Sunday, 24/11/2024

Từng bước "xanh hóa" hoạt động sản xuất của doanh nghiệp để giảm thiểu rủi ro môi trường

17:40 05/11/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, cộng đồng các doanh nghiệp cần có những động thái mạnh mẽ hơn trong việc “xanh hóa” hoạt động sản xuất nhằm thúc đẩy tiến trình giảm thiểu các rủi ro môi trường và sức khỏe con người.

Quản lý an toàn, tiến tới loại bỏ chất ô nhiễm

Tại Hội thảo "Hướng dẫn các quy định về nhập khẩu, sản xuất, sử dụng chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị chứa chất ô nhiễm khó phân hủy" diễn ra ngày 4/11, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, vấn đề phát triển bền vững, môi trường là chủ đề luôn được tất cả các quốc gia trên thế giới quan tâm.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Nhận thức được các nguy cơ về sức khỏe do tiếp xúc với các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, năm 2002, Việt Nam đã trở thành thành viên của Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy. Đến tháng 8/2006, Thủ tướng tiếp tục ban hành Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm, nhằm quản lý an toàn, giảm thiểu và tiến tới loại bỏ các chất ô nhiễm khó phân hủy tại Việt Nam.

Đặc biệt, để đạt mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, gần đây, Việt Nam đã có Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Thông tư 02/2022/NĐ-CP của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về triển khai các quy định trong Công ước Stockholm; qua đó khẳng định Việt Nam sẽ tăng cường vai trò và trách nhiệm trong việc quản lý các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy như đã cam kết trong công ước.

“Trong bối cảnh đó, các hành động của cộng đồng doanh nghiệp vô cùng quan trọng trong việc hiện thực hóa các cam kết quốc gia. Vì thế, các doanh nghiệp tại Việt Nam cần có những động thái mạnh mẽ hơn để đảm bảo tính minh bạch, tuân thủ cao và cam kết hoàn thành trách nhiệm nhằm thúc đẩy tiến trình giảm thiểu các rủi ro môi trường và sức khỏe con người,” ông Vinh nhấn mạnh.

Ngoài việc tuân thủ các quy định theo Công ước Stockholm, theo ông Vinh, vấn đề môi trường cũng đã được Việt Nam đặc biệt xem trọng với cam kết rất mạnh mẽ mà Thủ tướng đã đưa ra tại Hội nghị COP26. Hiện nay, lộ trình thực hiện đang có những chuyển biến tích cực như việc “xanh hóa” sản xuất, lối sống và tiêu dung bền vững.

"Thực tế, ngay sau khi Thủ tướng đưa ra cam kết tại COP26, Chính phủ cũng đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai kinh tế tuần hoàn. Tôi cho rằng kinh tế tuần hoàn là đầu ra, là lời giải cho việc tái chế, tái sử dụng - biến những chất hữu cơ khó phân hủy tạo ra được giá trị gia tăng bền vững", ông Vinh nói và bày tỏ hy vọng các doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm và suy nghĩ về hoạt động sản xuất của mình.

Nắm chắc luật để giảm thiểu các rủi ro môi trường

Về phía cơ quan quản lý, ông Lê Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Việt Nam đã ký Công ước Stockholm từ năm 2001 và phê chuẩn công ước này từ năm 2022, trở thành thành viên thứ 14 của công ước. Hiện nay, nội luật các quy định của Công ước Stockholm đã được đề cập và luật hóa trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020.

Cụ thể, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã quy định yêu cầu về việc phải bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy (Điều 69); quy chuẩn kỹ thuật môi trường này phải bảo đảm mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường theo điều ước quốc tế (Điều 98).

Bên cạnh đó, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường 2020, cũng đã luật hóa nhiều điểm mới như: Yêu cầu về dãn nhán và công bố thông tin các chất có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy (Điều 39); trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, kinh doanh, sử dụng chất ô nhiễm khó phân hủy (Điều 41); trách nhiệm của các bộ và ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc kiểm soát nguồn phát sinh, thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, xác định, cảnh báo rủi ro, xử lý và phục hồi (Điều 42)...

Ngoài ra, theo Điều 38 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, chất POP phải được đăng ký miễn trừ theo quy định của Công ước Stockholm và danh mục các chất hữu cơ khó phân hủy này được ban hành tại Phụ lục XVII ban hành kèm theo Nghị định này. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đăng ký miễn trừ chất POP với Ban Thư ký Công ước Stockholm theo yêu cầu của Công ước Stockholm.

Theo đó, tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, sử dụng chất POP thuộc Phụ lục XVII làm nguyên liệu sản xuất trực tiếp thực hiện đăng ký miễn trừ chất POP và gửi hồ sơ đăng ký miễn trừ chất POP về Bộ Tài nguyên và Môi trường để có hướng xử lý.

Thông qua hội thảo, ông Thức bày tỏ hy vọng các doanh nghiệp có thể hiểu rõ và thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ngày càng chặt chẽ trong việc triển khai có hiệu quả các quy định này, đáp ứng yêu cầu của Công ước Stockholm trong việc giảm thiểu các rủi ro môi trường và sức khỏe con người thông qua giảm phát thải các chất ô nhiễm khó phân hủy (bao gồm các chất POP).

Theo Kinh tế môi trường

https://kinhtemoitruong.vn/tung-buoc-xanh-hoa-hoat-dong-san-xuat-cua-doanh-nghiep-de-giam-thieu-rui-ro-moi-truong-73056.html

Chia sẻ bài viết

Thong ke