone toàn cầu đến từ nhóm cao cấp với giá bán trên 900 USD. Samsung và Apple là hai tên tuổi đang thống trị phân khúc này. "Các thương hiệu nội địa Trung Quốc đang cố gắng cạnh tranh trong phân khúc 300 USD trong khi nhóm từ 600 USD, Apple và Samsung đang phân chia thị trường. Tại Trung Quốc, iPhone 12 gần như không có đối thủ", Wu Yiwen, nhà phân tích của Strategy Analytics nói với Sina.
Ngay cả Xiaomi - ngôi sao sáng của ngành di động Trung Quốc với tham vọng tiến lên phân khúc cao cấp cũng không tạo được nhiều đột phá đáng kể. Thống kê cho thấy trong quý I/2021, khoảng 16% smartphone của Xiaomi đang bán trên thị trường có giá 600 - 900 USD.
Trong khi đó, doanh thu của Apple tại Trung Quốc trong quý vừa qua đã tăng 87% so với cùng kỳ năm ngoái. iPhone 12 đang là chiếc iPhone phổ biến nhất tại đất nước tỷ dân này. Model này có giá từ 699 đến 1.099 USD. Theo Sina, tốc độ tăng trưởng của những mẫu iPhone trong tầm giá 600 đến 800 USD tại Trung Quốc đạt 196%, trong khi iPhone giá trên 1.000 USD tăng 260% trong một năm qua.
Mặc dù thời gian qua, Apple gặp nhiều làn sóng tẩy chay từ Trung Quốc, di động của họ vẫn được người dùng săn đón khi ra mắt. Ngay khi những chiếc iPhone 12 chưa thể cạnh tranh được với smartphone nội địa có 5G, mạng 4G của Apple cũng đủ giúp hãng chiếm 44% thị phần smartphone cao cấp trong quý đầu năm 2021.
Theo giới phân tích, iOS là một trong những vũ khí quan trọng giúp Apple trở nên khác biệt. Ngoài ra chip A-series do hãng tự phát triển cũng mang đến khả năng tương thích cao cho các dòng iPhone, đảm bảo tính nhất quán trong trải nghiệm người dùng. Wu Yiwen, cho rằng một mặt Apple biết cách "gây khó dễ" cho người dùng iPhone chuyển sang Android. Mặt khác, những điều khoản về bảo mật, quyền riêng tư của người dùng trên hệ điều hành iOS luôn được đánh giá cao hơn trên hệ điều hành mở Android.
Trong bối cảnh thị trường smartphone toàn cầu bị ảnh hưởng bởi thương chiến Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19, Apple vẫn quản lý tương đối tốt chuỗi cung ứng. Gần đây một số tin đồn cho biết hãng đã chuẩn bị sản xuất chip A15 để phát triển iPhone 13 trong khi các hãng smartphone nội địa trong nước vẫn đang lúng túng với bài toán thiếu chip, đứt gãy nguồn cung và tăng giá sản phẩm.
Theo Sina, thị trường smartphone trên 1.500 USD có tiềm năng tiêu thụ được khoảng 300.000 thiết bị mỗi năm. Tuy nhiên, hiện chỉ hơn 10.000 mẫu được bán ra, nhu cầu của thị trường vẫn còn rất lớn. Trong bối cảnh khủng hoảng về chip và các thương hiệu nội địa vẫn còn non trẻ, Apple vẫn sẽ chiếm phần lớn thị phần trong bối cảnh di động của Samsung không còn đựa ưa chuộng tại đất nước tỷ dân.
Một khó khăn khác với smartphone Trung Quốc là dù ở trong nước hay ngoài nước, người dùng vẫn e ngại khi trả một khoản tiền lớn cho smartphone "made in China". Huawei gần như là thương hiệu duy nhất thuyết phục được người dùng mua smartphone cao cấp mang thương hiệu Trung Quốc, nhưng chỉ một thời gian ngắn, những nỗ lực đó đã tan biến. Ban đầu, nhiều hãng di động Trung Quốc tỏ ra phấn khích khi Huawei rút lui, để lại một thị phần lớn. Các hãng đi động mới nuôi hy vọng có thể nhanh chóng đánh chiếm thị phần, tạo đà bứt phá trên thị trường quốc tế. Nhưng cuối cùng, những doanh số bán hàng cho thấy, họ đã bị Apple giành mất thị trường ngay trên sân nhà.