Thuốc lá thế hệ mới: Sản phẩm nào sẽ chịu quản lý trước?
20:43 05/12/2022
Thuốc lá làm nóng (TLLN) có thành phần là nguyên liệu thuốc lá nên có thể đưa vào quản lý ngay bằng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, bao gồm Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (Luật PCTHTL) 2012 và dự thảo Nghị định 67 sửa đổi về kinh doanh thuốc lá …
Tại hội thảo “Tháo gỡ quan ngại để quản lý thuốc lá thế hệ mới” tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 11 vừa qua, ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội xác định rõ: “Theo quy định của Luật PCTHTL, TLLN được hiểu là thuốc lá và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Đối với thuốc lá điện tử (TLĐT) thì pháp luật hiện nay chưa có quy định”.
Như vậy, hiện Luật PCTHTL 2012 không chỉ dùng để kiểm soát các sản phẩm thuốc lá điếu, xì gà, mà sẽ được áp dụng quản lý bất kỳ sản phẩm nào chứng minh được trong thành phần có chứa nguyên liệu thuốc lá, chẳng hạn như TLLN hay thuốc lá ngậm… Trong đó, TLLN thuộc nhóm các loại thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) đang phổ biến trên thị trường chợ đen hiện nay.
Cấm cực đoan hay kiểm soát sản phẩm theo hướng tích cực?
Trong tham luận tại hội thảo, ông Cao Trọng Quý, Trưởng phòng Công nghiệp thực phẩm, Cục Công nghiệp, Bộ Công thương đã chia sẻ về các sản phẩm TLTHM được cung cấp bởi những nhà sản xuất chính danh, cũng như được kiểm nghiệm bởi nhiều cơ quan y tế uy tín toàn cầu.
Ông Quý cho biết, những sản phẩm TLTHM ra đời cách đây hơn 10 năm, là kết quả của quá trình nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghệ. Hiện những sản phẩm này đang có mặt tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều quốc gia có trình độ phát triển về khoa học và công nghệ ở mức cao như Hoa Kỳ, các quốc gia trong cộng đồng Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hay ở khu vực ASEAN, có: Malaysia, Indonesia, Philippines... Theo số liệu thống kê năm 2021 của WHO, đã có 79/111 quốc gia (trên 70%) cho phép hợp pháp hóa các sản phẩm TLĐT.
Trong khi đó ông Lê Thành Hưng, Trưởng phòng Tiêu chuẩn Nông nghiệp Thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh, 184/193 quốc gia thành viên (trên 95%) của WHO đã đưa TLLN vào kiểm soát theo luật về kiểm soát thuốc lá, hoặc đưa nhóm sản phẩm này vào danh mục hàng hóa khác.
Điều này cho thấy, về bản chất, các sản phẩm chính danh được hầu hết chính phủ trên toàn cầu công nhận và đưa vào quản lý. Thế nhưng tại Việt Nam, do vấn đề thiếu khung quản lý từ nhiều năm nay nên số lượng hàng lậu tràn vào thị trường ngày càng tăng, dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng, trong đó bao gồm tội phạm ma túy sử dụng TLĐT làm vỏ bọc trá hình để buôn bán chất cấm.
Nhận xét từ thực trạng này, ông Kiều Dương, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ chính sách pháp chế, Tổng cục Quản lý Thị trường, Bộ Công thương cho biết: “Thực tế là các cơ quan quản lý nhà nước chưa cho phép nhập khẩu các mặt hàng thuốc lá thế hệ mới nhưng trong thị trường nội địa, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha… vẫn xuất hiện tương đối phổ biến, người tiêu dùng dễ tiếp cận.Việc này có nhiều căn nguyên, trong đó có việc cách tiếp cận của chúng ta chưa thực sự rõ ràng”. Theo ông Dương, đề xuất cấm chỉ vì thấy khó quản lý là một cách tiếp cận khá khiên cưỡng. Trong bối cảnh phương án cấm đoán là khó thực hiện, ông Dương đề nghị cần có cách tiếp cận cởi mở hơn và mong muốn các cơ quan ban ngành phải tìm cách quản lý, có khung pháp luật phù hợp để điều chỉnh TLTHM, đảm bảo phát triển theo đúng hướng mong muốn.
Phân tích dưới góc độ quyền lợi người tiêu dùng, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Quỳnh Liên cho rằng, hiện nay nhà nước không cho phép nhập khẩu, kinh doanh TLTHM thì cũng không khác gì lệnh cấm. “Như vậy, khi đề xuất cấm TLTHM trong bối cảnh hàng lậu vẫn đang chiếm lĩnh thị trường chợ đen, có thể nhận ra, người hút thuốc trưởng thành dường như đang bị bỏ quên, chưa được đối xử công bằng và bình đẳng trước cơ hội chăm sóc sức khỏe”, bà Liên đánh giá.
Luật hiện hành đủ điều kiện để đưa TLLN vào kiểm soát ngay
Tại hội thảo, phần lớn đại biểu tham dự đều nhìn nhận, hiện tại pháp luật chưa có quy định đối với TLĐT. Trong khi đó, TLLN do có thành phần là nguyên liệu thuốc lá nên có thể đưa vào quản lý ngay bằng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đó là Luật PCTHTL 2012 và dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 67/2013 về kinh doanh thuốc lá.
Để làm rõ hơn về khả năng này, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp nhận định: “Sử dụng nguyên liệu gì để đưa vào tẩu, vào máy để từ đó đưa một lượng nicotine vào cơ thể, thì dưới góc độ của một người hút thuốc, tôi cho rằng đó chính là thuốc lá. Ở góc độ luật, chúng ta đã có quy định dưới hình thức sản phẩm thì có ‘dạng khác’, nguyên liệu thì có ‘nguyên liệu thay thế khác’”.
Qua nghiên cứu Luật PCTHTL, bên cạnh phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu, Bộ Công thương có thể bổ sung nội dung về quản lý TLTHM vào trong Nghị định thay thế Nghị định 67/2013 nêu trên. “Đến nay, Nghị định sửa đổi, bổ sung cho Nghị định 67 này đã được Bộ Tư pháp thẩm định và đang trong quá trình hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét, ban hành”, ông Hải cho biết.
Chia sẻ với báo chí về kế hoạch hoàn thành dự thảo Nghị định 67 sửa đổi, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương cập nhật: “Dự kiến trong tháng 12, sau khi có ý kiến trả lời chính thức của Bộ Y tế đối với một số nội dung còn vướng mắc trong dự thảo Nghị định về kinh doanh thuốc lá, Bộ Công thương sẽ trình Thủ tướng. Đây cũng là căn cứ để giúp cho hoạt động quản lý nhà nước về thuốc lá trong thời gian tới được thuận tiện và hiệu quả hơn”.