Đoàn Thu Hà (19 tuổi) bị "sốc ẩm thực", khó bắt nhịp với chương trình đào tạo quốc tế khi đặt chân tới Mỹ du học vào lớp 11.
Cuối năm 2020, khi là học sinh lớp 11 trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đoàn Thu Hà nhận học bổng du học hai năm cho học sinh THPT (16-19 tuổi) của UWC (Trường Thế giới liên kết) và theo học tại UWC-USA (Armand Hammer United World College) ở Mỹ. Nữ sinh chia sẻ những thử thách đầu đời nơi đất khách:
Sốc ẩm thực
Tháng 8/2020, 17 tuổi một mình đặt chân tới Mỹ, mình mang theo năm gói mỳ tôm, năm gói cháo ăn liền cùng quần áo, tiền mặt và giấy tờ. Qua Mỹ vào thời điểm dịch bệnh căng thẳng, phải cách ly và học online tại phòng riêng biệt hai tuần, mình không thể ăn được đồ Mỹ, khóc rất nhiều vì nhớ nhà và cơm mẹ nấu. Khi đó, chỉ có cháo và mỳ giúp mình có sức ngồi học.
Ở hai tuần cách ly này, mình được cung cấp đồ ăn với thực đơn chủ yếu xoay quanh khoai tây, ức gà và thịt bò. Các món khá nhạt và khó ăn so với khẩu vị người Việt mà đến giờ mình vẫn không thể ăn quen đồ ở đây.
Thời gian sau đó, học sinh ăn uống theo thực đơn căng tin của trường. Nhà bếp thay đổi đồ đa dạng, thường nấu các món đặc trưng của nhiều quốc gia, nhưng cách chế biến và nguyên liệu tại Mỹ vẫn có sự khác biệt.
Lần duy nhất mình được ăn đồ Việt Nam là vào bữa tối cuối cùng năm nhất, có phở và nem. Đó là lần đầu tiên mình ăn gần hết suất từ khi tới Mỹ. Sau vài tháng không thể thích nghi với đồ ăn Mỹ, mình quyết định mua thêm nhu yếu phẩm và tranh thủ nấu ăn kết hợp cùng các món trong thực đơn của trường để đảm bảo sức khỏe.
UWC-USA nằm biệt lập với khu dân cư, bao quanh là rừng núi, việc đi chợ, siêu thị mua đồ nấu ăn rất khó. Mình phải lập danh sách các loại nguyên liệu, vật dụng thiếu và mua sắm vào dịp cuối tuần hoặc trong kỳ nghỉ đông. Đây là cách mình tự bổ sung năng lượng cho bản thân và vượt qua cú sốc đầu đời về ẩm thực Mỹ.
Chương trình đào tạo quốc tế
Chương trình học thuật của các trường UWC là Bằng Tú tài Quốc tế (International Baccalaureate Diploma - IB), học sinh được đăng ký sáu môn dựa trên năng lực, sở thích. Nhà trường cũng có những yêu cầu bắt buộc về các hoạt động ngoại khóa.
Kỳ đầu tiên, mình mất gần hai tháng để làm quen với chương trình mới và tìm ra phương pháp học tập phù hợp. Mình lựa chọn Toán, Vật lý, Kinh tế, Tiếng Anh, Tiếng Pháp và Nhảy làm môn chủ đạo.
Mình đã quá quen với cách học truyền thống ở Việt Nam: ghi chép đầy đủ và ôn tập lại trước kỳ thi. Cách học này giúp mình đạt học lực loại giỏi lớp 10 và 11 với điểm trung bình lần lượt là 9,3 và 9. Thế nhưng, khi áp dụng tại Mỹ, mình chỉ đạt điểm số trung bình khá và còn năm tiếng để ngủ mỗi ngày.
Sau kỳ đầu, mình thay đổi phương pháp học và ôn thi, hệ thống kiến thức theo tư duy của bản thân, ghi nhớ trọng tâm kiến thức mỗi ngày, không phụ thuộc vào tài liệu, không ôn thi cấp tốc.
Mình liên tục đặt thêm câu hỏi trực tiếp với giáo viên trong bài giảng và xin ý kiến đánh giá về cách hệ thống kiến thức để rút kinh nghiệm. Kết quả, mình đạt điểm giỏi tất cả môn ở hai kỳ cuối.
Ngoài thời gian học trên lớp, trong hai năm học, mỗi học sinh phải đảm bảo các hoạt động ngoại khóa như tham gia 40 tiếng làm vườn; hai hoạt động về cộng đồng, môi trường, văn hóa và nghệ thuật; hai lần leo núi, cắm trại hai ngày một đêm và hoạt động tổ chức sự kiện.
Tham gia leo núi lần đầu tiên ở năm nhất, do chưa có kinh nghiệm, thể lực yếu, lại phải đeo ba lô nặng bằng một phần ba cơ thể, mình ngã đập đầu xuống bậc thang và phải khâu hai mũi ở trán. Đó là một trong những trải nghiệm nhớ đời nhất trong hai năm du học Mỹ.
Là một phần trong chương trình học quốc tế, học sinh buộc phải hoạt động ngoại khóa để hoàn thành chương trình đào tạo. Vì vậy, việc chuẩn bị về cả kiến thức và thể chất đều quan trọng. Đừng quên giữ cho mình một thể trạng tốt khi tham gia các hoạt động bởi đây là yếu tố quan trọng giúp nhà trường đánh giá năng lực của bạn.
Môi trường sống biệt lập
Các trường thuộc UWC nằm tách biệt với khu dân cư, gần giống với môi trường học nội trú tại Việt Nam, sinh hoạt của học sinh và đa số giáo viên chủ yếu diễn ra tại trường. Học sinh đang sinh sống ở các vùng dân cư đông đúc, đột ngột chuyển sang môi trường này sẽ gặp nhiều bất tiện.
Với đồ dùng cá nhân, học sinh chỉ có thể đợi đến cuối tuần chờ xe nhà trường đưa đón đi mua sắm hoặc tranh thủ mua đồ khi tham gia hoạt động ngoại khóa trong khu dân cư. Việc đặt hàng online phải chờ tới cả tháng mới có thể nhận vì trường nằm cách xa khu thành thị.
Nhu cầu giải trí tinh thần của học sinh hầu hết được tổ chức trong khuôn viên trường. Tại UWC-USA, các ngày lễ chào đón văn hóa cùng các sự kiện âm nhạc là nơi giao lưu văn hóa, tăng tính đoàn kết giữa học sinh các quốc gia, tạo sân chơi giải trí sáng tạo.
Để tránh gặp khó khăn khi sống trong môi trường như vậy, bạn cần hòa đồng trong các sự kiện của trường, làm quen nhiều bạn bè, thầy cô. Việc này không khó vì mọi người đều rất thân thiện. Không ít lần bị ốm do thời tiết thay đổi, đặc biệt vào mùa đông, mình nhận được sự chăm sóc tận tình từ cô bạn người Mỹ và Costa Rica cùng phòng. Đầu năm 2022, khi mắc Covid-19, cô giáo dạy tiếng Pháp tặng mình rất nhiều hoa quả và thường xuyên động viên giúp mình mau khỏi bệnh.
Không phải học bổng du học cấp ba nào tại Mỹ cũng áp dụng chương trình học IB và môi trường sống biệt lập như các trường UWC, nhưng nếu có dự định chinh phục các học bổng toàn phần tại đây, bạn cần chuẩn bị tâm lý vững vàng để làm quen với môi trường mới hoàn toàn khác biệt.
Với nhiều thử thách, sau hai năm ở Mỹ, mình trở nên mạnh mẽ, tự lập và sống khoa học hơn. Mình xây dựng kế hoạch hoạt động mỗi tuần, thực hiện kế hoạch đề ra theo cách thoải mái nhất và duy trì thể chất, từ đó hoàn thành tốt chương trình học.
Tốt nghiệp chương trình IB tại UWC-USA, mình nộp đơn ứng tuyển học bổng vào 10 đại học tại Mỹ. Với kiến thức và trải nghiệm có được sau hai năm, mình đã trúng tuyển Đại học Middlebury College, top 10 trong hệ thống trường Liberal Arts với mức với mức tài trợ 85% chi phí (260.000 USD) cho 4 năm học. Mình sẽ nhập học vào tháng 9 này.