Ô nhiễm môi trường cạnh KCN Khánh Phú - Kỳ 2: Cần sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp chính quyền
15:14 12/03/2021
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại thôn Phú Hào nói riêng cùng khu vực chung quanh KCN Khánh Phú nói chung đã kéo dài nhiều năm và nhiều lần được phản ánh, tuy nhiên đến nay chưa được khắc phục một cách triệt để. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ các cấp chính quyền nhằm hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo đảm môi trường sống an toàn cho người dân.
Xả thải đúng quy chuẩn
Khu công nghiệp (KCN) Khánh Phú được thành lập năm 2004 theo Quyết định số 1687/QĐ-UB ngày 20-7-2004 của UBND tỉnh Ninh Bình với diện tích 351 ha và được điều chỉnh mở rộng lên 355,544 ha vào năm 2020. Đây là KCN thu hút nhiều ngành nghề sản xuất như: phân đạm; cơ khí; thiết bị phụ trợ ngành xi-măng, ô-tô; sản xuất sản phẩm may mặc; vật liệu cao cấp; cảng khô ICD, kho bãi…
Ngày 10-4-2013, KCN Khánh Phú đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đề án bảo vệ môi trường (BVMT) chi tiết tại Quyết định số 520/QĐ-BTNMT. Đến nay trong KCN có 49 dự án đầu tư còn hiệu lực, tất cả các dự án đều được cơ quan thẩm quyền phê duyệt thủ tục pháp lý về môi trường theo quy định. Theo đó, công tác BVMT chung của KCN do chủ đầu tư hạ tầng thực hiện. Công tác BVMT tại các cơ sở do chủ dự án thực hiện.
Tại Công ty TNHH Chang Xin - đơn vị chuyên sản xuất kim loại mầu, kim loại quý đang hoạt động trong KCN Khánh Phú, tất cả nước thải sinh hoạt từ khu nhà điều hành, nước thải bề mặt, nước thải sản xuất từ bãi phế liệu đều được đưa về bể lắng rồi bơm vào hệ thống xử lý nước thải của công ty trước khi đưa đi xử lý tập trung. Ông Hsien-Tsung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chang Xin cho biết: “Chúng tôi cũng thường xuyên cải tiến kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị máy móc để hạn chế tác động môi trường. Đơn cử như công suất của hệ thống hút bụi trước đây chỉ có 90 kW thì nay đã được nâng lên 315 kW, bảo đảm hút hết bụi thải để xử lý trước khi xả ra môi trường. Trong tháng 3 này, chúng tôi sẽ hoàn thành hệ thống quan trắc môi trường online, truyền thẳng dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường cùng giám sát”.
Giống như Chang Xin, theo quy định, các DN trong KCN Khánh Phú đều phải tự xử lý chất thải trước khi đổ về khu xử lý tập trung. Ban quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình cho biết, toàn bộ chất thải phát sinh tại các Nhà máy trong KCN Khánh Phú đều được thu gom xử lý bảo đảm theo quy định, không để ảnh hưởng môi trường. Cụ thể, hiện nay tổng lượng nước thải phát sinh của toàn KCN khoảng 4.000 m3/ngày đêm. Tất cả các cơ sở phát sinh nước thải đều xây dựng trạm xử lý nước thải tại cơ sở để xử lý sau đó đấu nối nước thải vào Nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN do Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Thành Nam đầu tư từ năm 2010. Nhà máy Thành Nam đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải liên tục tự động truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên & Môi trường theo dõi giám sát, bảo đảm thu gom và xử lý toàn bộ nước thải phát sinh của các dự án đầu tư trong KCN, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả thải.
Về khí thải cũng tương tự, các DN có phát sinh khí thải trong KCN đều phải đầu tư hệ thống xử lý khí thải riêng để xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả thải. Hiện trong KCN đã có một đơn vị là Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định. Riêng chất thải rắn, tất cả các DN trong KCN tự có biện pháp thu gom, lưu giữ chất thải rắn nguy hại và ký hợp đồng thuê đơn vị đủ chức năng vận chuyển xử lý theo quy định.
Ông Trần Đức Cường, Phó Trưởng ban Quản lý KCN Ninh Bình cho biết: Gần đây nhất, năm 2018, qua giám sát, Ban quản lý đã đề xuất UBND tỉnh xử lý hai đơn vị có hành vi thực hiện không đúng thủ tục pháp lý về môi trường. Cụ thể, thời điểm đó, Công ty may Nienhsing đặt hệ thống nước thải và nước mưa chạy gần nhau dễ gây hiện tượng thấm sang. Riêng Công ty ắc-quy Long Sơn, qua thử nghiệm nước mặt có một vài chỉ số vượt tiêu chuẩn cho phép.
“Những gì người dân phản ánh là không sai, tuy nhiên những năm gần đây, nhờ sự giám sát nghiêm túc, quyết liệt từ các cấp chính quyền, vấn đề ô nhiễm môi trường đã dần được khắc phục. Năm 2020, không có đơn vị nào trong KCN Khánh Phú bị xử lý các vi phạm liên quan môi trường. Hiện, Ban quản lý các KCN đang tiếp tục đôn đốc năm đơn vị trong KCN thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải liên tục tự động theo đúng quy định. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng minh bạch hóa thông tin để người dân có thể cùng tham gia giám sát trách nhiệm BVMT của DN”, ông Cường cho hay.
Kẽ hở nằm ở đâu?
Cuối năm 2020, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đã tổ chức buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tại thôn Phú Hào, xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh. Tại buổi tiếp xúc, nhiều ý kiến cử tri vẫn tiếp tục phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm tại thôn Phú Hào nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Cử tri Lê Đức Tường, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Phú Hào cho biết: Trong nhiều năm qua, thôn liên tục có người mắc bệnh hiểm nghèo. Hai năm gần đây, hơn chục người bị chết do bệnh ung thư. Trước thực trạng này, cử tri đề nghị được di dời chỗ ở của toàn bộ người dân trong thôn; nếu không di dời được phải có biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt sớm di dời các cảng than tại sông Đáy. So hai phương án thì việc di dời các cảng than tiết kiệm, dễ dàng hơn.
Trước ý kiến của người dân, ông Lâm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh cho biết: Việc di chuyển toàn bộ thôn Phú Hào đi cần có lộ trình bảo đảm các quy định của pháp luật và được xem xét kỹ lưỡng. Trước mắt, đối với các DN hoạt động trong KCN Khánh Phú, chúng tôi đang tích cực phối hợp cùng Ban quản lý KCN và các sở chuyên ngành của tỉnh để tăng cường hơn nữa công tác thanh kiểm tra kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những vi phạm về môi trường. Riêng các DN kinh doanh cảng than ngoài đê sông Đáy đã được yêu cầu phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật, có biện pháp BVMT như trải bạt che chắn bụi than, thường xuyên tưới nước rửa xe và đóng góp tiền cho tổ dân phố phun nước rửa đường hằng ngày.
Thừa nhận những phản ánh của người dân là có căn cứ, ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, trực tiếp bản thân đã đi kiểm tra và quyết liệt ra văn bản chỉ đạo khẩn trương khắc phục, nhất định không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Thứ nhất, giao UBND huyện Yên Khánh chủ trì phối hợp cùng với Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Tài nguyên & Môi trường cùng với Ban quản lý KCN cung cấp báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án trong và ngoài KCN ở khu vực này, kèm theo đó là kế hoạch và cam kết BVMT của DN để chính quyền cùng các đoàn thể ở xã giám sát với tỉnh về vấn đề này. Thứ hai là Ban quản lý KCN phải quản lý chặt chẽ vấn đề bảo đảm xử lý nước thải tập trung. Thứ ba là yêu cầu các DN phải lắp hệ thống quan trắc tự động về môi trường. Thứ tư là Sở Kế hoạch & Đầu tư phải phối hợp các sở, ban, ngành thành lập đoàn kiểm tra các dự án ngoài KCN mà cụ thể ở đây là các DN sản xuất than, chất đốt ngoài đê sông Đáy. Thứ năm, hưởng ứng chương trình trồng một tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã yêu cầu KCN Khánh Phú phải trồng 100.000 cây dọc hành lang để che chắn bụi.
Đó là những giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, trước mong muốn di dời của bà con nhân dân ra một khu vực khác, ông Sơn cho hay: Hiện tỉnh chưa có kế hoạch di dời người dân hay các cảng than ngoài đê sông Đáy. Tuy nhiên, đây cũng là trăn trở của tỉnh và sẽ được nghiên cứu, đánh giá một cách thận trọng.