Sunday, 24/11/2024

Doanh nghiệp ICT Việt Nam ngày càng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu

19:36 08/12/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Cách đây 10-15 năm, các công ty phần mềm Việt Nam cơ bản chỉ thực hiện một số công đoạn theo đặt hàng của nước ngoài. Giờ đây, vị thế của doanh nghiệp ICT đã được cải thiện.

Chủ trương Make in Việt Nam đã chạm tới các doanh nghiệp

Vào ngày 8/12 tới đây, Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ tổ chức Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (Diễn đàn Make in Việt Nam) năm 2022. Đây là lần thứ 4 Diễn đàn Make in Việt Nam được tổ chức kể từ lần đầu tiên vào năm 2019.

Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghệ số và Truyền thông (Bộ TT&TT) qua 4 năm tổ chức, Diễn đàn Make in Việt Nam là một trong những sự kiện thường niên lớn nhất của ngành công nghệ số Việt Nam. Đây là sự kiện có vai trò dẫn dắt, định hình đường hướng phát triển của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số.

Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số đã trải qua 3 lần tổ chức. Ảnh: Trọng Đạt

Theo đại diện Bộ TT&TT, Diễn đàn là nơi chia sẻ kinh nghiệm, bài học của các doanh nghiệp công nghệ số trong quá trình sản xuất, kinh doanh trong nước và khai phá thị trường nước ngoài. 

“Diễn đàn Make in Việt Nam cũng sẽ trao đổi các giải pháp nhằm giúp các doanh nghiệp CNTT, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn của thế giới”, ông Nghĩa nói. 

Theo ông Võ Đức Thọ - TGĐ công ty Hanet chuyên sản xuất camera, chủ trương thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam rất có ý nghĩa với các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, trong đó có Hanet đã được tư vấn, ưu đãi, thậm chí thử nghiệm vận hành sản phẩm trong khuôn viên của Bộ TT&TT. 

“Thông qua Diễn đàn, Hanet mong muốn nhận được thêm sự ủng hộ của các bộ, ban, ngành để sản phẩm của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có bay xa hơn nữa”, ông Thọ nói. 

1.400 sản phẩm Make in Việt Nam ra thế giới

 

Theo ông Nghĩa, chính sách cho ngành CNTT là mảng chính sách được Nhà nước ưu đãi nhất. Ví dụ, với chính sách về hoạt động công nghiệp phần mềm, các doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 5 năm đầu tiên và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo. Đây là mức ưu đãi mà trên thế giới hiếm quốc gia nào có được. 

Với các doanh nghiệp phần cứng, họ được miễn thuế linh kiện nhập khẩu cho những mặt hàng doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam mà trong nước chưa sản xuất được, miễn thuế các trang thiết bị dùng để sản xuất các sản phẩm phần cứng này. 

Về không gian làm việc cho các doanh nghiệp, tại các khu CNTT tập trung, bên cạnh các ưu đãi chung của ngành, các doanh nghiệp còn được hưởng mức chi phí thuê mặt bằng thấp hơn so với bên ngoài. Trong khuôn khổ khu CNTT, doanh nghiệp còn được hưởng các dịch vụ cộng thêm và tiếp cận cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực này.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ rà soát để tối ưu hóa các chính sách, thúc đẩy mạng lưới khu công nghiệp CNTT tập trung để phục vụ cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số. 

Doanh nghiệp ICT Việt Nam ngày càng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: Trọng Đạt

Đối với việc đưa sản phẩm công nghệ Việt ra thị trường thế giới, hiện Việt Nam có khoảng 1.400 doanh nghiệp đã có sản phẩm đi ra thị trường toàn cầu. Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến Đối ngoại (Bộ Công thương) để các doanh nghiệp công nghệ số có mặt trong các hoạt động xúc tiến thương mại ở nước ngoài. 

Cách đây 10-15 năm, các công ty phần mềm Việt Nam cơ bản chỉ thực hiện một số công đoạn coding theo đặt hàng của các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, hiện 50-60% các công ty outsourcing đã làm toàn bộ sản phẩm. Đối tác chỉ đưa ra đầu bài, các doanh nghiệp Việt sẽ làm từ A-Z. Đây là minh chứng cho thấy các doanh nghiệp ICT Việt đã nâng tầm của mình trong chuỗi giá trị. Doanh thu từ đối tác nước ngoài trong lĩnh vực phần mềm năm 2022 ước đạt 2,2 tỷ USD. 

Đối với lĩnh vực phần cứng, hệ sinh thái công nghiệp điện tử, vi mạch ở Đông Nam Á đang phát triển rất nhanh. Indonesia, Malaysia không làm giai đoạn cao nhất của thiết kế chip, chỉ làm sản xuất, đóng gói nhưng đang đi từng bước một trong chuỗi giá trị của các sản phẩm phần cứng. Đây là một trong những thế mạnh và cũng là hướng đi mà Việt Nam sẽ tham gia để từng bước đi lên. 

Theo Vietnamnet

https://ictnews.vietnamnet.vn/doanh-nghiep-ict-viet-nam-ngay-cang-tham-gia-sau-vao-chuoi-gia-tri-toan-cau-5009403.html

Chia sẻ bài viết

Thong ke