Khát vọng trở thành hạt nhân xây dựng Tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, Viettel xác định mục tiêu tiên phong dẫn dắt trong hoạt động nghiên cứu sản xuất tại Việt Nam.
Từ năm 2013, Viettel đã và đang nghiên cứu, sản xuất hơn 50 chủng loại sản phẩm thuộc 10 ngành vũ khí trang bị kỹ thuật công nghệ cao để cung cấp cho Quân đội.
Ngoài ra, Viettel cũng cung cấp những hệ thống tác chiến trên không gian mạng và các hệ thống mô hình mô phỏng phục vụ công tác huấn luyện, đào tạo. Mỗi năm, Viettel đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng cho hoạt động nghiên cứu.
Tổng Giám đốc Viettel Tào Đức Thắng chia sẻ: “Tham gia sự kiện lần này, Viettel mong muốn chứng minh được năng lực của Tập đoàn trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất công nghệ cao. Việt Nam muốn thoát khỏi bẫy trung bình và không phụ bị phụ thuộc, chúng ta phải tự chủ được thiết bị công nghệ cao cho cả quân sự, dân sự.
Nhìn ra các quốc gia chung quanh có thể thấy để đạt được mục tiêu tự chủ về công nghệ, hướng tới những mục tiêu lâu dài, các nước đã và đang có những bước đi hết sức bài bản, tập trung dành ưu tiên cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển”.
Kết hợp được quân sự và dân sự, Viettel đã tối ưu những công nghệ, kỹ thuật mới nhất, hiện đại nhất.
Sau khi được triển khai cho Quốc phòng, các sản phẩm sẽ được ứng dụng cho dân sự, tạo ra những sản phẩm có tính dẫn dắt thị trường, cạnh tranh quốc tế.
Giải pháp lưỡng dụng này vừa góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng, quốc gia, vừa giúp phát triển kinh tế đất nước.
Điều này được thể hiện qua 16 nhóm sản phẩm là những sản phẩm chuyển đổi số, hỗ trợ cho các lĩnh vực: Y tế số, gia đình số, giáo dục số, tài chính số, logistics, doanh nghiệp số, chính quyền số, giao thông số…
Viettel đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đứng trong danh sách 80 doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới về doanh thu, xuất khẩu được sản phẩm quốc phòng, tiến lên danh sách 60 doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu vào năm 2030.
Theo Nhân dân
https://nhandan.vn/viettel-trinh-dien-nhieu-san-pham-cong-nghe-tai-trien-lam-quoc-phong-quoc-te-post728913.html