Ứng dụng công nghệ, bí quyết khởi nghiệp thành công
19:12 11/10/2022
Bộ Khoa học Công nghệ đang đề nghị thực hiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, có sự tham gia đặt đầu bài của các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn, các cơ quan quản lý nhà nước để các ý tưởng sáng tạo, những người khởi nghiệp tham gia giải quyết.
Khởi nghiệp chưa bao giờ là việc dễ dàng, nhất là đối với các bạn trẻ do kinh nghiệm, vốn liếng… chưa nhiều. Nhưng bù lại, tuổi trẻ luôn tràn đầy nhiệt huyết, ham học hỏi, sẵn sàng đón nhận những điều mới và nỗ lực làm chủ công nghệ. Những lợi thế đó đã giúp nhiều bạn trẻ ở Hải Phòng thành công trên con đường khởi nghiệp, làm giàu cho bản thân và đóng góp cho cộng đồng, xã hội.
Tốt nghiệp Đại học chuyên ngành tiếng Anh, từng có 10 năm làm việc tại một công ty nước ngoài, năm 2019, chị Ngô Thị Hiền (xã An Thắng, huyện An Lão, Hải Phòng) quyết định nghỉ việc về quê khởi nghiệp từ những loại nông sản địa phương. Vẫn là những loại rau quen thuộc được trồng trên đồng ruộng quê mình, chị Hiền dành dụm số tiền tiết kiệm mua máy móc, thiết bị, sản xuất bột rau củ mang thương hiệu rauta và thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Lineup.
Từ những thành công bước đầu, chị tiếp tục đầu tư thiết bị, đồng bộ hóa dây chuyền sản xuất theo công nghệ Nhật Bản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Lineup ngày càng mở rộng vùng nguyên liệu tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Sản phẩm rauta của công ty cũng nhận được giải cao các cuộc thi "Sáng tạo nhà nông" và "Ươm mầm khởi nghiệp Hải Phòng".
Nữ Giám đốc sinh năm 1987 chia sẻ: "Hiện tại, chúng tôi vẫn là một công ty khởi nghiệp với quy mô nhỏ; tuy nhiên, do sử dụng công nghệ cao, chúng tôi đã tiết kiệm được tối đa chi phí cũng như là nhân công. Sản phẩm của chúng tôi hiện bán không chỉ tại Hải Phòng mà còn một số đại lý trên toàn quốc, như Hà Nội ở thành phố Hồ Chí Minh. Phản hồi của người tiêu dùng rất tốt".
Cũng là một startup trong lĩnh vực nông nghiệp, Vũ Đức Tuấn, chủ một trang trại chăn nuôi đồng thời là lập trình viên tại một công ty về công nghệ tại Hải Phòng. Trong quá trình thiết kế, thi công trang trại, Tuấn nhận thấy rằng hầu hết các trang trại ở Việt Nam đều quản lý theo cách truyền thống nên thường nảy sinh một số khó khăn nhất định. Từ đó, Tuấn quyết định phát triển ứng dụng FarmGo, một phần mềm chuyển đổi số cho ngành chăn nuôi để giải quyết những khó khăn đó, giúp các trang trại bớt chi phí và công sức lao động.
Qua thời gian thử nghiệm, cập nhật..., đến nay phần mềm FarmGo đã được hơn 10.000 trang trại sử dụng. Anh Vũ Đức Tuấn cho biết, để xây dựng phần mềm này, anh đã nghiên cứu các mô hình chăn nuôi của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, từ khâu chọn giống, cho ăn hay chăm sóc vật nuôi, tách đàn, thu hoạch… nhằm đưa ra cách quản lý tối ưu nhất.
"Chuyển đổi số áp dụng trong ngành nông nghiệp còn một số khó khăn. Thứ nhất là khó khăn từ nhận thức của người làm trang trại sợ bị xáo trộn công việc của mình và chưa nhận thức được lợi ích mà công nghệ mang lại. Tôi hy vọng rằng có truyền thông mạnh mẽ hơn nữa về chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp và tôi cũng thực hiện kế hoạch marketing nhiều hơn nữa về thay đổi nhận thức của những người làm trang trại, để có thể cho ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển hơn", anh Vũ Đức Tuấn cho biết.
Những năm qua, phong trào khởi nghiệp do Thành đoàn Hải Phòng phát động ngày càng lan rộng và phát triển mạnh mẽ. Cuộc thi “Ươm mầm khởi nghiệp Hải Phòng 2022” vừa diễn ra đã thu hút gần 30 dự án ở tất cả các lĩnh vực: công nghệ, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp… Các dự án có tính khả thi cao, với các sản phẩm công nghệ, chuyển đổi số được đầu tư nhiều hơn.
Bà Vương Toàn Thu Thủy, Bí thư Thành đoàn Hải Phòng, Chủ tịch Hội LHTN Thành phố khẳng định: "Phong trào thanh niên khởi nghiệp, đổi mới của thanh niên Hải Phòng hoàn toàn có thể theo kịp, bắt kịp với xu thế chung của đất nước và các nước trong khu vực. Đặc biệt, ở một số lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh nổi trội, như: du lịch, dịch vụ, nông nghiệp xanh và logistics. Thành đoàn đã phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ và Sở KHCN kết nối các chủ dự án với các mentor uy tín để giúp các chủ dự án hoàn thiện mô hình và đề án kinh doanh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường".
Thứ trưởng thường trực Bộ Khoa học Công nghệ Trần Văn Tùng đánh giá, các dự án khởi nghiệp tại Hải Phòng gần đây không chỉ tăng về số lượng dự án mà chất lượng ngày càng được khẳng định. Theo Thứ trưởng, Hải Phòng không chỉ triển khai tốt, phát triển mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của thành phố mà phải trở thành trụ cột xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối với các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, quốc tế.
"Bộ Khoa học Công nghệ đang đề nghị thực hiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, nghĩa là có sự tham gia đặt đầu bài của các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn, các cơ quan quản lý nhà nước để các ý tưởng sáng tạo, những người khởi nghiệp tham gia giải quyết. Như vậy, Hải Phòng đã đi đúng hướng, các hoạt động khoa học công nghệ đã khơi dậy và động viên được các ý tưởng sáng tạo của những người làm khởi nghiệp, của đội ngũ sinh viên, học sinh và những người đang muốn hình thành các doanh nghiệp startup ở Hải Phòng", ông Trần Văn Tùng nói.
Thực hiện Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Khoa học Công nghệ cũng như các ban ngành thành phố, Đoàn TNCS và Hội Liên hiệp thanh niên Hải Phòng sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Hải Phòng như: tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nền tảng cho thanh niên về khởi sự kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn; xây dựng, phát triển các kênh hỗ trợ phân phối và tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên;... để các dự án đạt hiệu quả cao và phát huy giá trị đối với cộng đồng./.