Trong câu chuyện điện mặt trời, Trung Nam Group tiết lộ đi vay hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng vướng cơ chế nên thất thu. Ngược lại, khi thực hiện chiến lược gom dự án khắp nơi, đặc biệt là Ninh Thuận, lãnh đạo tập đoàn lại hứa hẹn với địa phương rất nhiều và vẫn còn đó những lần thất hứa.
Cú sốc từ EVN
Cách đây không lâu, những chiếc xe siêu trường siêu tải chạy trên đường đến Dự án Nhà máy Điện gió Ea Nam (Đắk Lắk) chở theo những cánh quạt điện gió khổng lồ là hình ảnh gắn với cái tên Trung Nam Group.
Tuy nhiên, hành trình này bị gián đoạn khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam thu hồi 25 giấy phép lưu hành xe quá khổ của Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam do không đảm bảo phòng chống dịch Covid-19.
Lãnh đạo Tập đoàn Trung Nam là những vị thuyền trưởng có tầm nhìn xa và nắm bắt thấy cơ hội đầu tư đi trước đón đầu. Đâu phải doanh nghiệp nào cũng có thể lấy về những dự án hàng nghìn đến hàng chục nghìn tỷ đồng; những dự án đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế?
Cũng vì Trung Nam Group đầu tư dự án điện mặt trời lớn ở Ninh Thuận mà tỉnh này cũng phấn khởi thu hút nhà đầu tư từ vài năm trở lại đây. Một làn sóng đầu tư năng lượng sạch khiến cho thị trường này sôi động hơn bao giờ hết. Từ ngân hàng, doanh nghiệp Trung Quốc, doanh nghiệp bất động sản ồ ạt tham gia.
Cơ chế ưu đãi và tạo điều kiện của Chính phủ chỉ là phương án hỗ trợ doanh nghiệp, không phải để lợi dụng. Các chuyên gia vĩ mô đã lên tiếng cảnh báo rủi ro về dòng tiền, nợ, cơ chế điện, kinh nghiệm đề các nhà đầu tư tính toán kỹ lưỡng phương án tài chính...Nhưng có vẻ đến cả Trung Nam cũng đã sai bước?
Mới đây phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thông báo dừng khai thác phần công suất không được hưởng ưu đãi giá FIT của 3 nhà máy điện thuộc sở hữu của Trung Nam Group. Các nhà máy này gồm Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV, 220kV (gọi tắt là dự án 450MW).
Đây là dự án đầu tiên do doanh nghiệp tư nhân đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. Dự án có 277,88MW được hưởng giá điện 9,35 UScent/kWh, do nằm trong phạm vi 2.000MW công suất điện mặt trời tích lũy trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Phần công suất còn lại hơn 172MW chưa được xác định cơ chế giá.
Nhà máy Điện mặt trời Thiên Tân 1.2 và Nhà máy Điện mặt trời Thiên Tân 1.3 cũng dừng khai thác một phần công suất chưa có cơ chế giá, cho đến khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế giá điện cho phần công suất nằm ngoài 2.000MW tại tỉnh Ninh Thuận.
Ngay sau đó, Trung Nam Group cũng đã có công văn gửi Thủ tướng, cho rằng “dừng khai thác hoàn toàn phần công suất chưa xác định giá của dự án sẽ phá vỡ cam kết của nhà đầu tư đối với các tổ chức tài trợ vốn, gia tăng áp lực việc trả nợ vay” của công ty.
Xét thấy tình trạng khó khăn của doanh nghiệp về nợ. Ngày 4/3, Công ty Mua bán điện (EPTC) đã có văn bản thông báo tiếp tục huy động lượng điện chưa có giá bán điện từ nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW, Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ đang xây dựng dự thảo quy định về phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời theo Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Điểm cốt yếu là cơ chế đấu thầu, đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư và xác định giá điện. Theo đó, các nhà đầu tư sẽ đàm phán giá với EVN trong khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành.
Dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná (Ninh Thuận) do Trungnam Group làm chủ đầu tư đã hoàn thành giai đoạn 1, dự kiến hoạt động vào đầu quý II năm nay mở ra hướng phát triển đột phá cho tỉnh đầy nắng gió, hứa hẹn sẽ mở ra trang mới cho kinh tế Ninh Thuận. Hiện nay, để hoàn thành các mục tiêu của dự án, nhà đầu tư đã kiến nghị, đề xuất lãnh đạo tỉnh hỗ trợ giải quyết khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu hụt nguồn vật liệu xây dựng; đồng thời đề nghị Ninh Thuận hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các thủ tục pháp lý, chấp thuận cho doanh nghiệp tham gia đấu thầu giai đoạn 2.
Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 6.500 tỷ đồng, được phân kỳ với 3 tiểu giai đoạn, bao gồm tất cả các hạng mục quy hoạch gồm bến, bè, bãi, kho, các công trình phụ trợ, dịch vụ, đầu mối hạ tầng kỹ thuật, giao thông và cây xanh. Tuy nhiên, tình hình tài chính của Trung Nam có đảm bảo để triển khai hiệu quả Cà Ná giai đoạn 2 hay không, vẫn là dấu hỏi lớn.
Thuyền lớn vượt sóng lớn... nhưng nợ thì ai chịu?
Nhận ồ ạt dự án lớn với hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng nội lực của Trung Nam không nhiều. Để tìm kiếm nguồn tài chính nhằm nhanh chóng triển khai các dự án năng lượng tái tạo, Trung Nam Group đã liên tục huy động vốn qua kênh trái phiếu, hợp tác với ngân hàng. Tính trong 2 năm 2020 và 2021, tập đoàn này đã huy động khoảng 23.000 tỷ đồng từ trái phiếu, với lãi suất trung bình từ 9,5%/năm, kỳ tính lãi trung bình 3 - 6 tháng/lần.
Vào ngày 15/2/2022, Trung Nam Group đã hợp tác với Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC Việt Nam (HSBC Việt Nam) để tìm kiếm nguồn tài chính triển khai các dự án năng lượng tái tạo.
Trước đó 1 tháng, tập đoàn cũng ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với 1 ngân hàng, cũng được biết ngân hàng này đóng vai trò quan trọng trong cấp vốn và bảo lãnh phát hành trái phiếu để Trung Nam Group thực hiện nhiều dự án. Cụ thể, vào tháng 6/2021, hỗ trợ Trung Nam Group phát hành trái phiếu, đồng thời là đơn vị quản lý tài sản đảm bảo và quản lý các tài khoản cho khoản phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 5.106 ngày của Công ty CP Điện gió Trung Nam Đăk Lăk 1 (thành viên của Trung Nam Group). Ngoài ra, còn thu xếp vốn cho Dự án Nhà máy Điện mặt trời Thuận Nam công suất 450MW tại Ninh Thuận, Nhà máy Điện gió Đông Hải 1 công suất 100MW tại Trà Vinh của Trung Nam Group.
Còn theo công bố của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, Trung Nam Group hiện là nhóm doanh nghiệp năng lượng tái tạo phát hành trái phiếu nhiều nhất thị trường. Tuy nhiên, theo phương án tài chính của dự án, Trungnam Group sẽ hoàn trả các khoản vay từ tổ chức tín dụng để đầu tư bằng doanh thu bán điện từ nhà máy điện mặt trời 450MW (là nguồn thu duy nhất). Dù thời gian qua dự án đạt hiệu suất cao với sản lượng điện phát lên lưới lớn nhưng doanh thu không bảo đảm trang trải cho nguồn thanh toán khoản vay do chưa xác định giá bán điện cho phần công suất ngoài quy mô tích lũy 2.000MW.
Trong khi, nhìn vào các chỉ tiêu tài chính của Trung Nam Group trong những năm gần đây có thể thấy doanh nghiệp này doanh thu hàng chục nghìn tỷ, nhưng lợi nhuận mang về lại có như không. Năm 2020, Trung Nam Group ghi nhận doanh thu tăng vọt 58% so với cùng kỳ lên 10.285 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận thuần chỉ ở mức 133 tỷ đồng, nhích nhẹ 7% so với năm 2019. Như vậy, cứ 100 đồng doanh thu, tập đoàn này chỉ thu lời vỏn vẹn hơn 1 đồng.
Đáng chú ý, doanh thu tăng mạnh nhưng quy mô tài sản của Trung Nam Group đã bị thu hẹp đáng kể từ mức 33.728 tỷ đồng cuối năm 2019 xuống mức 21.486 tỷ đồng vào cuối năm 2020. Chi phí nợ vay riêng khoản trái phiếu và ngân hàng với những khoản nhìn thấy được đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng lãi mỗi năm. Riêng Năm 2021, nhóm Trung Nam Group huy động 9.500 tỷ đồng trái phiếu, hầu hết các lô trái phiếu đều có kỳ tính lãi 3 hoặc 6 tháng/lần, lãi suất 9,5 - 11%/năm. Như vậy, chỉ riêng số lượng trái phiếu huy động trong năm 2021, mỗi lần trả lãi của Trung Nam Group sẽ rơi vào khoảng 500 tỷ đồng.
Trước đó, Trung Nam Group đã thế chấp nhiều tài sản tại các ngân hàng trong đó có cổ phần của các công ty điện mặt trời, điện gió được thế chấp tại Ngân hàng Quân Đội (MB). Hay các quyền và lợi ích từ dự án chống ngập tại TP.HCM được thế chấp tại BIDV. Ước tính tổng số lãi vay Trung Nam Group phải trả trong 3 năm từ 2016 đến 2018 khoảng 450 tỷ đồng.
Trong giai đoạn trước năm 2020, kết quả kinh doanh của Trung Nam Land ở mức khá khiêm tốn khi doanh thu vài trăm tỷ đồng, lợi nhuận chỉ vài chục tỷ đồng. Hay, Trung Nam Đà Lạt Land chủ đầu tư dự án Golf Valley gần 20 ha kinh doanh bất động sản cao cấp ghi nhận trong giai đoạn 2017 – 2018 với tổng doanh thu gần 1.060 tỷ đồng, lãi ròng 151 tỷ đồng.
Chuyện cũ không thể giấu: Đầu tư mảng nào cũng 'đổ kèo'
Thành lập vào tháng 11/2004, đặt trụ sở tại TP. HCM, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) dưới sự dẫn dắt của chủ tịch Nguyễn Tâm Thịnh đã xây dựng chuỗi công ty thành viên hoạt động trải dài từ Bắc vào Nam, ghi tên nhiều dự án lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo gồm điện gió và điện mặt trời. Trên thực tế, tập đoàn này là một công ty đa ngành hoạt động trong nhiều lĩnh vực.
Ở lĩnh vực bất động sản, Trung Nam Group gắn với ba siêu dự án lớn đó là Dự án khu công viên văn hóa đô thị Đà Lạt có vốn đầu tư 150 triệu USD tại Đà Lạt, Dự án Golden Hills có tổng vốn đầu tư 1,67 tỷ USD và Dự án tháp đôi cao nhất Miền Trung 180 triệu USD tại Đà Nẵng. Nhưng, dường như Trung Nam không có duyên với lĩnh vực BĐS khi những dự án được giới thiệu hoành tráng một thời nhưng chưa thấy dự án nào cũng "có chuyện".
Nổi bật nhất trong số đó là Dự án Hills Đà Nẵng quy mô 381 ha, tổng mức đầu tư 1,67 tỷ USD (khoảng 38.000 tỷ đồng), được khởi công xây dựng từ năm 2011. Tuy nhiên, sau khi xây dựng phần thô và đi vào hoàn thiện thì những hạng mục còn lại đình trệ suốt nhiều năm. Sau khi được hồi sinh thì Trung Nam Land bị xử phạt vì hành vi xây dựng dự án Golden Hills City (Khu D2) khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Cuối năm 2019, Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND Tp. Đà Nẵng rà soát, kiểm tra cụ thể 800 lô đất tại khu vực có diện tích 12,77ha ở khu B và C thuộc dự án.
Vào cuối tháng 8, đầu tháng 9/2011, Trung Nam Group cũng dính vào một vụ án làm xôn xao dư luận với hành vi ẩu đả với dân của 5 nhân viên thuộc dự án Golden Hills tại Hòa Liên, Hòa Vang, Đà Nẵng. Trong số nhân viên nói trên còn có Nguyễn Tâm Lộc là em ruột của ông Nguyễn Tâm Tiến - tổng giám đốc dự án Golden Hills. Vụ việc trên đã “châm ngòi” khiến hàng ngàn người dân Hòa Liên kéo đến bao vây và đập phá khu nhà điều hành của dự án Golden Hills trong nhiều ngày liền và khiến chính quyền TP Đà Nẵng phải ngồi lại đối thoại với dân vùng giải tỏa.
Theo tìm hiểu, năm 2017, Trung Nam Group lại lọt danh sách nợ xấu của Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV). Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2017 của ACV, tính đến 31/12/2017, doanh nghiệp này vẫn còn một khoản nợ xấu hơn 30 tỷ đồng.
Khi trở thành con nợ xấu của ACV, tập đoàn này khiến dư luận xôn xao chuyện tài chính yếu. Vào thời điểm đó, để thực hiện được dự án này, vốn chủ đầu tư phải có ít nhất 5.700 tỷ đồng. Bởi, theo Luật đất đai quy định, chủ dự án phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha và không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên. Thế nhưng, công ty Trung Nam (pháp nhân do Trung Nam Group lập ra để thực hiện dự án Golden Hills) chỉ có vốn điều lệ 700 tỷ đồng. Ngay cả công ty mẹ là Trung Nam Group cũng khó có đủ tiềm lực để thực hiện dự án Golden Hills.
Cũng tại dự án tai tiếng này, Trung Nam Group được biết đến với vụ doanh nghiệp kiện đòi UBND TP. Đà Nẵng hơn 2.000 tỷ đồng. Xuất phát của vụ việc là do UBND TP. Đà Nẵng công bố danh sách các doanh nghiệp nợ tiền thuế đất. Trong danh sách này, Trung Nam Group nợ gần 300 tỷ đồng tiền thuế của 2 dự án Khu đô thị Golden Hills và Dự án vệt 50m đường Nguyễn Tất Thành nối dài.
Tại Đà Nẵng, năm 2008, Trung Nam Group và một số đối tác khác đã công bố sẽ xây dựng tòa tháp đôi với tổng mức đầu tư 180 triệu USD theo mô hình “thung lũng silicon” của Mỹ, đạt tiêu chuẩn của một khu công nghệ thông tin mang tầm cỡ quốc tế. Tuy nhiên, đến năm 2014, dự án này vẫn chỉ là bãi đất hoang, trong khi Trung Nam Group đã chuyển toàn bộ cổ phần của mình tại dự án này cho đối tác khác.
Công ty Cổ phần Trung Sơn Bắc, một thành viên trong Nam Group mới đây đã bị xử phạt hành chính đối với Dự án Thanh Long Bay do xây dựng khi chưa được phê duyệt. Được biết, dự án có tổng diện tích quy mô 90,3ha, là dự án bất động sản du lịch - giải trí - nghỉ dưỡng và thể thao biển theo như chủ đầu tư giới thiệu là đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng đa dạng nhu cầu của du khách đến Bình Thuận.