Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng việc lựa chọn đúng nền tảng số sẽ giúp doanh nghiệp chuyển đổi số thành công.
"Lựa chọn đúng nền tảng, đúng công cụ để mọi người nhận thức và sử dụng là điều quan trọng nhất, có khả năng tạo đột phá nhất", ông Dũng nói tại Hội nghị Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số 2022 tại Hà Nội chiều 24/3.
Theo Thứ trưởng TT&TT, quá trình chuyển đổi số gồm ba yếu tố chính gồm: nhận thức, kỹ năng và công cụ. Cả ba yếu tố này đều xoay quanh nền tảng số, bởi khi đã nhận thức thì cần kỹ năng để thực hiện, và những kỹ năng cụ thể sẽ sẽ được xây dựng trên những nền tảng cụ thể.
Một số nền tảng số phổ biến tại Việt Nam có thể kể đến như nền tảng kế toán dịch vụ Misa ASP, cổng trung gian thanh toán Vnpay, ví điện tử Momo, nền tảng quản lý tổng thể 1Office, tổng đài chăm sóc khách hàng Stringee... Mỗi nền tảng phục vụ cho các mục đích khác nhau của doanh nghiệp.
Theo ông Dũng, các nền tảng số khi được triển khai sẽ giúp biến các công nghệ số trở thành một dạng dịch vụ cho doanh nghiệp và được coi như đầu vào cho sản xuất. "Cần biến công nghệ số trở thành những yếu tố đầu vào cho sản xuất, để các doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ số như điện, nước, xăng dầu,... Khi đó việc chuyển đổi số sẽ thành công", ông nói.
Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng điều hành Vụ Quản lý doanh nghiệp, cho biết Bộ TT&TT sẽ lựa chọn các nền tảng số Việt Nam xuất sắc để tích hợp thành một hệ sinh thái số đầy đủ, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chuyển đổi số.
Việt Nam có khoảng 785 nghìn SME, chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp cả nước. Nhóm này sử dụng 70% lực lượng lao động và đóng góp 50% GDP. Tuy nhiên trong đại dịch, trên 90% SME chịu ảnh hưởng tiêu cực. "Chuyển đổi số là chìa khóa giúp các SME giải quyết 'nỗi đau' của mình. Các SME là những doanh nghiệp cần được ưu tiên hỗ trợ chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay", ông Đường nhấn mạnh.
Tuy nhiên, việc triển khai chuyển đổi số cho các SME tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Phan Việt Linh, Giám đốc điều hành công ty Sao Bắc Đẩu, cung cấp giải pháp cloud và số hóa văn phòng làm việc cho SME, cho rằng một trong những khó khăn là tiếp cận các doanh nghiệp này, giúp họ xác định chiến lược, định hướng chuyển đổi số. "Các SME làm nhiều ngành nghề khác nhau và trải khắp cả nước. Không phải doanh nghiệp nào cũng có kiến thức về công nghệ thông tin, vì vậy khó khăn nhất là tìm ra định hướng của họ và tiếp cận một cách đầy đủ", ông Linh nói.
Ở phía doanh nghiệp, ông Đường Trọng Khang, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, nêu ba khó khăn chính khi triển khai các nền tảng số đến SME. Đó là nhận thức của các chủ doanh nghiệp chưa thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số mạng lại, đồng thời có lo ngại khi chuyển đổi số sẽ lộ thông tin ra ngoài. Các bộ phận chuyên môn sợ mất việc làm khi doanh nghiệp chuyển đổi số, gây khó khăn cho công tác tuyên truyền. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ thường không đủ hạ tầng, nhân sự để vận hành công nghệ mới.
Để giải quyết các khó khăn khi triển khai nền tảng số đến các SME, ông Nguyễn Trọng Đường cho biết một trong những giải pháp được đưa ra là xây dựng cổng thông tin smedx.vn. Đây là nơi các SME và nền tảng có thể tìm thấy nhau. Các SME sẽ được đào tạo, chuyển giao quy trình chuẩn để doanh nghiệp có thể vừa ứng dụng công nghệ, vừa tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả hoạt động. Trong năm 2021, 23 nền tảng số Make in Việt Nam đã được đưa vào chương trình này và tiếp cận với 170 nghìn chủ doanh nghiệp SME. Bộ cũng dự kiến năm 2022 sẽ đưa vào 30 nền tảng số, tiếp cận đến 200 nghìn chủ doanh nghiệp và hỗ trợ 30 nghìn SME chuyển đổi số bằng các nền tảng, giải pháp số.