Sáng 5/9, khoảng 23 triệu học sinh cả nước dự lễ khai giảng năm học 2022-2023 trực tiếp tại trường sau hai năm phải kết hợp nhiều hình thức do ảnh hưởng của Covid-19.
*Tiếp tục cập nhật
Trời Hà Nội mát mẻ, đường phố đông đúc từ 6h30 khi hơn 2,2 triệu học sinh đến trường khai giảng. Tại trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), học sinh được thông báo có mặt lúc 6h15.
Vũ Thu Hiền, học sinh lớp 12A2 chất lượng cao đã dậy từ 4h sáng để làm tóc. Nhà ở Thanh Trì, Hiền được mẹ đưa đi từ 5h45 để kịp thời gian quy định. "Sau hai năm dịch bệnh, được dự khai giảng trực tiếp nên em rất vui", Hiền nói.
Tương tự tại TP HCM, từ 6h30, nhiều phụ huynh đã đưa con đến trường dự lễ khai giảng. Khu vực gần trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), cha mẹ tranh thủ cho con ăn sáng. Khoảng 7h, cổng trường đông hơn hẳn. Một vài thời điểm, lực lượng cảnh sát giao thông gần đó phải ra điều tiết để tránh ùn ứ.
Trước khi chào tạm biệt con, nhiều phụ huynh cùng chụp lại khoảnh khắc ngày khai trường, một số bé lớp một dù đã tựu trường từ trước đó một tuần nhưng vẫn tỏ ra bỡ ngỡ, khóc lóc đòi cha mẹ.
Dành gần chục phút động viên con gái, chị Trúc, một trong hơn 250 phụ huynh có con vào lớp một ở trường Nguyễn Bỉnh Khiêm mới đưa con được vào sân trường, an tâm dự lễ khai giảng đầu đời. "Sáng nay bé hơi lo lắng, chắc do thấy đông người hơn thường ngày. Mong sau lễ khai giảng, con sẽ hoà nhập nhanh, hứng thú đi học hơn", người mẹ chia sẻ.
Tại Hải Phòng, gần 500.000 học sinh bước vào năm học 2022-2023. Nhiều phụ huynh, học sinh bày tỏ háo hức sau hai năm không được dự khai giảng trọn vẹn do ảnh hưởng của Covid-19. Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng đông học sinh từ gần 7h. Giáo viên có mặt từ tờ mờ sáng để chuẩn bị.
Là giáo viên chủ nhiệm lớp một trong năm học mới, cô Lương Thị Kim Hông dậy từ 4h sáng. "Sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, năm nay, trường mới tổ chức lễ khai giảng đầy đủ nhất, trang trọng nhất tại sân trường. Mấy hôm nay, cả trường háo hức chuẩn bị ngày quan trọng này", cô Hồng nói.
Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường lên kế hoạch lễ khai giảng gọn nhẹ, tạo không khí vui vẻ, phấn khởi cho học sinh.
Nhiều trường lồng ghép những hoạt động thiết thực vào lễ khai giảng với chủ đề cụ thể. Trường Xanh Tuệ Đức (Hà Nội) đưa ra chủ đề "Năm học của sự biết ơn" với nhiều hoạt động như sinh hoạt uống trà "Biết ơn", rửa chân tri ân cha mẹ, các hoạt động giao lưu chia sẻ về lòng biết ơn nhằm giúp học sinh hiểu, trân trọng và biết ơn những gì đang được sở hữu, hiện hữu xung quanh, từ con người đến cây cối, nước và chính bản thân mình.
Về phía các địa phương, để chuẩn bị cho năm học mới, nhiều tỉnh, thành đẩy mạnh tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh kể từ đầu tháng 8 đến nay, đồng thời xây mới, sửa chữa, nâng cấp nhiều trường lớp; tìm mọi cách khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ.
Một số địa phương miễn giảm học phí cho học sinh trong bối cảnh Covid-19 tác động sâu rộng đến đời sống xã hội suốt ba năm qua.
Năm học 2022-2023, thành phố Đà Nẵng có gần 275.000 học sinh từ mầm non đến THPT khai giảng. Đây là năm thứ ba thành phố có chính sách hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông. Nếu tính theo mức học phí cũ, bình quân mỗi năm thành phố hỗ trợ khoảng 92 tỷ đồng. Còn tính theo mức mới của Nghị định 81, số tiền hỗ trợ năm nay là 450 tỷ đồng.
Trong thư gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học 2022-2023, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị toàn bộ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo, khắc phục khó khăn, làm tốt chức trách, phát huy tinh thần trách nhiệm với nghề, với học sinh thân yêu vì sự nghiệp trồng người.
Chủ tịch nước cũng mong muốn các bậc phụ huynh quan tâm hơn nữa đến sự học của con cái; nhắc nhở các em học sinh, sinh viên phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí thức của nhân loại, có khát vọng cống hiến, góp phần xây dựng đất nước thêm giàu mạnh và phồn vinh.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng một năm học mới bắt đầu với đầy thách thức phía trước, như khắc phục hậu quả nặng nề do dịch bệnh để lại, đổi mới giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng và phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục đại học, phổ cập giáo dục, tăng cường, tạo niềm tiên về phía xã hội.
"Tôi rất mong toàn thể lực lượng giáo viên ra sức cố gắng, phấn đấu hoàn thiện bản thân và đổi mới sáng tạo để hoàn thành thật tốt công cuộc đổi mới. Cũng mong toàn thể học sinh hoàn thành thật tốt các nhiệm vụ học tập, tu dưỡng để đạt đến các mục tiêu trở thành công dân tốt, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội", ông Sơn nói. Lãnh đạo ngành giáo dục cũng hy vọng phụ huynh chia sẻ với những khó khăn của ngành để có sự đồng hành, hỗ trợ nhằm mang đến kết quả giáo dục tốt nhất.