Wednesday, 04/12/2024

Mẹ kế khốn khổ hầu tòa vì những đứa con vì tiền quên nghĩa

14:44 07/01/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Là mẹ kế nhưng bà Hoa coi 3 người con riêng của chồng như con ruột, nuôi nấng chúng nên người. Thế nhưng, khi chồng qua đời, các con riêng sợ bà chiếm hết tài sản nên khởi kiện bà ra Tòa. Vì lợi mà đạo đức đảo điên, câu chuyện ngẫm thấy xót xa…

“Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng…”, câu ca dao vốn dĩ mang định kiến về mối quan hệ giữa mẹ kế con chồng lại hoàn toàn ngược lại đối với bà Nguyễn Thị Hoa (65 tuổi, Kiên Giang). Bởi, với bà cho đến lúc bị các con chồng khởi kiện bà ra Tòa mục đích phân chia căn nhà là một phần di sản do chồng (đã mất) để lại, bà vẫn ân cần nhẹ nhàng khuyên “các con nên nghĩ lại, mẹ chỉ cần bình yên lúc tuổi già, khi mẹ khuất đi thì tài sản đó tất cả là của các con…”. Nhưng nguyện vọng đơn giản của người mẹ bạc phước, những người con riêng đã không đếm xỉa tới.

Ảnh minh họa

Bên hành lang Tòa án Nhân dân tỉnh Kiên Giang, bà Hoa khuôn mặt buồn rầu kể về câu chuyện vô phúc đáo tụng đình của mình. Bà kể, bản thân là cán bộ công tác trong ngành y tế ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Do cao số, rồi phần kén chọn, nên nhiều mối tình qua đi bà vẫn một mình, khi nhìn lại thì đã quá thì nên tính ở giá cả đời. Nhưng rồi số phận đưa đẩy, bà gặp ông Nguyễn Văn Tài (Út Tài) vào năm 2002. Ông Tài cũng bất hạnh, vợ qua đời để lại cho ông 3 người con, đứa lớn 15 tuổi, đứa út 9 tuổi. Cảnh gà trống nuôi con của ông Tài đã khiến trái tim bà cảm động. Sau nhiều lần tiếp xúc, bà tình nguyện về làm vợ ông Tài.

Ngay từ trong quyết định về làm vợ ông Tài, bà Hoa không nề hà gánh nặng, dù biết khó khăn chồng chất khi ông Tài lớn tuổi hơn bà 1 con giáp, sức khỏe lại kém, chắc chắn bà phải thế nghĩa vụ làm mẹ cho các con riêng của chồng. Khi đến với ông Tài, hai người cũng không còn khả năng có con, bà biết điều đó nên coi các con riêng của chồng như con đẻ. Dù không sinh ra nhưng bà tự nhủ góp công dưỡng dục, bà tin rằng tình cảm chân thành của mình các con sẽ cảm nhận được rồi coi bà như mẹ ruột. Ngày đó, các con riêng của bà cũng thiếu thốn tình mẹ, nên coi bà như mẹ ruột. Không quản vất vả, bà Hoa một lòng trung tín cùng chồng nuôi con, vun đắp xây dựng hạnh phúc gia đình. Các con chồng cũng vì thế mà từng ngày khôn lớn nên người, bà Hoa cảm thấy hạnh phúc.

Bà Hoa kể tiếp, ngày đó, ông Tài sức khỏe kém, bệnh tật liên miên, bà Hoa ngược xuôi xoay xở, hết tiền lo chi phí gia đình, tiền lo các con riêng, đến tiền thuốc cho chồng. Có những lúc trong nhà không đủ ăn, bà phải nhịn cho các con, nấu cháo cho chồng. Khổ cực là vậy nhưng chưa một lần bà Hoa than vãn tính công. Bà tâm niệm, đời mình giờ coi như quá khứ, tương lai là ở các con. Mỗi ngày qua đi bà lại thấy vui vì bản thân đang góp phần gầy dựng tương lai cho các con riêng.

Năm 2012, sau tháng ngày bệnh tật, chồng bà qua đời để lại cho bà 3 người con riêng. Bà lại nuôi hy vọng, tháng ngày còn lại, những người con riêng là niềm an ủi. Thế nhưng, điều bà chưa bao giờ nghĩ đã bắt đầu ập tới. Không biết những người con riêng của bà đã đủ lông, đủ cánh, hay ra đời nhiễm thói hư tật xấu đã đột ngột quay lưng với bà. Ban đầu chúng lạnh nhạt trong đối xử với bà, rồi chúng bóng gió cho rằng, bà đang âm thầm chiếm căn nhà, đất do cha ruột để lại. Khi biết được sự tình, bà vô cùng đau xót, khuyên nhủ chúng đủ điều rằng: “Cha chết, căn nhà là tài sản chung, mẹ đâu tranh giành. Để cho mẹ cùng ở để tiện hương khói cho cha các con”. Nhưng chúng không tin, rồi một ngày, Tòa án huyện gửi Thông báo thụ lý vụ án tới bà, bà trở thành bị đơn, nguyên đơn là 3 người con riêng, căn nhà do bà và chồng tạo lập là đối tượng tranh chấp chia di sản thừa kế.

Bà Hoa đau lòng nhưng vẫn phải chấp nhận hầu Tòa, bà chỉ yêu cầu HĐXX xem xét vụ việc theo quy định pháp luật. Tại phiên Tòa, bà Hoa vẫn nói lên nguyện vọng được sống trên căn nhà mà vợ chồng bà tạo lập, cùng các con thờ tự chồng. Bà vẫn coi các con riêng như con ruột và hết lời khuyên các con suy nghĩ lại để mẹ con còn tình cảm. Không thể vì lợi mà căn nhà chia năm xẻ bảy, lúc đó dưới suối vàng linh hồn ông Tài cũng không thể vui. Tại Tòa, những người con riêng không phủ nhận công lao và tình cảm của bà Hoa đối với cha con họ. Nhưng vẫn một mực chia di sản của cha mình theo quy định pháp luật. Họ chỉ mở lời, HĐXX cứ xem xét vụ việc theo hướng ghi nhận công lao của bà Hoa trong việc tạo lập các tài sản là di sản của ông Tài để lại.

HĐXX phân giải đủ điều những mong vụ việc được thỏa thuận để khép lại vụ án mẹ kế con chồng cho yên ấm, nhưng vẫn không thể làm cho nguyên đơn chuyển ý. Cuối cùng, HĐXX cho rằng, do trước khi chết ông Tài không để lại di chúc nên di sản được giải quyết chia thừa kế theo pháp luật. HĐXX xác định và tuyên án, căn nhà là tài sản chung của bà Hoa và chồng nên bà Hoa được chia ½ giá trị. Còn ½ giá trị căn nhà chia thành 4 phần đều nhau cho bà và các con riêng. Bà Hoa miễn cưỡng chấp nhận kết quả, nhưng trong lòng quặn thắt. Các con bà Hoa vui vẻ vì chia được tài sản là di sản mà người cha đã khuất để lại. Rồi đây, mảnh đất, căn nhà xưa từng là nơi che mưa, che nắng của 3 người con sẽ được thi hành án ngăn ra từng phần để đảm bảo thi hành án. Bà Hoa tự nguyện sẽ chọn phần đất có bàn thờ chồng để chăm lo hương khói.

Trong phiên tòa ấy, người dự khán ai nấy xót xa. Bởi 3 người con riêng chỉ say sưa nói đến việc phân chia tài sản mà không nói đến trách nhiệm thờ phượng cha mình. Họ quên đi mất, trên mảnh đất ấy đang có bàn thờ của người cha, có mồ hôi, công sức, bàn tay chăm sóc của người mẹ kế. Những người con ấy đã vì tài sản mà quên tất cả công ơn dưỡng dục, vì lợi mà đạo đức đảo điên. Kết thúc phiên Tòa, bà Hoa lẳng lặng đứng bên góc Tòa, đôi mắt đỏ hoe, đôi dòng lệ không ngừng lăn trên gò má nhăn nheo.

Tên nhân vật đã thay đổi

Theo VănKỳ/ Công Lý xã hội

Chia sẻ bài viết

Thong ke