Saturday, 23/11/2024

Vĩnh Phúc: Mở rộng sản xuất, nhiều doanh nghiệp "khát" lao động

17:00 10/11/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Đến nay, nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc không những hoạt động trở lại bình thường mà còn tiếp tục mở rộng sản xuất-kinh doanh, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động trẻ ở tỉnh.

Công nhân tại một doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc. (Ảnh: TTXVN)

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tuyển dụng lao động với số lượng lớn.

Đây là những tín hiệu lạc quan bởi sau thời gian dài ảnh hưởng dịch COVID-19, đến nay, nhiều doanh nghiệp tại tỉnh không những hoạt động trở lại bình thường mà còn tiếp tục mở rộng sản xuất-kinh doanh, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động trẻ tại địa bàn, nâng cao đời sống...

Tuyển lao động số lượng lớn

Theo ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Vĩnh Phúc đã và đang tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với những dự án có trình độ khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sản phẩm có giá trị và tính cạnh tranh cao.

Tỉnh ưu tiên các dự án trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, viễn thông, cơ khí, vật liệu mới, công nghiệp hỗ trợ của ngành sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy, điện tử.

Trong 10 tháng, Vĩnh Phúc thu hút 25 dự án FDI và có 32 dự án FDI điều chỉnh vốn với tổng vốn dự án đăng ký cấp mới và điều chỉnh đạt trên 312 triệu USD.

Tính đến tháng 10/2022, số dự án đầu tư còn hiệu lực trong các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc là 443 dự án; trong đó có 347 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 5,7 tỷ USD.

Việc thu hút đầu tư đạt kết quả khá, cùng với việc các doanh nghiệp đang ổn định sản xuất sau chuỗi ngày dài dịch COVID-19, đặc biệt không ít doanh nghiệp mở rộng sản xuất đã và đang tạo ra nhiều cơ hội việc làm.

Nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại Vĩnh Phúc vẫn tiếp tục tuyển dụng nhiều lao động, nhất là lao động phổ thông. Điển hình như Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Vina Korea tại Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên đang cần tuyển 300 công nhân may với mức lương trên dưới 8 triệu đồng/người/tháng; Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Amo Vina Khu công nghiệp Khai Quang chuyên sản xuất một số thiết bị cho điện thoại cần tuyển 500 công nhân, tuổi từ 18-35, mức lương thỏa thuận; Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Bhflex Vina khu công nghiệp Khai Quang, sản xuất linh kiện điện tử cần tuyển hàng trăm lao động cũng có mức lương 7-10 triệu đồng/người/tháng.

Công ty Optrontec Vina ở khu công nghiệp Bá Thiện 2, huyện Bình Xuyên, sản xuất các sản phẩm linh kiện điện tử, cần tuyển 200 lao động với lương 8-10 triệu đồng/người/tháng; Công ty Trách nhiệm Hữu hạn LS Communication Vina, chuyên sản xuất, gia công linh kiện, phụ kiện điện tử dùng cho điện thoại di động và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Interflex Vina đều cùng Khu công nghiệp Bá Thiện, sản xuất linh kiện điện tử tuyển bổ sung cả trăm lao động mức thu nhập thực tế 8-11 triệu đồng/người/tháng…

Ngoài ra, hàng chục doanh nghiệp khác đang hoạt động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn Vĩnh Phúc cũng thông báo tuyển bổ sung lao động và cam kết sẽ đảm bảo tốt các quyền lợi về lương, thưởng, bảo hiểm xã hội và y tế.

Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 8 khu công nghiệp đang hoạt động, các khu công nghiệp này đã thu hút khoảng 112.000 lao động, lao động nữ chiếm 59,2%, mức thu nhập của lao động phổ thông tại các khu công nghiệp từ 7-10 triệu đồng/người/tháng.

Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên hiện thu hút hơn 43.000 lao động; khu công nghiệp Bá Thiện II (Bình Xuyên) thu hút khoảng 21.000 lao động; khu công nghiệp Bình Xuyên, huyện Bình Xuyên thu hút trên 17.200 lao động; khu công nghiệp Bình Xuyên II có hơn 10.300 lao động... Các doanh nghiệp này thành lập từ lâu, sản xuất-kinh doanh ổn định nhưng vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhân lực bổ sung là do mở rộng sản xuất.

Để thu hút lao động có hiệu quả cao, không ít doanh nghiệp coi trong vấn đề đảm bảo ổn định tiền lương, chế độ phúc lợi, tích cực cải thiện điều kiện và môi trường làm việc. Việc giao tiếp, ứng xử, đối thoại, hành vi tôn trọng người lao động... cũng được các lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp quan tâm để giữa người lao động và người sử dụng lao động có sự thân mật, gắn bó gần gũi nhau hơn. Từ đó, người lao động cũng xác định cống hiến hết mình, yêu công việc trong đơn vị hơn và hạn chế được tình trạng bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Khu công nghiệp Bá Thiện II tại huyện Bình Xuyên. (Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN)

Chị Dương Thị Huế, ở khu Vĩnh Tiến, thị trấn Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, tâm sự trước đây, chị từng làm cô giáo mầm non của một trường tại địa phương nhưng thu nhập chưa đảm bảo cuộc sống, hiện chị đã xin ra một doanh nghiệp điện tử tại khu công nghiệp gần nhà, mức thu nhập bình quân của chị Huế trên dưới 10 triệu đồng/tháng.

Theo chị Huế, hiện nay nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh không đặt yêu cầu quá cao với điều kiện học vấn, sức khỏe, đổi tuổi... với lao động phổ thông khi tuyển vào các doanh nghiệp trong khu công nghiệp làm việc. Tình trạng sa thải, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, bắt người lao động làm thêm giờ sai quy định cũng ngày càng ít hơn.

Cần có chính sách để thu hút lao động

Ông Kim Kwang Yoon, Giám đốc tài chính Công ty Optrontec cho biết Optrontec vina được thành lập năm 2017, là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, chuyên cung cấp các sản phẩm linh kiện điện tử cho Tập đoàn Sam Sung.

Với phương châm chất lượng tốt là yếu tố hàng đầu quyết định sự thành công, để đa dạng hóa các sản phẩm linh kiện điện tử và chủ động nguồn nguyên liệu, từ năm 2021 Công ty tăng vốn đầu tư, mở rộng xưởng sản xuất số 3. Năm 2021, công ty đạt doanh thu trên 3.300 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 10 tỷ đồng.

"Riêng 9 tháng năm 2022, doanh thu của công ty đạt trên 2.000 tỷ đồng, bảo đảm việc làm ổn định cho hơn 1.700 lao động với mức lương bình quân 9-10 triệu đồng/người/tháng. Việc mở rộng sản xuất cũng kéo theo vấn đề con người, phải bổ sung nhiều lao động vào công ty để làm việc.

Doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng 200-300 lao động nhưng rất khó tuyển được đủ số lượng mong muốn vì đặc thù của ngành sản xuất linh kiện điện tử rất cần lao động nữ có tay nghề cao và tỉ mỉ trong công việc. Hơn nữa, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp; trong đó, có các doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực đều có nhu cầu tuyển dụng lao động phục vụ sản xuất cuối năm," ông Kim Kwang Yoon.

Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 ở khu Khai Quang ở thành phố Vĩnh Yên, là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Đài Loan (Trung Quốc), được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2001. Công ty chuyên sản xuất các linh kiện, phụ tùng ôtô, xe máy, xe trượt tuyết, thiết bị y tế cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu...

Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Những năm gần đây, công ty này đã tạo việc làm ổn định cho hơn 4.100 lao động với thu nhập trên dưới 12 triệu đồng/người/tháng.

Thời gian tới, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 phải tuyển số lượng lớn lao động phổ thông bởi từ tháng 11/2020 doanh nghiệp đang mở rộng dây truyền sản xuất (Dự án xây dựng xưởng 6) tại Khu công nghiệp Bá Thiện 2, huyện Bình Xuyên, dự kiến khi hoàn thành các hạng mục cơ bản và đưa vào sản xuất, doanh nghiệp này tuyển thêm khoảng 2.000 lao động.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, để tiếp tục thu hút đầu tư có hiệu quả, tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu đơn vị đầu tư hạ tầng khu công nghiệp coi trọng việc nâng cấp hạ tầng các khu công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường... tạo sức hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Cùng với đó, tỉnh đang thực hiện Nghị quyết về chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025. Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ là học sinh, sinh viên tốt nghiệp trung học phổ thông học trình độ trung cấp, cao đẳng, cao đẳng chương trình độ đào tạo chất lượng cao tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Mức hỗ trợ với học sinh tốt nghiệp trình độ trung cấp được hỗ trợ 300.000 đồng/người/tháng; sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng đại trà được hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng; sinh viên tốt nghiệp cao đẳng chương trình chất lượng cao được hỗ trợ học phí với mức 800.000 đồng/người/tháng.

Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực học tại trường nhưng không quá 20 tháng/khóa học và không quá 30 tháng/khóa học.

Để công tác đạo tạo đạt hiệu quả cao, các học sinh, sinh viên nắm chắc kiến thức chuyên môn, kiến thức thực tế, những năm gần đây một số cơ sở đào tạo như Trường cao đẳng nghề Việt Xô số 1, Trường cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp... trên địa bàn phối hợp với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có trình độ khoa học cao để đưa các học sinh, sinh viên vào doanh nghiệp thực tập, đào tạo tại sản xuất có thợ kỹ thuật, công nhân lành nghề hướng dẫn, giám sát.

Hầu hết các ngành, nghề trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp thuộc nhóm cắt gọt kim loại, hàn, công nghệ ôtô, điện công nghiệp, điện dân dụng, điện tử công nghiệp, cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật điện tử và cơ khí… người học sau tốt nghiệp luôn được các doanh nghiệp nước ngoài mời gọi vào các đơn vị của họ để làm việc, được trả thu nhập cao hơn lao động phổ thông.

Vĩnh Phúc dự kiến năm 2022 sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 21.000 đến 22.000 lao động. Trong 10 tháng năm 2022, toàn tỉnh đã có trên 14.000 lao động được giải quyết việc làm./.

Theo Vietnamplus

https://www.vietnamplus.vn/vinh-phuc-mo-rong-san-xuat-nhieu-doanh-nghiep-khat-lao-dong/828421.vnp

Chia sẻ bài viết

Thong ke