Friday, 22/11/2024

Đức nguy cơ không thể đạt mục tiêu tích trữ khí đốt

17:31 18/08/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Cơ quan quản lý năng lượng Đức cảnh báo nước này gần như chắc chắn không đạt mục tiêu dự trữ khí đốt với nguồn cung từ Nga hạn chế.

"Tôi không trông chờ vào việc đạt mục tiêu dự trữ tiếp theo nhanh như mục tiêu đầu tiên", Klaus Muller, giám đốc Cơ quan Mạng lưới Liên bang (BNA), nói với trang tin t-online hôm nay. BNA quản lý các thị trường điện, khí đốt, viễn thông, bưu chính và đường sắt ở Đức.

Các nhà quản lý kho dự trữ Đức trước đó được yêu cầu nâng lượng khí đốt lưu trữ lên 85% sức chứa vào ngày 1/10 và 95% vào ngày 1/11.

Theo ông Muller, mục tiêu đạt 85% vào ngày 1/10 "không phải bất khả thi nhưng chắc chắn rất tham vọng". Đức đạt mốc đầu tiên 75% sức chứa hôm 13/8, sớm hơn hai tuần so với hạn chót 1/9, nhờ các biện pháp tiết kiệm và giá khí đốt cao khiến nhu cầu tiêu thụ giảm.

"Chúng ta không kịp đạt mốc 95% vào ngày 1/11 trong mọi kịch bản", ông bổ sung. "Cơ hội thực hiện được gần như không có bởi một số kho bắt đầu lưu trữ từ mức rất thấp".

Các đường ống tại cơ sở lưu trữ khí đốt của công ty VNG AG ở Bad Lauchstaedt, Đức, ngày 28/7. Ảnh: Reuters.

Kế hoạch tích trữ khí đốt được Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck vạch ra tháng 7 nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong mùa đông sắp tới. Khi đó, lượng khí đốt lưu trữ của Đức đạt 65% sức chứa.

"Tích trữ khí đốt không dành cho một, mà ít nhất phải hai mùa đông. Mùa đông thứ hai có thể khó khăn hơn. Chúng ta cần tiết kiệm nhiều khí đốt cho ít nhất một năm nữa. Xin nêu rõ: ít nhất có hai mùa đông nhiều áp lực", ông Muller nói, đồng thời cảnh báo tình trạng thiếu khí đốt trong những tháng lạnh nhất giai đoạn 2022 - 2023 có thể xảy ra tại một số vùng.

Đức phụ thuộc nhiều vào khí đốt từ Nga và nguồn cung này đã giảm đáng kể sau khi Moskva bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine cuối tháng 2, với lưu lượng khí đốt qua Nord Stream 1 hiện còn 20% công suất vì lý do kỹ thuật. Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua biển Baltic, vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm.

Chi phí năng lượng của các hộ gia đình Đức dự báo tăng mạnh trong mùa đông năm nay trong khi tình trạng thiếu năng lượng nguy cơ cản trở tăng trưởng kinh tế.

Đức đang trong cấp hai "đáng báo động", phản ánh tình hình cung cấp khí đốt xấu đi đáng kể, trong kế hoạch khẩn cấp ba giai đoạn. Trong trường hợp cấp cao nhất "khẩn cấp khí đốt" xảy ra, mặt hàng này sẽ được phân bổ theo hạn mức, cắt giảm nguồn cung cho ngành công nghiệp để ưu tiên cho các hộ gia đình và cơ sở quan trọng như bệnh viện.

Đức muốn dừng phụ thuộc năng lượng Nga vào hè năm 2024. Nước này đang tìm kiếm các đơn hàng LNG trên khắp thế giới, thuê tàu chuyên dụng để vận chuyển đồng thời xây ba cảng tiếp nhận LNG. Giới chuyên gia cảnh báo việc tìm đủ nguồn cung LNG cũng là một thách thức.

Vị trí đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 từ Nga sang Đức. Đồ họa: Al Jazeera.

Theo báo Vnexpress

https://vnexpress.net/duc-nguy-co-khong-the-dat-muc-tieu-tich-tru-khi-dot-4501215.html

Chia sẻ bài viết

Thong ke