Năm 2022, TP HCM đặt mục tiêu thực hiện nhanh, hiệu quả việc chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền số gắn kết với xây dựng thành phố trở thành thành phố thông minh...
Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP HCM vừa chính thức ra mắt và đưa vào hoạt động Cổng thông tin chuyển đổi số (CĐS) TP HCM, đặt tại địa chỉ https://chuyendoiso.hochiminhcity.gov.vn. Cổng thông tin này nhằm phục vụ nhu cầu CĐS của các tổ chức, doanh nghiệp (DN)... tại thành phố. Đây là một trong những bước đi cụ thể trong kế hoạch triển khai chương trình "CĐS của TP HCM" được UBND thành phố ban hành hồi cuối tháng 2.
Kênh thông tin chính thức
Phó Giám đốc Sở TT-TT TP HCM Võ Thị Trung Trinh cho hay Cổng thông tin CĐS được thiết kế với giao diện hiện đại, đơn giản, dễ dàng truy cập bằng máy tính hay điện thoại thông minh. Cổng này cung cấp các thông tin: tổng quan về các kế hoạch CĐS của thành phố; cẩm nang CĐS; tin tức tổng hợp về CĐS của thành phố, Việt Nam và thế giới; các hoạt động hợp tác, chuyển giao về CĐS; thư viện đa phương tiện liên quan đến CĐS. "Đây là kênh chính thức tổng hợp thông tin liên quan đến kế hoạch, chương trình CĐS; các hoạt động và kết quả CĐS của TP HCM" - Phó Giám đốc Sở TT-TT nhấn mạnh.
Thông qua Cổng thông tin CĐS, lãnh đạo TP HCM có thể nắm bắt, tiếp nhận những ý kiến, góp ý, hiến kế của người dân, tổ chức, DN. Bên cạnh đó, cán bộ công chức kịp thời hệ thống hóa và nắm bắt các văn bản, chương trình, kế hoạch, đề án CĐS của thành phố. Chuyên gia, người dân, tổ chức, DN có thể truy cập, tìm hiểu thông tin về CĐS của thành phố; tìm kiếm các ứng dụng, hệ thống dịch vụ công đã và đang được cung cấp trên nền tảng số phục vụ nhu cầu công việc và cuộc sống; trực tiếp tham gia vào quá trình CĐS của thành phố thông qua các đề xuất, sáng kiến…
Cũng theo Phó Giám đốc Sở TT-TT, người dân, DN, tổ chức có thể tham gia góp ý, hiến kế cho chương trình CĐS của thành phố trên Cổng thông tin CĐS. Các góp ý, hiến kế này sẽ được Sở TT-TT thường xuyên theo dõi, tổng hợp và ghi nhận để thực hiện.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo
Chương trình CĐS của TP HCM được xây dựng dựa trên chương trình CĐS quốc gia, Đề án xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Kiến trúc chính quyền điện tử TP HCM. Thành phố đặt ra tầm nhìn, mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các DN số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.
Để hiện thực hóa tầm nhìn, mục tiêu trên, TP HCM đã có những bước đi và lộ trình cụ thể. Mới đây, UBND TP HCM ban hành Kế hoạch số 593 về triển khai chương trình "CĐS của TP HCM" và đề án "Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh".
Là đơn vị chủ lực triển khai các chương trình CĐS của thành phố, Sở TT-TT đặt trọng tâm hoạt động trong năm 2022 là tiếp tục triển khai đề án xây dựng TP HCM thành đô thị thông minh đến năm 2025, chương trình CĐS, phát triển hạ tầng viễn thông và phát triển hạ tầng số, nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giai đoạn 2020-2030... Trong đó, hiện thực hóa các chỉ tiêu mà UBND thành phố đã đề ra, như: kinh tế số đóng góp 15% GRDP của thành phố; 85% người dân có smartphone; 70% hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống cổng giao tiếp công dân với chính quyền thành phố; hệ thống theo dõi kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân qua tổng đài 1022...
Sở TT-TT cũng cho biết sẽ mở rộng, hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của thành phố; xây dựng chính quyền số và thúc đẩy kinh tế số. Song song đó là phát triển dự án xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP HCM; trung tâm tiếp nhận, xử lý thông tin khẩn cấp; hệ thống giám sát hình ảnh...
Về đề án phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng số giai đoạn 2020-2030, Sở TT-TT tăng cường phủ sóng 3G, 4G, hướng đến 5G và cáp quang đến cấp xã, khu phố, ấp. Đồng thời, sở sẽ tham mưu triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ smartphone có kết nối internet cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố...
Đáng chú ý, Sở TT-TT sẽ phát triển ứng dụng AI trong một số lĩnh vực như thông tin truyền thông, y tế, giáo dục, giao thông. Trong đó, sở đưa ra một số đề án như xây dựng trợ lý ảo phục vụ chính quyền số và hệ thống tổng đài 1022; ứng dụng AI để giám sát mạng xã hội...
Phát triển kinh tế số
Mới đây, tại buổi làm việc về triển khai kế hoạch trọng tâm năm 2022 của Sở TT-TT, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức nhấn mạnh thành phố luôn coi trọng các thành tựu công nghệ thông tin, việc xây dựng chính quyền điện tử, CĐS và tự hào là đơn vị đi đầu. Do đó, Sở TT-TT phải phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động phối hợp với các đơn vị thực hiện các đề án, mục tiêu đã đề ra. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ các đề án về đô thị thông minh, phối hợp phát triển kinh tế số...