Saturday, 23/11/2024

Doanh nghiệp dùng công nghệ để 'chăm thượng đế' mùa dịch

13:35 31/05/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Covid-19 khiến khách hàng thay đổi hành vi, thậm chí khó "chiều" hơn, buộc các doanh nghiệp phải nâng cấp công nghệ để chăm sóc "thượng đế".

Bên cạnh hệ thống các trung tâm, cửa hàng thực tế, kênh website của Thiên Hòa giờ bày các sản phẩm điện máy, điện tử với giao diện khá trực quan, với các công nghệ hỗ trợ khách hàng thu phóng, xem phối cảnh minh họa chức năng sản phẩm. Nếu họ mua online, sẽ có thêm các ưu đãi dành riêng và giao trong 4 giờ.

Chia sẻ với VnExpress, ông Trần Nguyên Tuấn Anh, Giám đốc Kinh doanh Thiên Hòa cho biết công ty cũng đã hoàn thành nâng cấp các tính năng hỗ trợ thông minh, áp dụng công nghệ 4.0 cho hệ thống chăm sóc khách hàng qua tổng đài và các nền tảng xã hội. Ông nói, việc đầu tư công nghệ, phát triển kinh doanh trực tuyến thực chất là chiến lược từ trước và "có mức ngân sách đầu tư lớn". Nhưng Covid-19 thực sự là cơ hội để chuyển đổi nhanh hơn.

Theo ông Anh, chuyển mình đầu tư vào công nghệ, áp dụng công nghệ 4.0 là một tất yếu của xu hướng phát triển kinh tế và xã hội. "Thương mại điện tử và công nghệ số là một thị trường đầy tiềm năng tại Việt Nam. Khi đại dịch ập tới, một lần nữa nó kích thích các doanh nghiệp phải thật sự nghiêm túc trong việc đầu tư cũng như linh hoạt để duy trì và phát triển kinh doanh", ông Anh nhận định.

Một số tổng đài viên của VPBank. Ảnh: VPBank.

Hay như kênh tổng đài của VPBank với quyết tâm "lột xác" khỏi quan niệm tổng đài chỉ đơn thuần trả lời các thắc mắc, yêu cầu đơn giản của khách hàng. Để chăm sóc từ xa các khách hàng của mình, nhà băng này đầu tư hệ thống tổng đài thông minh giúp khách hàng tự phục vụ đến 11 dịch vụ mà không cần chờ máy gặp tổng đài viên.

Theo đó, khách gọi đến có thể tự mình xử lý trọn vẹn một số giao dịch như trả góp - phát hành - rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, chuyển khoản giữa các tài khoản vãng lai, xác nhận thông tin khoản vay, cấp đổi giấy thông hành ôtô thế chấp...

"Hiện tổng đài 24/7 tiếp tục nghiên cứu để cho ra những kênh hỗ trợ và công nghệ mới như cổng thông tin chăm sóc khách hàng, nhận diện khách hàng bằng giọng nói và ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI (Callbot, Chatbot)", đại diện ngân hàng này cho biết thêm.

Ngay cả những startup cũng tìm cách dùng công nghệ để tăng trải nghiệm khách hàng. MyStorage thành lập năm 2019, là một đơn vị cho thuê không gian lưu trữ cá nhân đã có 2 cơ sở tại TP HCM.

Hôm 24/5, họ bắt tay cùng nhà cung cấp container Tân Thanh để mở một điểm lưu trữ mới, bằng cách tái sử dụng container thành kho đồ cá nhân, khi nhu cầu thuê kho tăng mạnh mùa dịch. Theo đó, có tới 51 kho chứa riêng với dung tích từ 1-16 mét khối vừa đi vào hoạt động.

Cũng nhằm chăm sóc và chiều chuộng khách tối đa, cơ sở mới không phải một nhà kho truyền thống như nhiều người tưởng tượng. Thay vào đó, hệ thống an ninh tại MyStorage sử dụng tính năng truy cập bằng vân tay, video giám sát và dịch vụ bảo vệ 24/7, với 3 cấp độ riêng tư: ở cửa chính, cửa khu vực và khóa trên mỗi không gian riêng. Với sự hỗ trợ công nghệ đó, người dùng có thể tiếp cận kho 24/7, và sử dụng không gian làm việc chung rộng rãi, có máy lạnh, wifi...

Trong một nhận định gần đây, ông Hoàng Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Phát triển Kinh doanh và Ngành hàng tiêu dùng EY Việt Nam cho rằng, hành vi của khách hàng đã thay đổi với tốc độ chưa từng có vì đại dịch. Do đó, nắm bắt được hành vi của họ là một trong những thách thức kinh doanh lớn và khó lường nhất trong trạng thái "bình thường mới".

Chính vì vậy, một số doanh nghiệp đã thực sự tìm cách nâng cấp công nghệ để chăm sóc "thượng đế" của mình nhằm tránh "xa mặt cách lòng" khi điều kiện gặp gỡ trực tiếp hạn chế hơn vì dịch. Đó là chưa kể xu hướng hành vi thích mua sắm trực tuyến, lòng trung thành và độ rộng của ví tiền cũng đang ảnh hưởng đến họ.

Một góc cơ sở mới của MyStorage với máy lạnh, camera an ninh, bảo mật 3 lớp và wifi cho khách. Ảnh: MyStorage.

YouNetSI, một nhà cung cấp các giải pháp giúp doanh nghiệp kinh doanh và vận hành doanh nghiệp trực tuyến từ xa cho biết, lượng khách hàng của họ đang tăng trưởng bình quân 45-47%, và đặc thù trong mùa Covid-19 còn cao hơn.

Trong một bài nhận định và dự đoán được phát đi hôm 24/5, HP Việt Nam đánh giá những thách thức to lớn hiện nay sẽ mở ra hàng loạt cơ hội mới. Lịch sử đã minh chứng rằng các cuộc khủng hoảng luôn mở ra giai đoạn tăng tốc và phát triển vượt trội. Chỉ trong 3 tháng, thế giới đã chứng kiến những chuyển đổi kỹ thuật số lẽ ra phải mất 2 năm để hoàn thành.

"Tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, các lĩnh vực kinh doanh và xã hội đã và đang nhanh chóng tiếp cận và chuyển sang nền tảng số, mang đến tiềm năng hiếm có cho ngành công nghệ thông tin", bài viết nhận định.

Một trong 5 xu hướng công nghệ ở Việt Nam nửa cuối năm 2021 mà công ty này đưa ra là sự gián đoạn và thay đổi liên tục trong các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ thúc đẩy cuộc đổi mới trong lĩnh vực sản xuất.

Cách mạng công nghiệp 4.0, với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), công nghệ in 3D và nhiều nhân tố khác, đã và đang mang lại những phát kiến và sáng tạo trong lĩnh vực sản xuất nhằm nhanh chóng đáp ứng nhu cầu về sản phẩm liên quan đến đại dịch. "Điều này sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển mô hình sản xuất và kênh phân phối, mang lại những giải pháp mới cho người tiêu dùng". HP Việt Nam nhận định.

Theo đại diện YouNetSI, hiện hầu như doanh nghiệp nào cũng nói về 4.0 và số hoá, nhưng thực sự hiểu để chuyển đổi số nhìn chung vẫn chưa nhiều, do đi từ khái niệm đến thực tiễn sẽ rất khác nhau, tùy từng đơn vị.

"Đầu tiên, doanh nghiệp nên khảo sát nhu cầu 'hot' nhất của mình và triển khai từng phần. Và số hoá là một quá trình chứ không phải là 1-2 dự án, nên cần có lộ trình 3-5 năm", đại điện công ty khuyến nghị.

HP Việt Nam cũng gợi ý, trong bối cảnh hiện nay, giá trị của doanh nghiệp không chỉ được đo lường bằng lợi nhuận mà còn bằng những cam kết đóng góp cho xã hội, hướng đến phát triển toàn diện, bình đẳng và bền vững. Lựa chọn danh mục công nghệ, dịch vụ và giải pháp bền vững, hướng đến mục tiêu nền kinh tế không phát thải khí CO2 là một hướng trong đó.

"Xã hội nói chung và ngành công nghệ nói riêng đang đối diện với những cơ hội chưa từng có. Hậu Chiến tranh thế giới thứ II đã chứng kiến quá trình 'Tăng tốc vượt bậc' trong phát triển đô thị và công nghiệp, và chúng ta hiện tại đang ở một thời điểm quyết định tương tự", ông Nguyễn Minh Đức, Tổng giám đốc HP Việt Nam nói và cho rằng các doanh nghiệp công nghệ thông tin, cần tận dụng cơ hội này để mang lại những giá trị tích cực cho cộng đồng, xã hội.

Theo Vnexpress

Chia sẻ bài viết

Thong ke