Việc cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng (BP) Lý Hòa, BĐBP Quảng Bình nuôi dưỡng cậu học trò Nguyễn Văn Vũ được ví như trồng cây trên cát. Dù không hề dễ dàng nhưng ai cũng hiểu, một khi đã bén rễ, cái cây ấy sẽ có một sức sống mãnh liệt. Chúng tôi tin rằng, có những người cha nuôi là lính Biên phòng đồng hành, Nguyễn Văn Vũ sẽ vượt lên trên hoàn cảnh để có tương lai tốt đẹp hơn.
Chị Nguyễn Thị Ngân (thôn Đức Trung, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) sinh ra đã thiệt thòi vì bị khuyết tật ở chân. Qua bao sóng gió, chị cũng tìm được một chỗ dựa cho mình. Nhưng những ngày hạnh phúc ấy chẳng kéo dài được lâu. Khi đang mang thai cháu Vũ, chồng chị đã bỏ nhà đi, từ đó không về. Chị Ngân mở một quán tạp hóa nhỏ tại nhà ở gần Đồn BP Lý Hòa để kiếm sống qua ngày. Không nói thì ai cũng hiểu cuộc sống sẽ chẳng dễ dàng gì với người phụ nữ khuyết tật, đơn thân nuôi con.
Nhà chị Ngân gần đồn nên cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Lý Hòa thường ghé mua đồ ủng hộ. Căn nhà cấp 4 xây lâu nay đã xuống cấp trầm trọng, những ngày bão gió chị Ngân phải đi ở nhờ chứ không dám ở lại. Cuộc sống của chị Ngân còn phải chạy ăn từng bữa nói gì đến chuyện sửa hay xây nhà mới. Tháng 11-2020, Đồn BP Lý Hòa vừa đóng góp và kêu gọi các mạnh thường quân sửa chữa nhà cho chị Ngân. Cán bộ, chiến sĩ đã thay tôn mới, đóng lại la-phông và sơn sửa lại những chỗ hư hỏng. Thế là từ nay, những ngày bão gió, chị Ngân sẽ không còn phải lo lắng.
Nhưng đó không phải là việc ý nghĩa nhất mà cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Lý Hòa đã làm cho chị Ngân. Ban chỉ huy đơn vị sau nhiều lần họp, bàn bạc đã thống nhất nhận Nguyễn Văn Vũ làm con nuôi, đưa về đơn vị chăm sóc và nuôi dưỡng. Đó là quyết định khiến nhiều người bất ngờ. Bởi năm 2016 vẫn chưa có mô hình "Con nuôi đồn Biên phòng" và Vũ còn quá nhỏ, khi đó mới 4 tuổi. Chẳng người mẹ nào muốn xa con, nhất là khi đó là đứa con duy nhất. Chị Ngân trăn trở bởi Vũ là chỗ dựa tinh thần của chị; nhưng nếu ở với các chú biên phòng, Vũ sẽ có điều kiện tốt hơn. Trung tá Nguyễn Quốc Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lý Hòa cũng bảo, nhà gần đồn nên cháu cũng có thể về thăm mẹ thường xuyên.
Cho đến giờ, chị Ngân mới thấy mình quyết định thật đúng đắn. Bởi vậy mà mỗi lần nhắc đến, chị Ngân vẫn không giấu được sự xúc động: “Con trai về thăm khoe được điểm 9, 10 tôi rất vui và càng biết ơn các chú Biên phòng. Nhờ các chú mà tôi có nhà chắc chắn để ở, con trai tôi được cơm ngon, áo đẹp đến trường. Đây là giấc mơ chứ không phải là thật”.
"Ươm mầm xanh" trên cát
Có một cậu con nuôi nhỏ sống trong đồn nên cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Lý Hòa ai cũng thấy mình phải có trách nhiệm. Y sĩ, Thiếu úy QNCN Nguyễn Văn Trung mỗi khi nhận thuốc đều dành ra vài loại thuốc bổ cho Vũ. Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Tổng (nhân viên quản lý) thường dặn dò tiếp phẩm thỉnh thoảng mua thêm quả cam, gói bánh cho Vũ. Còn nhỏ nên không tránh được ốm đau, những lúc ấy mọi người lại thay phiên nhau chăm sóc Vũ. Đó không còn là trách nhiệm mà là tình cảm của những người ruột thịt dành cho nhau.
Trước tình cảm của các bố nuôi, Vũ cũng luôn thể hiện mình là “con nhà lính”, rất tự giác. Mỗi buổi tối, khi các bố nuôi xem thời sự thì Dũng ngồi vào bàn học. Năm học nào cũng vậy, Vũ đều là học sinh xuất sắc toàn diện, được cô thương, bạn mến. Thiếu tá Nguyễn Văn Tài, Phó đồn trưởng Đồn BP Lý Hòa chia sẻ: “Ở trong đồn nhưng chúng tôi cũng muốn cháu có những kỷ niệm tuổi thơ với bạn bè đồng trang lứa. Bạn bè thấy Vũ ở trong đồn nên cũng không đến chơi nhiều. Thương cháu, cứ cuối tuần, cán bộ, chiến sĩ nào có điều kiện lại đưa con của mình đến chơi cùng với Vũ”. Cứ thế, Vũ lớn lên trong tình thương và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Lý Hòa.
“Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình”, câu thơ ấy có lẽ viết về vùng quê xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch. Những cồn cát trắng ngoài biển cao ngất, kéo dài, bay vào trắng xóa sân nhà mỗi khi gió thổi. Ở vùng biển này, ngày đông gió mùa rét buốt, ngày hè gió Lào thổi rát mặt, cây xanh ở vùng cát trắng này không dễ gì mà xanh tốt được. Sau Tết Nguyên đán, Đồn BP Lý Hòa tổ chức trồng keo và cây ăn quả trong khuôn viên đơn vị. Từ sáng, Vũ đã theo chân giúp các bố, các anh vận chuyển cây giống ra vườn, rồi mang cuốc, xẻng để đào hốc trồng cây. Thấy vậy, Thiếu tá Nguyễn Quốc Tuấn, Chính trị viên Đồn BP Lý Hòa trêu cậu con nuôi: “Vũ sẽ ở đây ít nhất 9 năm nữa, còn chúng ta cũng chỉ vài năm là chuyển công tác, con sẽ là người được ăn trái nhiều nhất. Bởi vậy từ mai con phải là người chăm chỉ tưới cây nhất nhà đấy nhé”. Nghe bố Tuấn nói vậy, Vũ cười thật tươi rồi chạy đi lấy xô xách nước tưới vào từng gốc cây vừa trồng. Rồi mai này, những cây non sẽ bén rễ, xanh tốt trên miền cát trắng.