Friday, 22/11/2024

Viện trợ quân sự châu Âu cho Ukraine có dấu hiệu hụt hơi

16:25 19/08/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online 6 nước hàng đầu châu Âu không đưa ra cam kết hỗ trợ quân sự nào cho Ukraine trong tháng 7, cho thấy nguồn viện trợ có thể cạn dần.

Viện Kiel về Kinh tế Thế giới có trụ sở tại Đức hôm 17/8 công bố báo cáo cho thấy Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy và Ba Lan, 6 quốc gia hàng đầu châu Âu, không đưa ra cam kết viện trợ quân sự nào cho Ukraine trong tháng 7. Đây là lần đầu tiên điều này diễn ra kể từ khi chiến sự Ukraine bùng phát ngày 24/2.

Đây được cho là một trong những dấu hiệu cho thấy nguồn viện trợ quân sự cho Kiev có thể suy giảm trong thời gian tới, bất chấp những thay đổi mang tính lịch sử trong chính sách quốc phòng châu Âu, giữa lúc quân đội Ukraine đang chuẩn bị cho một chiến dịch phản công tiềm tàng ở miền nam.

Binh sĩ Ukraine vận hành một khẩu pháo CAESAR do Pháp chuyển giao. Ảnh: BQP Ukraine.

Động thái cũng cho thấy nỗi lo mà giới chức Ukraine từng nhiều lần đề cập. Đó là các cường quốc châu Âu không bắt kịp cường độ viện trợ quân sự của Mỹ, trong khi những nước dẫn đầu châu lục trong hoạt động hỗ trợ Ukraine như Anh và Ba Lan dường như đang dần hụt hơi. Hàng loạt chuyên gia và nghị sĩ Nghị viện châu Âu cũng chia sẻ quan điểm này trong thời gian gần đây.

"Dữ liệu cho thấy cam kết viện trợ quân sự cho Ukraine đã suy giảm liên tục từ tháng 4. Các sáng kiến viện trợ mới đang cạn dần, dù chiến sự bắt đầu bước vào giai đoạn then chốt", Christoph Trebesch, trưởng nhóm thu thập dữ liệu về viện trợ cho Ukraine của Viện Kiel, nhận xét.

Quan chức các nước phương Tây hồi tuần trước nhóm họp tại Đan Mạch để tìm kiếm phương án tăng cường hỗ trợ quân đội Ukraine, với tổng cam kết viện trợ trị giá 1,5 tỷ euro. Tuy nhiên, chuyên gia Trebesch cảnh báo con số này "quá nhỏ so với lượng tiền được cam kết trong những hội nghị trước đây".

Ông Trebesch cho rằng châu Âu nên coi chiến sự Ukraine nghiêm trọng như khủng hoảng Eurozone hay đại dịch Covid-19, hai sự kiện thúc đẩy các nước trong khu vực đổ hàng trăm tỷ euro vào những biện pháp chi tiêu khẩn cấp.

Quỹ phục hồi sau đại dịch của Liên minh châu Âu (EU) có trị giá 800 tỷ euro, lớn gấp nhiều lần tổng giá trị những gói viện trợ quân sự cho Ukraine suốt 6 tháng qua. "Khi so sánh tốc độ giải ngân và quy mô ngân sách, khoản hỗ trợ Ukraine có thể coi là tí hon, nhỏ đến mức bất ngờ so với tình hình nguy cấp hiện nay", Trebesch nêu quan điểm.

Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Artis Pabriks gần đây kêu gọi Pháp và Đức hành động nhiều hơn để hỗ trợ Ukraine. "Nếu muốn chiến sự chấm dứt càng sớm càng tốt, họ phải đặt câu hỏi rằng mình đã làm đủ hay chưa?", ông nói, đồng thời kêu gọi các nước EU cần viện trợ với mức độ tương ứng những quốc gia Đông Âu như Ba Lan, Slovakia và Cộng hòa Czech.

Chính phủ Đức từng hứng nhiều chỉ trích khi chậm trễ thực hiện quá trình bù đắp khí tài cho những nước đã cung cấp xe tăng thời Liên Xô cho Ukraine. Tuy nhiên, Berlin bảo vệ cách tiếp cận này, nhiều lần nhấn mạnh họ vẫn thường xuyên phê duyệt những đợt chuyển giao vũ khí cho Kiev.

Daniel Fiott, nhà phân tích quốc phòng châu Âu ở Bỉ, cho rằng mọi cam kết viện trợ đều vô nghĩa nếu không được triển khai ở thực địa. "Ukraine cần thêm khí tài, chứ không phải lời nói", ông nói và cho rằng giai đoạn sắp tới sẽ thách thức uy tín về chính trị, kinh tế của châu Âu.

Theo báo Vnexpress

https://vnexpress.net/vien-tro-quan-su-chau-au-cho-ukraine-co-dau-hieu-hut-hoi-4501581.html

Chia sẻ bài viết

Thong ke