Sunday, 24/11/2024

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam: Rào cản pháp lý

17:20 15/10/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Doanh nghiệp “đổi mới sáng tạo”, doanh nghiệp “khởi nghiệp”, và doanh nghiệp “vừa và nhỏ” là các nhóm đối tượng khác nhau và cần được định nghĩa rõ ràng, cụ thể bằng các văn bản pháp lý. Từ đó mới xác định được các loại ưu đãi, quy chế đặc biệt cho từng loại doanh nghiệp.

Điểm nghẽn cổ chai

Với startup, dù ở giai đoạn nào thì khả năng tiếp cận vốn vẫn là một trong những yếu tố quyết định sự sống còn. Hiện ở Việt Nam, startup đang tiếp cận vốn qua ba nguồn là Vốn đầu tư từ nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài; Nguồn vốn đầu tư từ nhà đầu tư, Quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước; Nguồn vốn vay.

Hành lang cho pháp lý của khởi nghiệp Việt Nam đang được hoàn thiện.

Hai quy định đang ảnh hưởng nhiều đến các nguồn vốn này tại Việt Nam là Nghị định 38/2018/NĐ-CP ban hành ngày ngày 11/3/2018 quy định về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và Nghị định 80/2021/NĐ-CP ban hành ngày 26/8/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tại hội thảo, ông Thẩm Trung Hiếu - Chuyên gia pháp lý, Quỹ đầu tư ThinkZone gọi những vướng mắc pháp lý là “điểm nghẽn cổ chai” cần được khơi thông để thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Ông Thẩm Trung Hiếu chỉ ra vướng mắc, nghị định này quy định quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các hoạt động về khai, nộp thuế, đăng ký đầu tư nước ngoài do chưa có quy định cụ thể. Hay quy định chỉ được phép tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không được đầu tư quá 50% vốn điều lệ của startup.

“Tại sao lại là 30 nhà đầu tư góp vốn mà không phải 50 hay 100. Điều này sẽ hạn chế nguồn vốn được đưa vào quỹ. Hay việc quỹ đầu tư không đầu tư quá 50% cũng vậy, điều này tạo ra sự hạn chế tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp?”- ông Hiếu thắc mắc.

Một điểm khác là Nghị định 38 quy định Quỹ đầu tư phải kê khai các ngành nghề của startup mà quỹ đầu tư. Điều này được cho là trùng lặp bởi khi doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh cũng đã đăng ký ngành nghề và xin giấy phép theo quy định. Điều này dẫn tới các thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian xét duyệt.

Đại diện ThinkZone chỉ ra điểm chưa hợp lý của Nghị định 80 nằm ở quy định, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được hưởng ưu đãi về thuế, thế nhưng khi áp dụng vào thực tế, startup và cả cơ quan thuế lại tìm mỏi mắt các văn bản hướng dẫn ưu đãi thuế thì lại không có văn bản nào quy định cụ thể ưu đãi ra sao, áp dụng thế nào. “Các hướng dẫn về hạch toán kế toán cho quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo pháp luật về kế toán cũng như kê khai và nộp thuế theo pháp luật cũng chưa có”- ông Hiếu nói.

Bên cạnh đó, với startup, nhất là trong lĩnh vực fintech, để đảm bảo dòng tiền, nguồn vốn vay cũng rất cần thiết. Startup thường chưa có tài sản đảm bảo nên rất khó vay được ở ngân hàng thông thường. Nếu vay từ quỹ cho vay nước ngoài hoặc hình thức tín dụng khác thì lãi suất cao. Để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Thẩm Trung Hiếu cho rằng, cần bổ sung hoạt động cấp khoản vay cho các startup vào phạm vi hoạt động của Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Bởi lẽ nhà đầu tư sẽ nắm rõ nhất về dặc điểm, nhu cầu cũng như mức độ rủi ro khi cấp khoản vay cho startup. Ngoài ra, startup cũng rất cần chính phủ có cơ chế hỗ trợ riêng với mức lãi suất thấp, trong giai đoạn đầu còn nhiều khó khăn.

Khi quỹ đầu tư nước ngoài rót vốn vào startup Việt Nam thường diễn ra nghịch lý “nhà đầu tư hiện không lựa chọn đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp startup tại Việt Nam mà sẽ yêu cầu startup tái cơ cấu để thành lập công ty mẹ tại nước ngoài, cụ thể là Singapore, rồi rót vốn vào công ty mẹ này”.

Nguyên nhân chủ yếu cũng đến từ thời gian thẩm định và đánh giá của các thủ tục đầu tư rườm rà, phức tạp với doanh nghiệp. Các quy định về thuế, quản lý ngoại hối cũng như hoạt động quản lý của các đơn vị chủ quản hiện chưa bám sát hoạt động thực tiễn của startup, dẫn đến có nhiều vướng mắc. Cùng với đó, cơ chế cho nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn, chuyển vốn, rút vốn cũng không dễ dàng. Để nhận vốn, startup và nhà đầu tư chấp nhận làm hai lần thủ tục, nghĩa là đi đường vòng thay vì rót vốn trực tiếp vào công ty ở Việt Nam.

Ngồi lại để tháo gỡ

Trước những vấn đề về hành lang pháp lý được đại diện quỹ đầu tư và doanh nghiệp nêu ra tại các hội thảo của Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2022, bà Bùi Thu Thủy, Cục phó Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, thời gian qua Bộ ngành và Chính phủ rất nỗ lực trong việc hoàn thiện khung pháp lý. Tuy nhiên, do sự phát triển quá nhanh của thực tế nên thể chế còn chậm so với thực tế.

Ngay tại sự kiện, đại diện Cục Phát triển Doanh nghiệp cho biết sẽ tổ chức ngay một cuộc họp vào tuần kế tiếp với đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, Cục Pháp chế và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) với sự có mặt của các quỹ đầu tư như ThinkZone, BK để cùng thảo luận về việc giải quyết các vấn đề còn vướng mắc. Dù vậy, cũng cần nhấn mạnh rằng, các quy định này trên cũng còn liên quan đến nhiều bộ ngành khác.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, sau Nghị định 38 có 20 quỹ được ra đời với quy mô 100 tỷ đồng, tuy nhiên, cần mở hơn để thu hút mạnh hơn dòng vốn từ nước ngoài vào cho quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đồng tình rằng khung pháp lý cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã đủ nhưng để cạnh tranh với các nước khác trong khu vực thì cần tháo gỡ vướng mắc.

Ông Hiếu gợi ý: “Việc tiếp cận cũng cần theo hướng rộng hơn, tức là phát triển một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để có môi trường cho các quỹ đầu tư. Cần chủ động rà soát các quy định pháp luật liên quan đang hạn chế đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để từ đó có những đề xuất tạo sự bứt phá cho lĩnh vực này trong tương lai”.

Bên cạnh đó, ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng cho biết, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đang hợp tác cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) để nghiên cứu và xây dựng bộ chỉ số nghiên cứu và xây dựng khung chỉ số đo lường doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cũng như đổi mới sáng tạo khu vực công tại các cơ quan trung ương, địa phương để làm cơ sở đánh giá tác động cho cả hệ sinh thái. Với chín nhóm tiêu chí đánh giá, Hà Nội sẽ là địa phương đầu tiên thí điểm trước khi áp dụng đến các địa phương khác.

Thực tế, doanh nghiệp “đổi mới sáng tạo”, doanh nghiệp “khởi nghiệp”, và doanh nghiệp “vừa và nhỏ” là các nhóm đối tượng khác nhau và cần được định nghĩa rõ ràng, cụ thể bằng các văn bản pháp lý. Khi đó, mới xác định được các loại ưu đãi, quy chế đặc biệt cho từng nhóm. Vì vậy, việc bổ sung quy định để phân rõ từng nhóm doanh nghiệp và quy định hệ tiêu chí xác định tương ứng là cần thiết.

Bộ chỉ số đánh giá này sẽ trở thành cơ sở để đơn vị phụ trách khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như NIC biết được các điểm còn thiếu, yếu của các địa phương để có giải pháp khắc phục. Cơ quan chức năng sẽ có cái nhìn toàn cảnh để đưa ra kiến nghị, đề xuất sửa đối chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn.

Theo báo Khoa học phát triển

https://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/giai-nobel-hoa-hoc-2022-hoa-hoc-click-va-ung-dung-trong-nghien-cuu-te-bao-song/20221013034312740p1c160.htm

Chia sẻ bài viết

Thong ke