Thursday, 21/11/2024

Bài học về chuyển đổi xanh

19:23 09/11/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Hướng tới một nền kinh tế thịnh vượng và sạch hơn, hạn chế phát thải đã được Chính phủ Canada xác định là ưu tiên hàng đầu trước mắt và cần một nỗ lực bền vững của toàn xã hội trong nhiều thập niên.

Khói bốc lên từ một cơ sở khai thác dầu ở Fort McMurray, Alberta, Canada. Ảnh: AFP/TTXVN

Tháng 3 vừa qua, chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau đã công bố kế hoạch chống biến đổi khí hậu đầy tham vọng, với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để đạt mục tiêu này, đến năm 2030, Canada cần cắt giảm lượng khí thải xuống tương đương 55%-60% mức của năm 2005, tức cắt giảm trung bình khoảng 23 triệu tấn khí thải/năm, Chuyển đổi điện năng là một giải pháp quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu này.

Canada là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về điện sạch với sản lượng điện đến từ nguồn không phát thải chiếm tới 82%, nhưng vẫn có sự khác biệt đáng kể giữa các địa phương. Nếu như ở các tỉnh bang Quebec và British Columbia, thủy điện đang chiếm 95-98% sản lượng điện, thì tại Ontario, mức đóng góp của điện hạt nhân trong cơ cấu năng lượng là 58%. Đáng chú ý, 81-87% sản lượng điện của Saskatchewan và Alberta vẫn phải dựa vào nhiệt điện. Theo Báo cáo Kiểm kê quốc gia (NIR) của Canada, tổng lượng phát thải khí nhà kính (GHG) của nước này trong năm 2020 là 730 triệu tấn CO2 tương đương (CO2e - đơn vị được dùng để thể hiện dấu vết carbon của tất cả các loại khí gây hiệu ứng nhà kính), trong đó, riêng lĩnh vực điện năng là 61,0 triệu tấn (chiếm 8,4% tổng lượng phát thải). Trước thực tế này, Chính phủ Canada đã thông qua chủ trương đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng điện, thay thế các nguồn điện sử dụng năng lượng hóa thạch bằng nguồn điện tái tạo mới, phấn đấu đưa tỷ trọng sản lượng điện không phát thải khí nhà kính lên 90% vào năm 2030 và 100% năm 2050.

Trong những năm qua, Chính phủ Canada đã nỗ lực triển khai nhiều chính sách thiết thực và hiệu quả, điển hình như đẩy nhanh quá trình loại bỏ điện than, thực hiện định giá ô nhiễm carbon và áp dụng quy định về tiêu chuẩn phát thải. Đạo luật định giá khí thải nhà kính, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, quy định các cơ sở sản xuất, tiêu thụ nhiên liệu nói chung và nhiệt điện nói riêng sẽ phải chi trả 20 CAD (khoảng 17 USD) cho mỗi tấn CO2 phát thải và tăng thêm 10 CAD mỗi năm cho đến khi đạt ngưỡng 50 CAD/tấn CO2 phát thải vào cuối năm 2022. Đặc biệt, theo quy định mới trong Kế hoạch Giảm phát thải khí nhà kính 2030, bắt đầu từ ngày 1/1/2023, mức thuế carbon sẽ được điều chỉnh tăng thêm 15 CAD/tấn, lên mức 75 CAD cho mỗi tấn CO2 phát thải tương đương (CO2e), cho đến khi đạt 170 CAD cho mỗi tấn CO2 vào năm 2030. Quy định liên bang về phát thải khí nhà kính đối với điện than (có hiệu lực tháng 7/2020) yêu cầu các nhà máy điện than đang hoạt động phải đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn phát thải tối đa 420 tấn CO2/mỗi Gigawatt giờ (CO2/GWh) trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, đồng thời hoàn thiện việc chuyển đổi từ công nghệ truyền thống sang công nghệ CCS (công nghệ thu giữ, tích trữ carbon) trước ngày 31/12/2029. Các nhà máy được xây dựng mới sẽ bắt buộc phải sử dụng công nghệ CCS.

Ngoài ra, Chính phủ Canada đã đồng loạt triển khai nhiều giải pháp như tăng cường tài trợ cho Chương trình lưới điện sạch; thực hiện tăng cường kết nối thông qua truyền tải liên khu vực; giảm sự phụ thuộc vào dầu diesel ở các cộng đồng bản địa và vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ phát triển điện hạt nhân quy mô nhỏ.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Ottawa, ông Hoàng Ngọc Đỉnh, Trưởng Đại diện Văn phòng Khoa học và Công nghệ của Việt Nam tại Canada, cho rằng từ mô hình, kinh nghiệm thực tế của Canada và đối chiếu điều kiện thực tại của Việt Nam, các giải pháp chuyển đổi điện năng của Canada có thể trở thành bài học đối với Việt Nam. Theo ông, yêu cầu chuyển đổi điện năng là cần thiết và tất yếu trong bối cảnh 45% nguồn phát của hệ thống điện Việt Nam là nguồn truyền thống hóa thạch có thể gây phát thải nhà kính lớn. Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời nhất trí ủng hộ những tuyên bố và sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng, chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, hỗ trợ thích ứng cho các cộng đồng địa phương và giảm thiểu khí metan.

Ông Hoàng Ngọc Đỉnh nhấn mạnh để vừa có thể đảm bảo nhu cầu an ninh năng lượng, đồng thời thực hiện được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong ngành điện, Việt Nam cần triển khai đồng bộ một số giải pháp, trong đó nhiều giải pháp đã được Canada áp dụng thành công. Ví dụ như chú trọng đầu tư phát triển hệ thống truyền tải điện, nhất là các công nghệ lưới điện thông minh. Bài học thành công của Canada là cần đẩy nhanh sự phát triển của các hệ thống truyền tải điện liên tỉnh, cấp quốc gia, kết nối các nguồn cung năng lượng sạch đến các địa điểm hiện đang phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, cùng với đó là ứng dụng các công nghệ lưới điện thông minh cho phép dự báo, điều phối nguồn điện hợp lý giữa các khu vực, cũng như các thời điểm cao điểm.

Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển nhanh và cũng là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu. Hiện Việt Nam đang tích cực chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh, sạch hơn. Theo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7 vừa qua, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối chiếm ít nhất 33% tổng sản lượng điện phát. Đến năm 2050, tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo chiếm ít nhất 55% trong tổng sản lượng điện phát. Việc chuyển đổi trong cơ cấu năng lượng không chỉ đòi hỏi vốn đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, mà còn cần chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ - lĩnh vực mà sự hợp tác giữa Việt Nam và Canada có nhiều tiềm năng để khai phá.

Theo Tin tức

https://baotintuc.vn/the-gioi/bai-hoc-ve-chuyen-doi-xanh-20221109180452428.htm

Chia sẻ bài viết

Thong ke